Giải bài
toán linh kiện nhập khẩu
Theo thống
kê của Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô đang nhập khẩu 80% linh kiện sản
xuất. Tuy nhiên, với thực tế giai đoạn ô tô hoá đang tăng nhanh và dự báo xu hướng
tăng vẫn tiếp diễn trong thời gian tới, sẽ là “điểm sáng” để góp phần thúc đẩy
ngành công nghiệp hỗ trợ hoạt động mạnh mẽ hơn.
Công nghiệp ô tô là một trong những ngành cần tăng tỷ lệ nội địa hóa nhờ
công nghiệp hỗ trợ
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng chỉ ra, hiện các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô tại Việt Nam còn khá ít, mới chỉ khoảng 300 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong đó, có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô...
Trên thực
tế, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng mới sản xuất, gia công chưa được 300 chi
tiết trong khi cả chiếc xe có khoảng 30.000 chi tiết linh kiện. Bên cạnh đó,
hàm lượng công nghệ và giá trị các chi tiết linh kiện, phụ tùng này cũng chưa
cao khi mới chỉ là những linh kiện cồng kềnh, cần nhiều nhân công như ghế, bộ
dây điện, vành bánh xe, ốp cửa, lốp không săm... và một số doanh nghiệp đầu tư
dây chuyền dập thân, vỏ xe. Những chi tiết quan trọng về động cơ, hệ truyền động,
hộp số, hệ thống an toàn, hệ thống điện tử trên xe, đặc biệt là chip bán dẫn,
doanh nghiệp nội địa chưa sản xuất được và phải phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu.
Không chỉ
vậy, lĩnh vực sản xuất ô tô còn phụ thuộc lớn vào các loại chip bán dẫn. Trung
bình một chiếc xe có hàng trăm bộ phận bán dẫn, kéo theo đó là có khoảng 1.400
loại chip trên xe. Trong khi đó, hiện nay chưa có doanh nghiệp trong nước nào sản
xuất được đầy đủ một con chip mà đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Bộ Công
Thương nhận định, có nhiều nguyên nhân khiến ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô trong
nước chưa phát triển như kỳ vọng như cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, dàn trải
và thiếu tập trung; hạn chế về nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh
nghiệp. Dẫu vậy, thời gian qua, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước
đã từng bước nâng cao trình độ, sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ, độ
chính xác cao, góp phần tăng giá trị gia tăng.
Vai trò
xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng linh kiện trong nước
Với dự báo
nhu cầu ô tô của nước ta năm 2025 theo phương án trung bình khoảng 800 - 900
nghìn xe và năm 2030 khoảng 1,5 - 1,8 triệu xe, nếu không phát triển ngành sản
xuất, lắp ráp ô tô trong nước, toàn bộ thị trường xe con là xe nhập khẩu; xe
khách và xe tải nhập khẩu 50%, 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa
50%, thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 dự kiến khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 là
21 tỷ USD. Theo đánh giá, nếu không sớm có giải pháp, chính sách hỗ trợ ngành sản
xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước
phát triển thì nước ta sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng FDI tại
Việt Nam.
Để làm được
điều này, các doanh nghiệp cần liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, tiến tới xây dựng một
mạng lưới sản xuất, cung ứng sản phẩm trên phạm vi toàn quốc và xuất khẩu.
Ông Phạm
Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công
Thương đã có nhiều giải pháp thực hiện quản lý, phát triển cụm công nghiệp theo
Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh vai trò của các hoạt
động xúc tiến thương mại, kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Tiềm năng của ngành CNHT tại Việt Nam đã được bạn bè quốc tế nhìn nhận. “Các
chính sách hỗ trợ của Chính phủ ngày càng sát sườn hơn với doanh nghiệp. Đó là
những lý do một số hãng xe lớn trên thế giới gần đây có xu hướng chuyển dịch từ
nhập khẩu nguyên chiếc sang lắp ráp ôtô tại Việt Nam”- ông Phạm Tuấn Anh nêu.
Cũng theo
đại diện Cục Công nghiệp, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp đầu chuỗi
như Thaco, Vinfast có vai trò quan trọng giúp thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ
ô tô phát triển. Bởi lẽ, đây là cơ hội để các đơn vị cung ứng linh kiện thứ cấp
có điều kiện giao lưu, nghiên cứu, nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh sự
hỗ trợ của các doanh nghiệp đầu tàu, ngành công nghiệp ô tô cũng cần những
chính sách đủ mạnh để giải quyết các vấn đề như chi phí đầu tư lớn trong khi sản
lượng nhỏ và chưa có công nghiệp vật liệu chất lượng cao… để nhanh chóng thu hẹp
khoảng cách chi phí, mở rộng được mạng lưới linh kiện nội địa, thúc đẩy sự phát
triển của ngành công nghiệp hỗ trợ trong tương lai.
Việt Nam
là một nền kinh tế đang chuyển đổi, vì vậy, việc phải điều chỉnh, thay đổi, bổ
sung các chính sách cho phù hợp là cần thiết. Công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô phát
triển sẽ động lực, thúc đẩy các ngành công nghiệp khác như luyện kim, nhựa, cao
su, hóa chất, dệt may, điện - điện tử… phát triển, góp phần giải quyết nhu cầu
việc làm, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế và kích thích tiêu dùng trong nước.
Theo Duy Anh - BCT