Sinh viên Việt Nam còn được trả lương trong quá trình học và sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc cho các công ty bán dẫn Đài Loan.

Thông tin theo Tuổi Trẻ Online cho biết, ông Hàn Quốc Diệu - chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM - cho biết Bộ Giáo dục Đài Loan vừa công bố "Chương trình đặc biệt giáo dục tài năng công nghiệp quốc tế" (INTENSE) cho sinh viên Việt Nam, Indonesia và Philippines.

Chương trình INTENSE sẽ tập trung đào tạo các ngành khoa học kỹ thuật, chip, bán dẫn... có sự kết hợp giữa ba bên gồm chính quyền, doanh nghiệp và đại học. Đài Loan sẽ chi trả toàn bộ học phí, doanh nghiệp hỗ trợ sinh viên 10.000 đài tệ mỗi tháng (khoảng 7,7 triệu đồng), còn trường đại học sẽ phối hợp đào tạo theo đặt hàng.

Thời gian đào tạo trong 2 năm. Du học sinh sau khi kết thúc chương trình sẽ làm việc tối thiểu 2 năm cho doanh nghiệp Đài Loan đã hỗ trợ. Sau đó sinh viên có thể chọn làm tiếp tại Đài Loan hoặc trở về Việt Nam.

Theo ông Diệu, chương trình học sẽ được trường đại học Đài Loan thiết kế tùy vào nhu cầu của doanh nghiệp đặt hàng. Trong 2 năm, các bạn chỉ học đúng một phần trong lĩnh vực bán dẫn mà doanh nghiệp ấy đang cần. Không học rộng nhưng đòi hỏi người học phải học sâu.

Cũng vì vậy mà chương trình sẽ tuyển những bạn đã có nền tảng từ trước, chẳng hạn các bạn đã tốt nghiệp cử nhân các ngành kỹ thuật, hoặc các bạn đang học năm 2, hoặc cao đẳng năm 3.

Trong năm đầu tiên dự kiến có thể tuyển 6.000 sinh viên ở 3 nước Việt Nam, Indonesia và Philippines cho 2 kỳ nhập học mùa thu (tháng 9) và mùa xuân (tháng 2). Đại diện các trường đại học Đài Loan sẽ sang phỏng vấn trực tiếp các sinh viên tiềm năng.

Ông Diệu cho rằng muốn thu hút các doanh nghiệp bán dẫn vào Việt Nam, trước hết cần nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, một số yếu tố tưởng chừng dễ nhưng cũng không ít thách thức, đó là đảm bảo nguồn điện và nước liên tục 24/24. Vì nếu mất điện, nước là ngay lập tức dây chuyền chip bán dẫn trong nhà máy hư hỏng.

"Ngoài ra Việt Nam có thể bắt đầu với một, hai lĩnh vực cụ thể trong ngành công nghiệp bán dẫn và làm tốt nhất. Tôi nghĩ đó là các khâu thiết kế, kiểm định và đóng gói IC. Tiếp theo, Việt Nam sẽ dần bước qua sản xuất các loại chip đơn giản", ông Diệu nói.

 

Chuyên gia trong nhà máy bán dẫn tại Đài Loan - Ảnh: COMMON WEALTH

Doanh nghiệp bán dẫn Đài Loan thích hợp tác với đại học

Ông Hàn Quốc Diệu cho rằng hiện doanh nghiệp Đài Loan, trong đó có doanh nghiệp bán dẫn, rất thích đầu tư vào các dự án nghiên cứu của trường đại học. Không phải doanh nghiệp nào ở Đài Loan cũng có phòng R&D. Vì vậy, hợp tác với trường đại học sẽ lợi về mặt chi phí hơn, rất thích hợp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Khi ra kết quả, đại học sẽ chuyển giao cho doanh nghiệp. Thường thì cả hai bên sẽ cùng thụ hưởng một kỹ thuật mới. Lợi nhuận kinh doanh được từ sản phẩm mới sẽ được doanh nghiệp trả tiền bản quyền cho đại học.

Bộ Giáo dục Đài Loan luôn công khai trên website về sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, chẳng hạn tỉ lệ tốt nghiệp có việc làm, sinh viên những trường nào được doanh nghiệp thích tuyển nhất, mức độ hài lòng của doanh nghiệp với sinh viên các trường…

TTO