Cú huých kép từ bán lẻ và du lịch
Sau thời
gian chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và lạm phát toàn cầu, năm 2025 mở ra với
một không khí khác biệt: sôi động, kỳ vọng và… khát khao tăng trưởng. Các doanh
nghiệp bán lẻ nội địa và nước ngoài không giấu tham vọng mở rộng địa bàn, chiếm
lĩnh thị trường từ sớm.
Ngày 19/4,
Aeon Việt Nam – “ông lớn” đến từ Nhật Bản – đã khởi công Trung tâm thương mại
Aeon tại Hải Dương, đánh dấu bước đi quan trọng trong chiến lược mở rộng tại Việt
Nam. Với tổng vốn đầu tư lên tới 1.180 tỷ đồng, dự án được kỳ vọng sẽ hoàn thiện
vào năm 2026, tạo ra khoảng 1.000 việc làm và cung cấp không gian mua sắm hiện
đại với diện tích sàn hơn 38.100 m².
Aeon tiếp tục mở rộng hệ thống cửa hàng tại Việt Nam (Ảnh: Aeon Việt
Nam)
Không đơn
thuần là một trung tâm mua sắm, Aeon Hải Dương được phát triển như một
"thiên đường gia đình ba thế hệ" – mô hình không gian sống, mua sắm,
giải trí và kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Điểm đặc biệt trong chiến
lược của Aeon không chỉ là đầu tư vào hạ tầng bán lẻ hiện đại, mà còn là hợp
tác sâu với nhà cung cấp địa phương, thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt chất lượng
cao, hỗ trợ phát triển kinh tế vùng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho chuỗi
cung ứng nội địa.
Đây không
phải là trường hợp đơn lẻ. Chuỗi bán lẻ Uniqlo cũng đã có mặt tại Huế – một thị
trường mới nổi nhờ sự phát triển mạnh của du lịch và chuyển đổi đô thị. Cửa
hàng tại Huế là điểm bán thứ 29 tại Việt Nam và là cửa hàng đầu tiên tại miền
Trung. Tại đây, Uniqlo tận dụng văn hóa bản địa để phát triển sản phẩm, hợp tác
với các họa sĩ trẻ để tạo ra dòng áo in hình nón lá bài thơ, tranh làng Sình –
một bước đi khôn ngoan nhằm chiếm được cảm tình của khách hàng địa phương và du
khách.
Tại TP. Hồ
Chí Minh, thương hiệu nội địa Alluvia Chocolate – vốn nổi danh với sản phẩm ca
cao thuần Việt – cũng đang mở rộng sự hiện diện tại những vị trí đắc địa như đường
Lê Lợi. Điều đáng nói là ngay cả khi đã có hai điểm bán cạnh nhau, thương hiệu
này vẫn tìm cách gia tăng diện tích tiếp cận người tiêu dùng, cho thấy niềm tin
vào sức bật của ngành bán lẻ trong bối cảnh du lịch nội địa và quốc tế phục hồi
mạnh mẽ.
Không phải
ngẫu nhiên mà nhiều doanh nghiệp bán lẻ chọn các “thủ phủ du lịch” như Huế, Đà
Nẵng, Hội An hay Nha Trang để mở rộng hệ thống phân phối. Du lịch – vốn được
xem là “người bạn đồng hành” của ngành bán lẻ – đang trở lại một cách đầy ấn tượng.
Tại Huế,
doanh thu từ du lịch trong quý I/2025 ước đạt hơn 2.600 tỷ đồng, tăng hơn 52%
so với cùng kỳ 2024. Năm nay, địa phương này cũng đăng cai Năm Du lịch quốc gia
2025, dự kiến mang lại nguồn thu từ du lịch 10.800–11.200 tỷ đồng – con số
không thể bỏ qua với các nhà bán lẻ đang nhắm đến phân khúc khách hàng có nhu cầu
cao về tiêu dùng, trải nghiệm và quà tặng địa phương.
