Tuy nhiên, thành công này không phải ngẫu nhiên, mà là kết quả của chiến lược phát triển bài bản, chính sách hỗ trợ linh hoạt và sự kết hợp hiệu quả giữa vai trò dẫn dắt của nhà nước và sức bật của khu vực tư nhân.

Bệ phóng chính sách - Chìa khóa thành công

Trong 20 năm qua, Trung Quốc - quốc gia từng được mệnh danh là "vương quốc xe đạp" đã lột xác thành "thủ phủ xe điện của thế giới", là động lực khiến các tập đoàn ô tô lâu đời từ châu Âu, Mỹ và Nhật Bản phải thay đổi chiến lược để thích nghi.

Vào cuối thế kỷ 20, việc sở hữu xe hơi là điều xa xỉ với phần lớn người dân Trung Quốc. Quốc gia này chủ yếu đi lại bằng xe đạp. Phải đến đầu những năm 2000, khi nền kinh tế tăng trưởng bùng nổ và tầng lớp trung lưu gia tăng, ô tô mới dần phổ biến. Lúc đó, các hãng xe nước ngoài tràn vào Trung Quốc, lập liên doanh với doanh nghiệp trong nước. Chính phủ Trung Quốc tận dụng thời cơ này để buộc các công ty như Volkswagen, GM, Toyota chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực.

Thế nhưng, suốt một thời gian dài, xe Trung Quốc vẫn bị coi là "hạng hai" - thiết kế rập khuôn, công nghệ lạc hậu. Hình ảnh đó đã thay đổi hoàn toàn nhờ vào chiến lược dài hạn và đồng bộ trong lĩnh vực xe điện.


Trong vòng chưa đầy hai thập kỷ, Trung Quốc đã vượt qua nhiều cường quốc công nghiệp để trở thành nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới. (Ảnh: AFP)

Ngay từ năm 2009, Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh phát triển sản xuất "xe năng lượng mới", bao gồm xe điện chạy pin (BEV), xe hybrid sạc ngoài (PHEV), và xe chạy bằng pin nhiên liệu (FCEV). Chính phủ nước này đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ như miễn thuế, trợ cấp người mua, xây dựng trạm sạc, ưu đãi cho doanh nghiệp, và trao hợp đồng cho xe buýt, taxi chạy điện.

Ước tính, tổng mức trợ cấp cho ngành EV (ngành công nghiệp sản xuất và kinh doanh xe điện) Trung Quốc từ 2009 đến 2023 có thể lên tới 200 tỷ USD. Đồng thời, Bắc Kinh còn kiểm soát nguồn cung nguyên liệu cho pin - từ lithium đến cobalt và xây dựng chuỗi cung ứng pin lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, thành công không chỉ đến từ chính sách. Những doanh nhân tầm nhìn xa như ông Vương Truyền Phúc - người sáng lập BYD - đã đặt cược vào công nghệ xe điện từ rất sớm. Từng bắt đầu từ sản xuất pin vào năm 1995, BYD bước vào lĩnh vực ô tô năm 2003, và được Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett đầu tư 230 triệu USD vào năm 2008.

Đến năm 2023, BYD vượt Tesla để trở thành hãng xe điện bán chạy nhất thế giới, và năm 2024 tiếp tục vượt Volkswagen để dẫn đầu thị trường xe du lịch Trung Quốc.

Nếu như Tesla gây sốc toàn cầu với công nghệ pin và tự lái, thì các đối thủ Trung Quốc không hề kém cạnh. Năm 2025, BYD tung ra loại pin có thể sạc trong 5 phút cho phạm vi di chuyển 400 km, nhanh hơn nhiều so với Tesla. Nhưng chỉ vài tuần sau, "gã khổng lồ pin" CATL đáp trả với mẫu pin sạc nhanh hơn, đi xa hơn.

Ngoài pin, các hãng như Huawei, Momenta, và Xiaomi cũng lao vào cuộc chơi với các hệ thống lái xe thông minh, hệ điều hành tích hợp AI, giải trí đa màn hình, điều khiển giọng nói và thậm chí cả ghế massage. Những tính năng từng chỉ có trên xe sang nay xuất hiện trên các mẫu xe giá từ 10.000 USD.

Tại nhà máy của NIO ở tỉnh An Huy, dây chuyền sáu tầng cho phép sản xuất 300.000 xe/năm với hơn 3,5 triệu tùy chọn cấu hình trong vòng chưa đầy 10 ngày. Với mô hình sản xuất ngược: thiết kế hệ thống điện, rồi mới ráp khung vỏ, Trung Quốc đang biến xe điện thành một sản phẩm công nghệ thay vì cơ khí truyền thống.

