Theo Sở Xây dựng TP Hà Nội, tính đến hết tháng 4, thành phố có hơn 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó có hơn 6,9 triệu xe máy và trên 1,1 triệu ô tô. Đáng chú ý, gần 73% số xe máy đã qua sử dụng hơn 10 năm, tiềm ẩn nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường.
Thực tế,
con số này còn lớn hơn khi chưa tính lượng xe từ các địa phương lân cận đổ về
Hà Nội mỗi ngày để làm ăn, buôn bán.
Tại buổi
làm việc với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) mới đây, Chủ tịch
UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: “Một đô thị không thể hiện đại, không
thể có môi trường sống tốt nếu xe máy tiếp tục phát triển như hiện nay”. Chính
vì vậy, từ năm 2017, thành phố đã ban hành nghị quyết về kiểm soát xe máy và
xây dựng vùng phát thải thấp.
Dự kiến,
vùng phát thải thấp sẽ được triển khai trước tại 4 quận nội đô cũ, bước đầu áp
dụng với xe máy, còn ô tô sẽ tiếp tục được nghiên cứu. Lãnh đạo thành phố khẳng
định sẽ thực hiện theo lộ trình, thận trọng nhưng quyết liệt.
Ông Trần Sỹ
Thanh cũng cho biết, Chính phủ Nhật Bản, Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia
phát triển đang tích cực hỗ trợ Hà Nội và TP.HCM trong việc phát triển giao
thông công cộng, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe
máy điện.
“Không làm
bây giờ thì không bao giờ làm được. Nếu không quyết tâm thì không biết đến khi
nào Hà Nội mới trở thành một đô thị văn minh, xanh, sạch như Tokyo hay các
thành phố lớn khác trên thế giới”, ông nói.
Hà Nội sẽ hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện?
Tại kỳ họp
thứ 20 cuối năm 2024, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc triển khai
vùng phát thải thấp, một bước đi quan trọng trong chiến lược giảm ô nhiễm và
phát triển giao thông xanh.
Theo đó,
trong vùng phát thải thấp, chỉ các phương tiện không phát sinh khí thải, sử dụng
năng lượng sạch hoặc thân thiện môi trường, xe ưu tiên và xe có giấy phép đặc
biệt mới được phép lưu thông. Thành phố cũng sẽ cấm xe tải hạng nặng chạy dầu
diesel và hạn chế hoặc cấm xe máy, mô tô không đạt tiêu chuẩn khí thải mức 2,
cũng như ô tô không đạt mức 4, hoạt động trong khu vực theo khung giờ hoặc thời
điểm nhất định.
Hà Nội sẽ đề xuất các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong
vùng phát thải thấp để chuyển đổi phương tiện từ xăng dầu sang năng lượng sạch.
(Ảnh minh hoạ)
Đặc biệt,
Hà Nội sẽ đề xuất các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong vùng
phát thải thấp để chuyển đổi phương tiện từ xăng dầu sang năng lượng sạch. Các
khoản hỗ trợ có thể bao gồm: ưu đãi tài chính, giảm giá phương tiện, hoặc hỗ trợ
đổi xe cũ lấy xe mới, xe điện.
Phát biểu
tại phiên chất vấn HĐND vào tháng 12/2024, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ
Thanh cho biết thành phố sẽ phối hợp với các nhà sản xuất để xây dựng các
chương trình hỗ trợ cụ thể, giúp người dân đổi xe máy cũ lấy xe điện, đồng thời
giảm gánh nặng tài chính và cải thiện chất lượng không khí đô thị.
Đồng tình
với chủ trương, PGS.TS Bùi Thị An – nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, nguyên Ủy
viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh rằng đây
là bước đi đúng đắn và phù hợp với xu thế toàn cầu.
“Hà Nội là
thành phố đông dân, ô nhiễm không khí gần như ở mức báo động, trong đó giao
thông là nguyên nhân lớn. Việc kiểm soát xe máy xăng là cần thiết và kịp thời,”
bà nói.
Tuy nhiên,
bà cũng cảnh báo rằng việc thực hiện cần có lộ trình phù hợp, đồng thời chuẩn bị
kỹ về nguồn lực tài chính để hỗ trợ người dân, hạ tầng sạc điện, hệ thống
phương tiện công cộng thay thế, tránh gây xáo trộn đời sống. “Muốn thực hiện được
hiệu quả, phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân Thủ đô”, PGS.TS Bùi Thị An
nhấn mạnh.