Phó Chủ tịch
UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký văn bản số 3476/UBND-ĐT gửi Bộ Giao thông
vận tải, UBND các tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên đề nghị thống nhất giá và lộ trình
tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc áp dụng cho dự án thành phần 3 - Đầu
tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP thuộc dự án đầu tư xây dựng đường
Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Lộ trình tăng
giá với từng nhóm phương tiện
UBND TP.
Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội
khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3 theo ý kiến
của Hội đồng thẩm định Nhà nước và rà soát, tổ chức xác định giá và lộ trình
tăng giá dịch vụ cho dự án đầu tư, bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp
dự án PPP, người sử dụng và Nhà nước, tạo điều kiện để nhà đầu tư, doanh nghiệp
dự án PPP thu hồi vốn và có lợi nhuận.
Khung phí
sử dụng dịch vụ đường bộ của dự án tham chiếu khung giá vé của các dự án thành
phần cao tốc Bắc - Nam theo hình thức BOT giai đoạn 2017 - 2020 theo hình thức
hợp đồng BOT đang được triển khai và phù hợp theo khung giá được quy định tại
Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ Giao thông vận tải về quy định
mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để
kinh doanh do Bộ Giao thông vận tải quản lý.
Khung phí
sử dụng dịch vụ đường bộ của dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, tuyến
cao tốc Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, với thời gian dự kiến đưa vào khai
thác là năm 2027 thì mức thu phí cơ sở là 1.900 đồng/xe tiêu chuẩn/km. Lộ trình
giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc được điều chỉnh tăng 03 năm/1 lần cho đến
thời điểm hoàn vốn.
Nếu tính theo lộ trình tăng giá dịch vụ do UBND TP. Hà Nội đề xuất, trong giai đoạn 2054 - 2056, thời điểm kết thúc quá trình thu phí hoàn vốn, mức giá sử dụng dịch vụ đường cao tốc tại dự án thành phần 3 - cao tốc Vành đai 4 Hà Nội lên tới 5.400 đồng/xe tiêu chuẩn/km.
Đánh giá
hiệu quả đầu tư dự án theo các thông số tài chính được giả định, UBND TP. Hà Nội
cho biết nguồn vốn đầu tư được giải ngân theo nguyên tắc: giải ngân 50% phần vốn
chủ sở hữu của nhà đầu tư trước, sau đó, sẽ thực hiện giải ngân song song theo
tỷ lệ phần vốn chủ sở hữu còn lại và phần vốn vay thương mại, thông qua việc
tham khảo các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020.
Doanh thu
hoàn vốn vay và thu hồi vốn chủ sở hữu cho dự án là doanh thu từ thu phí phương
tiện qua trạm thu phí trừ đi chi phí hoạt động và các loại thuế liên quan. Sử dụng
doanh thu hoàn vốn để trả nợ vay và thu hồi vốn chủ sở hữu đồng thời theo tỷ lệ
huy động vốn đầu tư xây dựng công trình.
Tìm kiếm
phương án tối ưu để thu hút nhà đầu tư
Trước đó,
Hội đồng thẩm định nhà nước đã họp thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án
thành phần 3 - Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư
thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
UBND TP.
Hà Nội đề xuất phân chia dự án thành phần 3 thành 2 dự án thành phần hạng mục.
Một, dự án
thành phần hạng mục 3.1 có tổng mức đầu tư 26.596 tỷ đồng, sử dụng vốn đầu tư
công. Theo đó, sẽ đầu tư xây dựng cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở, cầu Hoài Thượng và
các đoạn tuyến: từ trước nút giao Quốc lộ 6 đến hết nút giao cao tốc Hà Nội - Hải
Phòng, đoạn tuyến nối 9,7km.
