Giá dầu thế giới tuần qua tăng khi những yếu tố địa chính trị và những lo ngại xoay quanh chính sách thuế quan của Mỹ tiếp tục chi phối tâm lý nhà đầu tư toàn cầu.
Tính chung trong tuần trước, giá dầu Brent tăng khoảng
3%, giá dầu WTI tăng 2,2%.
Đến phiên giao dịch đầu tuần này (14/7), giá dầu thế giới
giảm khá mạnh sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế quan mới
lên các nước giao dịch với Nga nếu trong vòng 50 ngày tới Moscow không đạt được
thỏa thuận ngừng bắn với Ukraine.
Kết thúc phiên 14/7, giá dầu Brent giảm 1,63%, xuống còn
69,21 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 2,15%, xuống còn 66,98 USD/thùng.
Ở phiên giao dịch 15/7, giá dầu thế giới giảm nhẹ gần 1%,
sau khi ông Trump gia hạn 50 ngày cho Nga chấm dứt chiến sự tại Ukraine - một động
thái làm giảm lo ngại về gián đoạn nguồn cung dầu.
Đầu phiên giao dịch ngày 16/7, giá dầu thế giới nhích nhẹ.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 7h21' ngày 16/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được
niêm yết ở mức 68,94 USD/thùng, tăng 0,33%. Giá dầu WTI ở mức 66,85 USD/thùng,
tăng 0,5% so với phiên liền trước.
Trong khi đó, giá xăng trên thị trường Singapore tuần qua
có xu hướng giảm nhẹ, mức giảm khoảng 1,3-1,5% so với một tuần trước.
Tại thị trường trong nước, theo chu kỳ điều hành giá,
liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ công bố giá bán lẻ xăng dầu mới vào hôm nay
17/7
Dựa theo diễn biến giá xăng dầu thế giới, các doanh nghiệp
xăng dầu dự báo giá xăng trong nước sẽ điều chỉnh giảm.
Cụ thể, nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình
ổn giá xăng dầu thì giá xăng trong nước có thể giảm từ 50-150 đồng/lít. Trái lại,
giá dầu diesel có khả năng tăng từ 10-30 đồng/lít.
Trường hợp cơ quan điều hành trích Quỹ bình ổn, giá xăng
dầu có thể đứng im.
Ở kỳ điều hành gần đây nhất (ngày 10/7), giá xăng RON 95
(loại phổ biến trên thị trường) được điều chỉnh tăng 190 đồng/lít, giá bán lẻ
là 20.090 đồng/lít.
Giá xăng E5 RON 92 tăng 210 đồng/lít, giá bán lẻ được
nâng lên mức 19.650 đồng/lít.
Còn giá dầu diesel tăng 430 đồng/lít, giá bán lẻ lên
18.830 đồng/lít.
VNN