Theo dự báo của Bộ Công thương, kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước 6 tháng đầu năm ước đạt 426 - 430 tỷ USD, tăng khoảng 15,5 - 15,8% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó,
kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 215 - 217 tỷ USD, tăng khoảng 13,8 - 14%.
Cán cân thương mại xuất siêu ước đạt từ 3,4 - 4 tỷ USD. So với kịch bản tăng
trưởng xuất khẩu theo Nghị quyết 25/NQ - CP của Chính phủ ngày 5/2/2025 thì kết
quả xuất khẩu nửa đầu năm đã cơ bản đạt và vượt mức đề ra.
Nhiều mặt
hàng có tốc độ tăng trưởng cao như mặt hàng công nghiệp (hàng điện tử, dệt may,
da giày…), mặt hàng nông sản.
Cụ thể, nhờ
chủ động trước biến động thị trường, xuất khẩu dệt may vẫn tăng trưởng khả
quan. Riêng tháng 5/2025, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục ghi nhận tín hiệu
tích cực với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,84 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm
trước. Đây là mức xuất khẩu cao nhất từng ghi nhận trong các tháng 5, vượt qua
cả tháng 5/2022 - thời điểm tăng trưởng đột biến do hiện tượng "quá
mua" sau đại dịch Covid-19. Dệt may Việt Nam đến thời điểm hiện tại đã mở
rộng tới 132 thị trường. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim
ngạch đạt 6,97 tỷ USD, tăng 17%.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 6 tháng đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 18,3 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nổi bật là mặt hàng cà phê có kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đạt 5,5 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 2,7 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, đồng thời vượt xa con số 5,4 tỷ USD của cả năm 2024. Đây là lần đầu tiên ngành cà phê đạt được mức này trong nửa đầu năm và hoàn thành sớm mục tiêu cả năm nay…
Như vậy, sự
tăng trưởng của nhiều mặt hàng đã góp phần giúp tình hình xuất khẩu đạt được những
con số rất khả quan trong nửa đầu năm 2025. Kết quả này cũng thể hiện doanh
nghiệp Việt Nam đang tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do để tạo ra cơ hội
mở rộng xuất nhập khẩu, tiếp cận các thị trường lớn, đồng thời nâng cao năng lực
cạnh tranh, cải thiện năng lực sản xuất, chất lượng và tính bền vững trong chuỗi
cung ứng.
Xây dựng kịch
bản thích ứng với bối cảnh thị trường
Bộ Công
thương cũng đánh giá, nhìn chung, các chỉ số về xuất nhập khẩu đều cho thấy xu
hướng phục hồi tích cực và bám sát kịch bản tăng trưởng đề ra. Tuy nhiên, vẫn tồn
tại rủi ro từ bên ngoài như chính sách thương mại của các nước lớn, biến động
giá cả thế giới và xung đột địa chính trị. Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng
xuất khẩu năm 2025 là 12%, tương ứng với đạt khoảng 450 tỷ USD kim ngạch xuất
khẩu. Mục tiêu này vẫn có khả năng đạt được, nếu tiếp tục duy trì đà tăng hiện
tại trong nửa cuối năm.
Bà Mai Thu
Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp, Bộ Công
thương cho biết, thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục chú trọng công tác
thông tin thị trường nhằm kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng về những
diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch
sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường. Cùng với đó,
thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định,
tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động
xuất, nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và
doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Bộ Công
thương sẽ chủ động trong xây dựng các giải pháp, chính sách kịp thời. Các đơn vị
thuộc Bộ phối hợp để nghiên cứu, xây dựng kịch bản dự báo, phân tích, đề xuất
giải pháp phản ứng kịp thời với khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế
giới. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất
khẩu, hướng tới thúc đẩy xuất khẩu sang đa dạng các thị trường mới, song song với
các thị trường trọng điểm.
Ngoài ra,
cùng với việc tiếp tục khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại, ngành Công
thương thường xuyên trao đổi, cảnh báo các tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ
hàng hóa về việc lưu ý tới một số mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ
hàng hóa; chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh khi có nghi vấn về gian
lận xuất xứ.
Không những
vậy, hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho
hàng hóa Việt Nam sẽ được đẩy mạnh theo hướng chuyên nghiệp và thích ứng với bối
cảnh thị trường.
TBTCVN