Cùng với mì giấy (mì hai con tôm), mì ký là một trong hai sản phẩm chủ đạo tạo thêm thương hiệu Miliket của Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa.
Giống
như tên gọi của mình, mì ký được bán theo dạng bịch lớn từng ký, mỗi bịch nhiều
vắt mì, không hề đóng gói bóng bẩy hoặc đóng riêng từng vắt như các loại mì ăn
liền quen thuộc khác. Thế nhưng chính điều này giúp mì ký có giá rất cạnh tranh
và trở thành lựa chọn hàng đầu cho các hàng quán, khu chợ và cả những gia đình
Việt Nam bình dân.
Tuy
nhiên, Colusa vừa thông báo một loạt chính sách để đẩy mạnh tái cơ cấu, chuẩn bị
chuyển dịch mô hình và nâng cao hiệu quả vận hành. Một trong số đó là việc dừng
sản xuất mì ký.
Lý
do được đưa ra là đây là loại mì làm thủ công, “càng bán càng lỗ”. Minh chứng
rõ ràng nhất là việc thị phần nội địa của Miliket đã sụt giảm nghiêm trọng, từ
mức 20% trước khi cổ phần hóa hiện nay chỉ còn vỏn vẹn khoảng 2%.
“Càng
bán càng lỗ”. Đây có thể là sự thật phũ phàng với những người yêu thích hương vị
quốc dân này. Tuy nhiên nó là điều có thể dự đoán được khi thị trường mì ăn liền
Việt Nam đang cạnh tranh cực kỳ khốc liệt, không chỉ từ các thương hiệu nội địa
mà còn đến từ các thương hiệu nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc.
Nói
đến mì ăn liền là nói đến một vũ khí xuất khẩu mạnh mẽ của Hàn Quốc. Trong
tháng 3/2022, doanh số xuất khẩu mì ăn liền Hàn Quốc đạt mốc 71,58 triệu đô.
Con số này tương đương 60% với mức tiêu thụ trung bình hằng tháng của cả thị
trường Việt Nam, trong khi Việt Nam là thị trường tiêu thụ mì ăn liền lớn thứ
ba thế giới. Đến tháng 4/2024, xuất khẩu mì ăn liền Hàn Quốc lần đầu tiên vượt
mốc 100 triệu USD.
Theo
các chuyên gia quan sát thị trường, xuất khẩu mì ăn liền Hàn Quốc tăng mạnh phần
lớn nhờ “nền xuất khẩu văn hóa” của Hàn. Hay nói cách khác là nhờ sự phổ biến của
những sản phẩm văn hóa như phim ảnh, âm nhạc. Các sản phẩm này giúp quảng bá
nhiều nét văn hóa của Hàn Quốc, trong đó có các loại mì cũng không ngoại lệ.
Là
một quốc gia chịu ảnh hưởng sâu sắc của làn sóng văn hóa Hàn Quốc, không khó hiểu
khi Việt Nam cũng ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của các thương hiệu mì ăn liền
đến từ quốc gia Đông Á này.
Hiện
tại, Hàn Quốc và các tay chơi ngoại quốc khác chiếm khoảng 30% thị trường mì ăn
liền Việt Nam.
Phổ
biến hàng đầu là thương hiệu Koreno đến từ Paldo. Họ thành lập pháp nhân tại Việt
Nam từ năm 2006 và xây dựng nhà máy rộng gần 12.000m² ở Phú Thọ năm 2013. Năm
2017, doanh thu thuần của Paldo Vina đạt hơn 470 tỷ đồng. Đến năm 2021, con số
này tăng gấp đôi, đạt hơn 910 tỷ đồng.
Ottogi
cũng là một cái tên tạo nhiều sự chú ý. Kể từ khi đưa nhà máy sản xuất mì ăn liền
ở Bắc Ninh đi vào hoạt động, doanh thu Ottogi tăng trưởng thấy rõ. Năm 2018, họ
thu về 470 tỷ doanh thu thuần. Đến năm 2020, con số này đạt hơn 680 tỷ, sau đó
vượt mốc 900 tỷ năm 2021.
Hoặc
Nongshim, dù chỉ mới thâm nhập thị trường Việt Nam từ năm 2020, thế nhưng doanh
thu trong năm đầu tại Việt Nam đã vượt mốc 100 tỷ đồng.
Sự
góp mặt của những thương hiệu ngoại quốc khiến thị trường mì ăn liền Việt Nam
biến động không ngừng. Ngay cả ông lớn Hảo Hảo (Acecook) cũng phải thay đổi để
cạnh tranh. Tháng 5/2024, Hảo Hảo cho ra mắt dòng sản phẩm Hảo Hảo 100, với vắt
mì nặng 100g thay vì 70-80g như mì Việt Nam thông thường.
Vắt
mì 100g là bằng gấp rưỡi vắt mì thông thường. Sự điều chỉnh này dựa trên việc
theo dõi và nắm bắt nhu cầu khách hàng, vì người tiêu dùng Việt Nam thường
trong tình trạng “ăn một gói thì chưa no, ăn hai gói lại quá nhiều”. Trong khi
đó, định lượng của các gói mì Hàn Quốc lại có vẻ phù hợp hơn, khi khối lượng
rơi vào 120-200g. Do đó, Hảo Hảo quyết định ra mắt dòng sản phẩm Hảo Hảo 100,
không chỉ để chứng minh họ luôn quan tâm đến ý kiến người tiêu dùng, mà còn là
chiến lược để “ngáng chân” mì Hàn và tăng sức cạnh tranh cho mình.
Đến
cả một ông lớn như Hảo Hảo cũng phải thay đổi để thích nghi và cạnh tranh với
thời cuộc, thì có thể nói thị trường mì ăn liền Việt Nam đang rất khốc liệt.
Trong
bối cảnh ấy, bản thân Miliket không có quá nhiều đột phá với dòng sản phẩm mì
ký, khi vẫn là hương vị ấy, định lượng ấy và cách đóng gói ấy. Ngày trước, thế
mạnh của mì ký là giá cả rẻ, phù hợp với các hàng quán vỉa hè, dần in sâu vào
tâm trí đời sống bình dân của người Việt. Thế nhưng giờ đây khi xã hội phát triển,
đời sống được cải thiện, người ta không còn cần những thương hiệu mì “quá rẻ”
như vậy nữa. Và trên thực tế, thị trường cũng không hiếm những loại mì rẻ và
hương vị đa dạng.
Việc
khai tử mì ký không chỉ là dấu chấm hết cho một dòng sản phẩm, mà còn là lời
chia tay với cả một giai đoạn đã từng gắn bó sâu đậm với đời sống của nhiều thế
hệ người Việt. Trong xu hướng thị trường đòi hỏi sự mới mẻ và chất lượng hiện
nay, không khó hiểu khi mì ký dần không còn chỗ đứng. Thế nhưng điều đó không
có nghĩa giá trị của mì ký bị phủ nhận và quên lãng. Mì ký vẫn sẽ là một “di sản”
bình dân, mộc mạc của Miliket và ký ức tuổi thơ của vô số người tiêu dùng Việt
Nam.
DĐDN