Theo tờ Bangkok Post, ngày 11/7, ông Thaksin tham dự cuộc họp cấp cao tại Bangkok cùng Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Thương mại và các cố vấn kinh tế hàng đầu của chính phủ.

Tại đây, các bên thống nhất hoàn thiện bản đề xuất mới gửi tới Washington, đồng thời xây dựng các biện pháp nhằm bảo vệ ngành công nghiệp trong nước và sinh kế người dân trước tác động tiêu cực từ chính sách thuế mới của Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira, trưởng nhóm đàm phán với phía Mỹ, cho biết chính phủ Thái Lan sẽ điều chỉnh nhẹ khung đề xuất hiện tại để tăng khả năng đạt được mức thuế “cạnh tranh” hơn so với các nước láng giềng. Ông nhấn mạnh sẵn sàng trực tiếp sang Mỹ để đàm phán nếu cần thiết.

Trong bối cảnh thời hạn chót là ngày 1/8 đang đến gần, Thái Lan đang đưa ra nhiều nhượng bộ nhằm duy trì mối quan hệ thương mại song phương.

Cụ thể, Bangkok đề xuất xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 90% hàng hóa Mỹ và dỡ bỏ nhiều rào cản phi thuế quan. Chính phủ cũng cam kết sẽ giảm 70% mức thặng dư thương mại trị giá 46 tỷ USD với Mỹ trong vòng 5 năm tới.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn truyền hình ngày 9/7, ông Thaksin tin rằng Thái Lan vẫn có thể đạt được một thỏa thuận có lợi nếu biết đàm phán khéo léo. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo Bangkok cần sẵn sàng với một “kế hoạch thoát hiểm” và đặc biệt thận trọng trước các yêu cầu liên quan đến Trung Quốc - điều có thể được Washington đưa ra như một phần trong đàm phán giảm thuế.

Kể từ khi trở về Thái Lan năm 2023 sau 15 năm sống lưu vong, ông Thaksin - người sáng lập đảng Pheu Thai - vẫn là một thế lực chính trị có ảnh hưởng sâu rộng. Ông thường xuyên lên tiếng về các chính sách kinh tế và giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhiều kế hoạch hiện nay của chính phủ.

Dù con gái ông, bà Paetongtarn Shinawatra, đang bị đình chỉ chức vụ Thủ tướng, ông Thaksin vẫn khẳng định mạnh mẽ: “Cha của Thủ tướng vẫn còn ở đây và sẽ tiếp tục chăm lo cho đất nước”.

Theo TCĐTTT