Sự phục hồi
và bùng nổ của ngành du lịch đã tạo ra một tập khách hàng mới – những người sẵn
sàng chi tiêu cho những sản phẩm đặc trưng vùng miền, sản phẩm tiện dụng và dịch
vụ cao cấp. Điều này khiến bán lẻ không còn là “chợ truyền thống hiện đại hóa”
mà đang dịch chuyển sang “trung tâm trải nghiệm sống”.
Thị trường
nội địa: Trụ đỡ chiến lược cho tăng trưởng
Trước những
biến động địa chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam xác định
phát triển thị trường trong nước là trụ cột quan trọng để đảm bảo tăng trưởng
kinh tế bền vững. Chỉ tiêu tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ
tiêu dùng lên 12% trong năm 2025 là một mục tiêu đầy thách thức, nhưng không phải
bất khả thi nếu nhìn vào những diễn biến hiện tại.
Theo số liệu
từ Cục Hải quan – Bộ Tài chính, tính chung quý I/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa
và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.708,3 nghìn tỷ đồng,
tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2024 tăng 8,6%), nếu loại trừ yếu tố
giá tăng 7,5% (quý I/2024 tăng 5,5%).
Còn theo
báo cáo từ Bộ Công Thương, quý I/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch
vụ tiêu dùng ước tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước – một khởi đầu tích cực, phản
ánh sự phục hồi tiêu dùng nội địa. Niềm tin tiêu dùng dần được củng cố trong bối
cảnh lãi suất ổn định, thu nhập cải thiện và hệ thống phân phối hiện đại tiếp tục
vươn xa tới vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh
đó, các chương trình kích cầu tiêu dùng, hội chợ hàng Việt, tuần lễ hàng địa
phương tại các tỉnh, thành phố lớn... đang phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy
sức mua từ cơ sở. Nhiều tỉnh thành – trong đó có Hải Dương – đang triển khai đồng
bộ các giải pháp để phát triển hệ thống phân phối hiện đại gắn với hỗ trợ sản
xuất trong nước, giúp kết nối sản phẩm địa phương với thị trường tiêu dùng quy
mô lớn.
Thị trường
bán lẻ Việt Nam trong năm 2025 rõ ràng đang có "thiên thời, địa lợi, nhân
hòa". Sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp trong và ngoài nước, sự phục hồi
của du lịch, chiến lược phát triển hạ tầng thương mại – dịch vụ tại các địa
phương, cùng với chính sách hỗ trợ của Chính phủ… là những động lực lớn cho
tăng trưởng.
Tuy nhiên,
để khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường, theo các chuyên gia, cần tiếp tục
phát triển hệ thống phân phối hiện đại gắn với tiêu thụ sản phẩm nội địa, nhất
là ở vùng nông thôn, miền núi, biên giới. Bên cạnh đó, đổi mới mô hình bán lẻ
theo hướng tích hợp trải nghiệm văn hóa, du lịch, công nghệ – chuyển từ mô hình
bán hàng sang tạo giá trị sống.
Doanh nghiệp
cũng cần đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán lẻ – dịch vụ,
đặc biệt là quản trị trải nghiệm khách hàng. Đẩy mạnh hợp tác công – tư để mở rộng
thị trường nội địa, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong ngành bán lẻ, phát triển
sản phẩm có bản sắc địa phương.
Thị trường
bán lẻ Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá chưa từng có. Khi các "ông
lớn" vào cuộc, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao hơn về trải nghiệm,
chất lượng và giá trị – bán lẻ không chỉ đơn thuần là bán sản phẩm, mà là
"bán cảm xúc", "bán lối sống", và rộng hơn, là "bán tầm
nhìn phát triển bền vững". Năm 2025, nếu biết cách nắm bắt, ngành bán lẻ
hoàn toàn có thể tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh
tế, góp phần cho mục tiêu chung.
BCT