Trong đó có những ngành vốn sử dụng nhiều tài nguyên, tiêu tốn năng lượng như sản xuất vật liệu xây dựng hiện đang chuyển đổi mạnh mẽ. Các công nghệ về sản xuất gạch không nung, tận dụng nhiệt thừa để phát điện... đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều lĩnh vực khác cũng ghi nhận chuyển biến trong hiện đại hóa sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ (KHCN) và cơ cấu lại các lĩnh vực sử dụng tài nguyên, năng lượng.
Xây dựng
mô hình kinh tế tuần hoàn, ít phát thải
Tro xỉ của
nhà máy nhiệt điện hay bã thải của nhà máy phân bón từng là bài toán nan giải
trong việc xử lý. Nhiều nơi phải đổ thải ở các bãi lộ thiên, ảnh hưởng rất lớn
đến môi trường. Hiện nay, nhờ công nghệ sản xuất xanh về vật liệu xây dựng, tro
xỉ, bã thải qua xử lý trở thành nguyên liệu đầu vào cho ra đời các sản phẩm như
gạch bê tông khí chưng áp, vữa khô...
Đầu tư nhà
máy sản xuất vật liệu xây dựng không nung trong hơn 17 năm qua, ông Kiều Văn
Mát, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường, đơn vị
chuyên về vật liệu xây dựng không nung, cho biết: "Công ty đã triển khai
nhà máy ở Bình Thuận, giải quyết bài toán khó về xử lý tro xỉ thải của Nhà máy
Nhiệt điện Vĩnh Tân. Cùng với đó là nhà máy tại Hải Dương, đến nay giúp xử lý
70% tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện ở khu vực phía Bắc. Chúng tôi hướng đến
mô hình kinh tế tuần hoàn, tro xỉ, bã thải trở thành nguyên liệu đầu vào để sản
xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, đáp ứng cho không chỉ thị trường
trong nước mà còn xuất khẩu”.
Sản xuất vật
liệu xây dựng không nung mang lại lợi ích kép về bảo vệ môi trường, vừa giúp xử
lý tro xỉ, bã thải của ngành công nghiệp khác vừa hạn chế dùng nhiên liệu đốt
so với gạch nung thông thường. Tuy nhiên, đã có giai đoạn, các nhà máy sản xuất
gạch không nung lao đao vì khó khăn trong tiếp cận thị trường. Thói quen của
người dân vẫn ưa chuộng sử dụng gạch nung. Với sự kiên trì và chứng minh lợi
ích thiết thực mang lại, vật liệu xây dựng không nung ngày càng phát triển, đến
nay đã có thị trường ổn định. Quy trình sản xuất sản phẩm này hướng tới tự động
hóa hoàn toàn để khai thác công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất lao động.
Với các
nhà máy sản xuất xi măng, một công nghệ ngày càng được nhiều đơn vị quan tâm là
tận dụng nhiệt dư từ lò nung để phát điện. Nhà máy sản xuất xi măng của Công ty
Cổ phần Xi măng Xuân Thành ở Hà Nam có 3 dây chuyền với tổng công suất hơn 16
triệu tấn/năm, hiện đều được lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt dư để phát điện.
“Hiệu quả của hệ thống phát điện mang lại rất rõ rệt, giảm phát thải nhiệt và bụi
ra môi trường, tiết kiệm tiêu hao năng lượng cho nhà máy, nhất là tiêu hao điện
với mức tiết kiệm 25-30% lượng điện tiêu thụ”, ông Vũ Quang Bắc, Tổng giám đốc
Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành cho biết.
Hệ thống điều hành sản xuất theo công nghệ hiện đại của Công ty cổ phần
Xi măng Xuân Thành.
Theo ông
Vũ Quang Bắc, đầu tư cho hệ thống này so với dây chuyền sản xuất xi măng không
lớn, khoảng 500 tỷ đồng cho công suất 24MW, mất khoảng 3-4 năm thu hồi vốn, thậm
chí có thể ngắn hơn. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả cần đầu tư đồng bộ từ đầu,
những dây chuyền cũ muốn thực hiện phải dừng lò một thời gian, ảnh hưởng đến sản
xuất. Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành cũng là đơn vị tiên phong trong lắp đặt
hệ thống quan trắc khí thải trực tuyến, kiểm soát kịp thời các chỉ tiêu môi trường.
