Sáng 10/7, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 và các hội nghị liên quan tại Kuala Lumpur, đã diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+1 với các đối tác Trung Quốc, Australia, Canada, Ấn Độ và New Zealand.
Phó Thủ tướng,
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị
và đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-New Zealand trong vai trò
nước điều phối quan hệ.
Các hội nghị đánh giá cao việc triển khai hiệu quả khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, phát triển bền vững, nông nghiệp thông minh, năng lượng, giáo dục, du lịch, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Các đối
tác tiếp tục khẳng định tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, cam kết hỗ trợ
ASEAN triển khai các văn kiện chiến lược ASEAN 2045 và thúc đẩy các sáng kiến
khu vực như Hiệp định khung về kinh tế số ASEAN và Mạng lưới điện ASEAN.
ASEAN-Trung
Quốc: Đối tác thương mại hàng đầu, tổng kim ngạch thương mại hơn 770 tỷ USD
* Tại Hội
nghị ASEAN-Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định
ASEAN là ưu tiên trong chính sách láng giềng, cam kết đồng hành cùng ASEAN xây
dựng một cộng đồng khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng, thúc đẩy chủ nghĩa
đa phương bình đẳng, trật tự khu vực bao trùm và toàn cầu hóa kinh tế công bằng,
cùng ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên.
Các nước
ghi nhận kinh tế tiếp tục là trụ cột trọng tâm trong quan hệ hai bên. ASEAN và
Trung Quốc duy trì là đối tác thương mại hàng đầu của nhau kể từ năm 2020, với
tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 770 tỷ USD trong năm 2024. Hội nghị
hoan nghênh việc hoàn tất đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do
ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) 3.0 và hướng tới ký kết vào cuối năm nay, mở ra các tiềm
năng hợp tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế số, kinh tế xanh, kết nối chuỗi
cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ...
ASEAN đánh
giá cao đề xuất thành lập các trung tâm hợp tác năng lượng sạch, trí tuệ nhân tạo,
học viện số, Mạng lưới quản trị hành chính công, chương trình Lãnh đạo trẻ
ASEAN-Trung Quốc… Các bộ trưởng ghi nhận tiến triển trong đàm phán Bộ Quy tắc Ứng
xử ở Biển Đông (COC) với việc hoàn tất vòng đọc thứ ba và bắt đầu thảo luận về
các mốc thời gian đàm phán cụ thể.
Thông qua
Tuyên bố về Tương lai chung ASEAN-Australia
* Tại Hội
nghị ASEAN-Australia, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong khẳng định tiếp
tục hợp tác chặt chẽ với ASEAN nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế, phát triển bền vững
và ổn định khu vực, thông qua tăng cường kết nối kinh tế, thương mại, hỗ trợ
phát triển và thúc đẩy các giá trị chung về luật lệ và hợp tác khu vực.
Hội nghị
ghi nhận hợp tác thương mại và đầu tư được tiếp thêm các động lực tăng trưởng mới
với việc Nghị định thư thứ hai sửa đổi FTA ASEAN-Australia-New Zealand
(AANZFTA) chính thức có hiệu lực. Australia tiếp tục đẩy mạnh Chiến lược Kinh tế
Đông Nam Á đến năm 2040 cùng gói hỗ trợ đầu tư trị giá 2 tỷ AUD, cam kết 140
triệu AUD trong 4 năm cho chương trình Hợp tác hạ tầng (P4I), thiết lập mạng lưới
khởi nghiệp sáng tạo giữa ASEAN và Australia, trong đó đã công bố một cơ sở tại
Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2024 và triển khai gói hỗ trợ thực thi AANZFTA và
RCEP trị giá 46 triệu AUD đến năm 2028.
ASEAN đánh
giá cao các chương trình học bổng, đào tạo kỹ năng số và hỗ trợ y tế, giáo dục,
ứng phó thiên tai, môi trường và phát triển bao trùm do Australia tài trợ. Kết
thúc hội nghị, các bộ trưởng thông qua Tuyên bố về Tương lai chung
ASEAN-Australia, gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu chiến lược của Tầm nhìn Cộng
đồng ASEAN 2045.
Đẩy nhanh
đàm phán FTA ASEAN-Canada
* Tại Hội
nghị ASEAN-Canada, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Anita Anand khẳng định coi quan
hệ với các nước thành viên ASEAN là trọng tâm trong chiến lược thúc đẩy hợp tác
kinh tế và an ninh khu vực dựa trên các giá trị chung, cam kết tăng cường chủ
nghĩa đa phương, đa dạng hóa quan hệ thương mại và xây dựng chuỗi cung ứng bền
vững với ASEAN.
Các bộ trưởng
nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động 2021-2025 và sớm thông
qua kế hoạch kế tiếp cho giai đoạn 2026-2030. Các nước nhấn mạnh đẩy nhanh đàm
phán FTA ASEAN-Canada (ACAFTA), phấn đấu hoàn tất trong năm 2025, tạo nền tảng
vững chắc cho mở cửa thị trường, thuận lợi hoá thương mại, đầu tư và đa dạng
hoá kinh doanh.
ASEAN đánh giá cao Canada tiếp tục triển khai
Quỹ Hỗ trợ Phát triển thương mại và Đầu tư trị giá 11,6 triệu CAD, cam kết 8,5
triệu CAD cho 5 năm triển khai Chương trình khu vực thúc đẩy nghị sự phụ nữ,
hòa bình, an ninh và khoản đóng góp bổ sung hơn 10 triệu CAD cho Quỹ Tín thác
ASEAN-Canada. Các nước ASEAN hoan nghênh tiến triển trong hợp tác với Canada
thông qua các chương trình học bổng, hỗ trợ y tế, quyền của phụ nữ-trẻ em, lao
động di cư và quản lý thiên tai.
