Cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Văn phòng Chủ tịch nước ngày 11.7 họp báo công bố một
số Luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, trong đó có Luật Việc làm
2025, có hiệu lực từ 1.1.2026.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương cho biết Luật
Việc làm sửa đổi các quy định liên quan về khung trình độ, tiêu chuẩn kỹ năng
nghề quốc gia, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia... đáp ứng yêu cầu
của thị trường lao động và cập nhật với tiêu chuẩn, trình độ kỹ năng nghề của
khu vực, thế giới…
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, luật đã cải cách chính
sách bảo hiểm thất nghiệp hướng tới là công cụ quản trị thị trường lao động
theo tinh thần Nghị quyết 28 của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã
hội (trong đó có cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp).
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương
thông tin những điểm mới của Luật Việc làm 2025. Ảnh: Duy Thiên
Theo đó, Luật Việc làm năm 2025 đã tập trung sửa đổi
các nội dung lớn, trọng tâm như: mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
nhằm tăng cường diện bao phủ chính sách và phù hợp với Luật Bảo hiểm xã hội năm
2024; linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (tối đa bằng 1% tiền lương
tháng), đơn giản hóa điều kiện, giảm thủ tục hành chính cho người lao động và
người sử dụng lao động trong tiếp cận và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm thất
nghiệp…
Công nhận kỹ năng nghề thúc đẩy người dân tự học giúp
tăng thu nhập
Tại họp báo, báo chí đã đặt câu hỏi về việc khi luật
có hiệu lực thì có giảm tỉ lệ thất nghiệp, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng
Bình cho biết tỉ lệ thất nghiệp quốc gia phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có mức
độ tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo vùng
miền, địa phương; còn phụ thuộc quan hệ thương mại quốc tế, cơ cấu dân số, nhân
khẩu học, chính sách kinh tế vi mô.. Chính sách việc làm và lao động là một
trong những yếu tố tác động đến tỉ lệ thất nghiệp.
Với Luật Việc làm, ông Bình nêu mục đích là hoàn thiện
thể chế về thị trường lao động, "thị trường lao động trở thành một trong
những cân đối vĩ mô", điều này cũng đã được khẳng định trong Nghị quyết 56
của Chính phủ.
"Cách đây 10 năm khi đầu tư tại các địa phương
thì không ai hỏi có thiếu lao động không, hiện nay khi nhà đầu tư đến thì ngoài
vấn đề đất đai, thủ tục đầu tư thì câu hỏi đầu tiên dành cho địa phương là có
lao động hay không. Đây là một trong những yếu tố để nhà đầu tư có quyết định đầu
tư" - ông Bình nói.
Ông Bình cho biết, trong luật đã đưa được nội dung
quan trọng về đăng ký lao động. Theo đó, tất cả lao động Việt Nam từ 16 tuổi trở
lên đều được đăng ký gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - đây là nền tảng
xây dựng cơ sở dữ liệu lao động quốc gia.
Căn cứ vào đó, sẽ hoàn thiện thông tin thị trường lao
động. Từ đó có thể nắm được trong 5 năm tới, Việt Nam có bao nhiêu lao động
tham gia, bao nhiêu lao động thất nghiệp. Hệ thống dữ liệu cũng sẽ giúp phân
tích, dự báo thị trường lao động.
Bộ Nội vụ được giao thử nghiệm vận hành sàn giao dịch
việc làm quốc gia, dự kiến tháng 9 khai trương. Cục trưởng Cục Việc làm cho biết
sàn sẽ là cơ sở giúp doanh nghiệp kết nối với người lao động. Các doanh nghiệp
tư nhân có dữ liệu cũng có thể kết nối với sàn này để đồng bộ.
Luật Việc làm sửa đổi có thay đổi lớn về kỹ năng nghề,
mỗi người lao động dù tự đào tạo, thực hành nhưng qua sát hạch thì được công nhận
kỹ năng nghề. Hiện nay có 1 triệu người lao động có thực hành rất tốt nhưng
không được thừa nhận, không có chứng chỉ kỹ năng nghề.
Việc mở rộng công nhận kỹ năng nghề sẽ thúc đẩy người
dân tự học gắn với thực hành, khi có chứng chỉ thì có khả năng nâng cao mức
lương, thu nhập....
Bộ Nội vụ kỳ vọng nếu làm việc này tốt sẽ nâng cao chất
lượng lao động của người dân, doanh nghiệp thông qua tự học.
BLĐ