Đến năm 2025, gần 50% xe mới bán ra ở Trung Quốc là EV. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Mỹ chỉ hơn 20%. Người tiêu dùng Trung Quốc đã chuyển từ mua xe ngoại sang xe nội, với sự tin tưởng vào chất lượng, công nghệ và thiết kế.

Từ chiến lược quốc gia đến thanh lọc thị trường

Chuyển đổi sang xe điện tại Trung Quốc không chỉ là một xu hướng công nghệ, mà là một phần cốt lõi trong chiến lược tái định hình ngành công nghiệp ô tô và hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Khác với cách tiếp cận dựa vào ưu đãi đơn thuần, Bắc Kinh đã áp dụng những cơ chế mang tính thị trường để tạo áp lực và thúc đẩy thay đổi thực chất.

Một trong những công cụ mạnh mẽ nhất là cơ chế tín chỉ xe năng lượng mới (New Energy Vehicle - NEV), được đưa vào áp dụng từ năm 2018. Cơ chế này buộc các hãng xe truyền thống phải bán đủ tỷ lệ xe điện nhất định hoặc phải mua tín chỉ từ các doanh nghiệp đạt chỉ tiêu. Chính sách này nhanh chóng tạo ra lực đẩy lớn cho thị trường, thay vì chỉ trông chờ vào chỉ đạo hành chính hay trợ giá từ ngân sách nhà nước.


Trung Quốc sẽ nâng cấp hạ tầng sạc xe điện với 100.000 trạm sạc siêu nhanh vào năm 2027 để giảm lo ngại về khoảng cách di chuyển. (Ảnh: Liauto)

Trong hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào hạ tầng và chính sách để tạo đà cho xe điện. Hệ thống ưu đãi tài chính bao gồm hỗ trợ giá trực tiếp, miễn thuế tiêu dùng và cấp biển số xe dễ dàng hơn ở các thành phố lớn. Tuy các chính sách này đều có giới hạn về thời gian áp dụng, chúng vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy người dân tiếp cận xe điện ở giai đoạn đầu.

Song song với đó, quốc gia này cũng chú trọng xây dựng mạng lưới sạc điện trên toàn quốc. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc hiện sở hữu hàng triệu trạm sạc công cộng, trong đó có tới 85% là trạm sạc nhanh – yếu tố then chốt giúp người tiêu dùng yên tâm hơn với việc sử dụng xe điện hàng ngày.

Không chỉ tập trung vào đô thị, Bắc Kinh còn đẩy mạnh mở rộng xe điện về nông thôn thông qua chiến dịch "99 mẫu xe về nông thôn". Các hoạt động trải nghiệm thực tế, chương trình lái thử tại làng xã, cùng với các gói tín dụng ưu đãi và khuyến mãi từ nhà sản xuất đã góp phần đưa xe điện tới gần hơn với nhóm khách hàng ít có điều kiện tiếp cận công nghệ mới.

Thành quả từ chiến lược này là rất rõ ràng. Theo báo cáo của tổ chức ORCA Asia, Trung Quốc hiện đang chiếm khoảng 70% tổng sản lượng pin lithium-ion toàn cầu - linh kiện cốt lõi trong xe điện. Cùng với đó là sự phát triển vượt bậc của các tập đoàn nội địa như BYD và CATL, những cái tên không chỉ dẫn đầu thị trường nội địa mà còn đang mở rộng mạnh mẽ ra quốc tế.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng quá nhanh chóng cũng mang lại nhiều hệ lụy. Khi hàng trăm doanh nghiệp cùng lao vào thị trường với kỳ vọng tăng trưởng phi mã, ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc sớm rơi vào tình trạng dư thừa công suất. Theo hãng tư vấn AlixPartners, các nhà máy hiện tại có thể sản xuất tới 50 triệu xe mỗi năm - gấp đôi nhu cầu thực tế của thị trường trong nước.

Hệ quả là một cuộc chiến giá cả khốc liệt bùng nổ, khiến biên lợi nhuận bị co hẹp, thậm chí đe dọa sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. Áp lực cạnh tranh buộc các công ty phải chuyển từ chiến lược dựa vào trợ cấp sang nâng cao năng lực cốt lõi - từ chất lượng sản phẩm đến khả năng đổi mới công nghệ.

Nhằm tránh tình trạng "bong bóng công nghiệp", chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu cắt giảm dần các chính sách hỗ trợ tài chính. Điều này buộc ngành xe điện phải bước vào giai đoạn thanh lọc tự nhiên – nơi thị trường, thay vì nhà nước, sẽ quyết định kẻ mạnh và kẻ yếu.