Kế hoạch
Hành động ASEAN-Ấn Độ về đích sớm 1 năm
* Tại Hội
nghị ASEAN-Ấn Độ, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ Pabitra Margherita khẳng định
ASEAN là nền tảng trong chính sách Hành động Hướng Đông và chiến lược Ấn Độ
Dương-Thái Bình Dương, cam kết tăng cường hợp tác trên tất cả các trụ cột chính
trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, củng cố quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn
diện ASEAN-Ấn Độ ngày càng sâu sắc và thực chất.
Hội nghị
hoan nghênh hai bên hoàn thành sớm một năm trước thời hạn toàn bộ Kế hoạch Hành
động ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2021-2025 và thông qua Kế hoạch Hành động mới cho
giai đoạn 2026-2030. ASEAN hoan nghênh việc rà soát Hiệp định Thương mại hàng
hóa ASEAN-Ấn Độ (AITIGA), mở ra cơ hội thúc đẩy dòng chảy thương mại cân bằng;
đồng thời nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp,
đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Về kết nối,
ASEAN trông đợi việc hoàn tất và đưa vào vận hành tuyến Hành lang ba bên Ấn Độ-Myanmar-Thái
Lan, cũng như việc mở rộng tuyến này tới Lào, Campuchia và Việt Nam. Các nước
ASEAN đánh giá cao Ấn Độ đóng góp 5 triệu USD triển khai Kế hoạch Hành động Du
lịch ASEAN-Ấn Độ 2023-2027.
Các nước
nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế số, an ninh mạng, năng
lượng tái tạo, y tế, an ninh lương thực, giáo dục và giao lưu nhân dân; ghi nhận
tiến độ tích cực trong việc triển khai Quỹ Tương lai số ASEAN-Ấn Độ, với mục
tiêu đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao và hỗ trợ ASEAN chuyển đổi số
bao trùm.
Hướng tới
thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-New Zealand
* Đồng chủ
trì Hội nghị ASEAN-New Zealand, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh
Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters đánh giá quan hệ
ASEAN-New Zealand là một trong những mối quan hệ đối tác bền chặt, gắn bó lâu
dài và là hình mẫu tiêu biểu về sự tin cậy, hiểu biết, và hợp tác cùng phát triển.
Phát biểu
thay mặt các nước ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao sự
phát triển mạnh mẽ và thực chất của quan hệ đối tác trong suốt nửa thế kỷ qua,
hướng tới thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-New Zealand nhân dịp kỷ
niệm 50 năm quan hệ trong năm nay.
ASEAN đánh
giá cao hỗ trợ của New Zealand trong các lĩnh vực an ninh mạng, an ninh biển, cứu
trợ thiên tai và phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. ASEAN hoan nghênh việc
Nghị định thư sửa đổi Hiệp định FTA ASEAN-Australia-New Zealand chính thức có
hiệu lực, mong đợi New Zealand tiếp tục hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển,
hỗ trợ tăng trưởng bao trùm và bền vững, đặc biệt tại các tiểu vùng như Mekong,
thúc đẩy kết nối hàng không, thương mại số.
Đặc biệt,
ASEAN đánh giá cao cam kết đóng góp hơn 329 triệu NZD của New Zealand cho các
chương trình khu vực về khí hậu, năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh và ứng
phó thiên tai.
* Phát biểu
tại các Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh ý
nghĩa chiến lược của việc tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối
tác giữa ASEAN và các nước, đặc biệt trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực
đang chuyển biến nhanh, phức tạp và khó lường. Việt Nam đánh giá cao cam kết của
các đối tác ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, tích cực tham gia các cơ chế do
ASEAN dẫn dắt, hỗ trợ tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Về hợp tác
kinh tế, Việt Nam hoan nghênh các nỗ lực nâng cấp, sửa đổi và rà soát các hiệp
định thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác, như ACFTA 3.0, AANZFTA sửa đổi,
AITIGA và FTA ASEAN–Canada, nhằm thúc đẩy thương mại công bằng, bao trùm và
thích ứng với bối cảnh kinh tế toàn cầu mới. Việt Nam đề nghị tiếp tục hỗ trợ
doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa thúc đẩy thương mại số, phát triển xanh, kết
nối chuỗi cung ứng và phát triển tiểu vùng.
Phó Thủ tướng,
Bộ trưởng Ngoại giao cũng đề nghị tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức
phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng,
thiên tai và dịch bệnh; đồng thời, tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến hợp tác khu
vực trong lĩnh vực giáo dục, giao lưu nhân dân.
Trước những
chuyển động sâu rộng và khó dự báo trong môi trường địa chiến lược, Phó Thủ tướng,
Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường đối thoại,
tham vấn và xây dựng lòng tin, đề nghị các đối tác tiếp tục ủng hộ lập trường
nguyên tắc của ASEAN về các vấn đề quốc tế, khu vực, trong đó có Biển Đông,
cùng chung tay xây dựng Biển Đông là vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và
phát triển bền vững.
* Chiều
10/7, theo chương trình sẽ tiếp tục diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng ASEAN+1 với
Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Hội nghị ASEAN+3 (với Nhật Bản, Trung Quốc,
Hàn Quốc).
Theo BCP