Hai, dự án
thành phần hạng mục 3.2 khoảng 28.456 tỷ đồng dùng vốn BOT. Hạng mục này sẽ đầu
tư đường cao tốc các đoạn từ nút giao cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến trước nút
giao Quốc lộ 6 (không bao gồm cầu Hồng Hà), từ sau nút giao cao tốc Hà Nội - Hải
Phòng đến trước nút giao cao tốc Nội Bài - Hạ Long (không bao gồm cầu Hoài Thượng)
theo phương thức PPP. Trong đó đề xuất giao UBND TP. Hà Nội là cơ quan chủ quản,
cấp quyết định đầu tư tổ chức thực hiện tiểu dự án đầu tư công.
Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định nhà nước cho rằng nội dung này chưa được đề cập cụ thể tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội. Vì vậy, Hội đồng thẩm định nhà nước đề nghị UBND TP. Hà Nội rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các quy định pháp luật có liên quan để thuyết minh, làm rõ cơ sở đề xuất nội dung phân chia dự án. Trường hợp chưa làm rõ được cơ sở pháp lý, đề nghị không đề xuất.
Về phương
án hoàn vốn, Hội đồng thẩm định nhà nước cho biết UBND TP. Hà Nội đề xuất thời
gian thu phí là 25 năm, với tổng mức đầu tư là 55.052 tỷ đồng, tuy nhiên, Nghị
quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư thì dự án có tổng
mức đầu tư là 56.536 tỷ đồng, thời gian thu phí là 21 năm. Vì vậy, cần làm rõ
việc tổng mức đầu tư giảm nhưng lại tăng thời gian thu phí.
Tham gia ý
kiến về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án về hiệu quả tài chính, Bộ Giao thông vận
tải cho biết tại văn bản số 358/CPCTVN-KHTC ngày 19/4/2023 Cục Đường cao tốc Việt
Nam đã có ý kiến thẩm định một số nội dung, UBND TP. Hà Nội đã cập nhật, hoàn
chỉnh trước khi trình Hội đồng thẩm định nhà nước. Kết quả tính toán phương án
tài chính cho thấy dự án cơ bản đảm bảo hiệu quả tài chính theo quy định.
Các thông
số tính toán phương án tài chính là nội dung rất quan trọng đối với dự án đầu
tư theo phương thức PPP. Do vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND TP. Hà Nội
chỉ đạo tư vấn rà soát kỹ số liệu tính toán, dự báo nhu cầu vận tải của dự án,
cập nhật ý kiến của Hội đồng thẩm định, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả
thi, thiết kế cơ sở, làm cơ sở để tính toán chuẩn xác tổng mức đầu tư, phân
tích làm rõ tiến độ triển khai của toàn bộ dự án và từng hạng mục để làm cơ sở
xây dựng tiền độ thực hiện, tiến độ giải ngân các nguồn bảo đảm phù hợp...
Trong văn
bản đóng góp ý kiến thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thánh phản 3 - Đầu
tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP thuộc dự án đầu tư xây dựng đường
Vành đãi 4 - Vùng Thủ đô gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối tháng 7/2023, Bộ Tài
chính cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội trên cơ sở đánh giá, so sánh toàn diện tính
hiệu quả, khả thi của các phương án sử dụng nguồn vốn ngân sách để đề xuất lựa
chọn phương án tối ưu, đảm bảo khả năng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư
tham gia.
Sau khi điều
chỉnh số liệu theo kiến nghị của Hội đồng Thẩm định Nhà nước, tổng mức đầu tư dự
án thành phần 3 - cao tốc Vành đai 4 Hà Nội bao gồm cả lãi vay trong thời gian
thi công được đề cập tại Văn bản số 3476 là 56.293,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn hỗ
trợ từ ngân sách nhà nước là 26.767,88 tỷ đồng và vốn BOT bao gồm lãi vay là
29.525,65 tỷ đồng.
Với mức giá và lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sử dụng đường bộ; lãi suất vốn vay trong thời gian xây dựng là 10,33%; lãi suất vốn vay trong thời gian khai thác là 10,33%; lợi nhuận kỳ vọng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 11,55% (chiếm 15% tổng vốn BOT); chi phí sử dụng vốn bình quân 10,56%, Dự án thành phần 3 - cao tốc Vành đai 4 Hà Nội có thời gian hoàn vốn 26,8 năm.
VnEco