Đồng thời, đơn vị cũng ứng dụng những công nghệ mới giúp xây dựng môi trường
làm việc tốt nhất, bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên, người dân và xã
hội.
Sản xuất bền
vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên
Thời gian
gần đây, cát xây dựng ngày càng trở nên đắt đỏ do nguồn cung khan hiếm. Việc
khai thác cát tự nhiên quá mức gây ra nhiều vấn đề về môi trường, sạt lở, xói
mòn bờ sông. Điều đó càng thúc đẩy phát triển vật liệu thay thế, trong đó có
cát nhân tạo. Là một trong những đơn vị đi đầu trong sản xuất cát nhân tạo, ông
Trương Minh Hiền, Tổng giám đốc Công ty Tân Thủy (Hà Nam) cho biết: "Tiềm
năng phát triển ngành cát nhân tạo còn rất nhiều, tính chất kỹ thuật hơn hẳn
cát tự nhiên, giá thành cũng rất cạnh tranh, quan trọng là cần có cơ chế, chính
sách phù hợp. Hiện nay, cát tự nhiên còn phổ biến và ăn sâu vào thói quen sử dụng
của người dân nên thị trường cho cát nhân tạo còn hạn hẹp. Vì vậy, chính sách
phát triển trong lĩnh vực khai thác khoáng sản nên khuyến khích theo hướng chế
biến sâu. Doanh nghiệp không ngại đầu tư về công nghệ nhưng quan trọng là phải
có thị trường, hướng đến các sản phẩm vừa tiện lợi cho người tiêu dùng vừa bảo
vệ môi trường".
Theo ông
Phạm Văn Bắc, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam: Việc siết chặt quản
lý khai thác cát tự nhiên hay mỏ đất sét để làm gạch nung dẫn tới giảm nguồn
cung các loại vật liệu này. Đầu vào khan hiếm là một trong những nguyên nhân đẩy
giá một số loại vật liệu xây dựng có nguồn gốc từ khai thác tự nhiên lên cao.
Điều này mở ra cơ hội cho các sản phẩm như gạch không nung, cát nhân tạo, qua
đó giúp sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả.
Sản xuất vật liệu xây dựng không
nung tại nhà máy của Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường.
Chuyển đổi
xanh đã trở thành mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó
có Việt Nam. Để triển khai mục tiêu này, Việt Nam đang thực hiện nhiều chiến lược
quan trọng như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm
nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm
2050. Chuyển đổi xanh bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định, trong đó,
đối với ngành công nghiệp ghi nhận nhiều chuyển biến về hiện đại hóa sản xuất,
nâng cao hiệu quả ứng dụng KHCN và cơ cấu lại các ngành tiêu thụ tài nguyên,
năng lượng.
Bên cạnh
đó, các mô hình mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... tiếp tục được đẩy
mạnh triển khai tại nhiều doanh nghiệp, bước đầu mang lại kết quả khả quan. Việc
áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn trong mô hình khu công nghiệp sinh thái, cộng
sinh công nghiệp (các doanh nghiệp liên kết với nhau để tối ưu hóa hoặc tái sử
dụng nguyên vật liệu, năng lượng, xử lý chất thải...) được hiện thực hóa, thu
được kết quả tích cực. Hiện nay đã có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp kinh
doanh bền vững, sáng kiến EGS (môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp) thu
hút được sự ủng hộ, tham gia của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.
Sản xuất
xanh là giải pháp thiết thực góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát
triển bền vững và phát thải ròng bằng 0 ở nước ta, hướng tới cuộc sống an toàn
và tốt đẹp hơn không chỉ của người dân Việt Nam mà còn vì lợi ích chung của
nhân loại.
Theo BQĐND