Cuộc "chuyển đổi xanh" tại Trung Quốc, vì thế, không chỉ là hành trình của đổi mới công nghệ hay ưu đãi chính sách, mà còn là một thử nghiệm lớn về cách một quốc gia có thể sử dụng công cụ thị trường để định hình lại một ngành công nghiệp trọng yếu. Và dù phía trước còn nhiều thách thức, Trung Quốc đã chứng minh rằng họ không chỉ đi đầu trong việc sản xuất xe điện, mà còn đang tiên phong trong cách tiếp cận chiến lược để chuyển đổi bền vững.

Xe máy điện "phủ" khắp Trung Quốc

Nằm trong chiến lược thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp xanh, Trung Quốc đã âm thầm nhưng quyết liệt tiến hành một cuộc cách mạng giao thông mang tính hệ thống - dọn đường cho xe máy điện thay thế xe máy xăng trên quy mô toàn quốc. Từ chính sách cấm xe xăng đến các ưu đãi tài chính, hạ tầng sạc, thậm chí cả thiết kế giao thông đô thị đều được điều chỉnh để phục vụ mục tiêu này.

Ngay từ năm 1986, Bắc Kinh bắt đầu giới hạn xe máy xăng trong đường Vành đai 3. Sau đó, lệnh cấm mở rộng ra nhiều thành phố lớn như Quảng Châu, Thượng Hải, và hàng trăm đô thị khác. Đến năm 2025, hơn 200 thành phố Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp cấm toàn phần hoặc một phần xe máy xăng, với mục tiêu giảm ùn tắc, cải thiện môi trường và thúc đẩy phương tiện giao thông xanh.


Bên cạnh chính sách cấm xe xăng, Trung Quốc cũng tạo điều kiện dễ dàng để người dân tiếp cận xe máy điện. Với thủ tục đăng ký đơn giản, không cần thi bằng lái và chi phí sở hữu thấp, xe máy điện nhanh chóng trở thành lựa chọn phổ biến. Đến năm 2023, cả nước có khoảng 420 triệu xe máy điện - tương đương cứ ba người lại có một người sở hữu loại phương tiện này.

Không chỉ dừng ở đó, Trung Quốc còn đổ hàng tỷ nhân dân tệ vào các chương trình trợ giá, hỗ trợ người dân chuyển đổi xe công nghệ cũ sang xe mới an toàn hơn. Riêng trong quý I/2025, hơn 1,6 triệu người đã nhận trợ cấp đổi xe, với tổng ngân sách hỗ trợ vượt 1 tỷ nhân dân tệ.

Các thành phố như Nam Ninh được xem là hình mẫu trong quy hoạch giao thông dành riêng cho xe máy điện: từ làn đường tách biệt, khu vực chờ đèn tín hiệu riêng, đến hệ thống trạm sạc công cộng linh hoạt. Những vạch phân làn, lối đi chuyên biệt và trụ sạc tiện lợi giúp phương tiện này trở nên cực kỳ tiện dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Dù vậy, sự bùng nổ này cũng đi kèm với những quy định siết chặt hơn về tốc độ, trọng lượng và cả hệ thống định vị bắt buộc. Nhưng nhìn chung, với mạng lưới chính sách đồng bộ và hạ tầng hiện đại, Trung Quốc đã biến xe máy điện thành một phần tất yếu trong nhịp sống đô thị mới.

Trung Quốc không chỉ thành công trong việc phát triển xe điện, mà còn tạo ra một mô hình đáng tham khảo về cách một nền kinh tế đang phát triển có thể tận dụng chuyển đổi công nghệ để vươn lên dẫn đầu thế giới.

Hành trình của Trung Quốc trong ngành xe điện mang đến nhiều bài học quan trọng cho các quốc gia đang phát triển:

Chọn đúng thời điểm và định hướng chiến lược: Xe điện được xác định sớm là ngành mũi nhọn.

Chính sách linh hoạt, hỗ trợ có điều kiện: Kết hợp hỗ trợ tài chính với áp lực thị trường.

Phát triển toàn diện hệ sinh thái: Từ pin, xe, đến trạm sạc và chuỗi cung ứng.

Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc: Mở cửa để học hỏi công nghệ, thúc đẩy cạnh tranh.

Tạo không gian cho doanh nghiệp tư nhân bứt phá: Như BYD hay NIO đã chứng minh vai trò của khu vực tư nhân.

Theo TB VTV