Triển vọng tích cực của thị trường xe điện
Các chuyên
gia về ngành công nghiệp ô tô tại S&P Global Mobility dự báo doanh số bán
xe thuần điện toàn cầu có thể tăng 29,9%, từ mức 11,6 triệu xe trong năm nay
lên 15,1 triệu xe trong năm 2025. Xe điện dự kiến sẽ chiếm khoảng 16,7% doanh số
bán xe hạng nhẹ toàn cầu, tăng đáng kể so với mức thị phần 13,2% của năm 2024.
Trung Quốc
dự kiến sẽ kết thúc năm 2025 với thị phần xe điện lớn nhất thế giới - 29,7%.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhiều khả năng sẽ chậm lại. Theo S&P Global
Mobility, trong số các nền kinh tế lớn, Trung Quốc dự kiến sẽ ghi nhận mức
tăng nhỏ nhất theo năm về thị phần - 19,7%.
Mỹ là quốc
gia tiếp theo trong danh sách với thị phần xe điện dự kiến là 11,2% vào cuối
năm 2025, tăng 36% so với năm 2024. Khu vực Trung và Tây Âu, mặc dù gặp một số
khó khăn trong năm nay, dự kiến sẽ kết thúc năm 2025 với thị phần xe điện là
20,4%, tăng 43,4%. Đáng chú ý, Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi số lượng xe điện lưu thông
trên đường vào năm tới, với thị phần dự kiến là 7,5% vào tháng 12-2025 - tăng
117% so với năm 2024.
Tác động từ
các chính sách
Theo
Fastmarkets, trong năm 2025 doanh số xe điện sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách
hỗ trợ của chính phủ các nước. Trung Quốc hiện vẫn đang là quốc gia dẫn đầu cả
về nhu cầu và xuất khẩu xe điện trong bối cảnh chính phủ nước này coi đây là một
ngành chiến lược có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Bắc Kinh cũng đã
phát tín hiệu về việc tiếp tục triển khai các chương trình đổi xe cũ lấy xe mới
trong năm 2025.
Trong khi tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện của Trung Quốc đã chậm lại sau cơn sốt hậu đại dịch, các dự báo cho thấy mục tiêu chính thức của Bắc Kinh, được đặt ra vào năm 2020, là xe điện chiếm 50% doanh số bán ô tô vào năm 2035, có thể đạt được ngay trong năm nay, tức là sớm hơn 10 năm so với kế hoạch.
Tại châu
Âu, doanh số bán xe điện dự kiến sẽ giảm vào tháng 1 theo truyền thống, nhưng
sau đó sẽ phục hồi nhờ lực đẩy từ các quy định mới về khí thải. Nhóm nghiên cứu
của Fastmarkets tin rằng mức tăng trưởng doanh số hàng năm 25% trong toàn khối
là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Lực cản có
thể đến từ Pháp, sau khi chính phủ nước này hồi cuối tháng 11-2024 cho biết sẽ
chỉ trợ cấp xe điện cho những người có thu nhập từ 2.000-4.000 euro, thay vì
4.000-7.000 euro như trước đây. Động thái này được dự báo sẽ ảnh hưởng đến
doanh số xe điện, tương tự như những gì đã diễn ra ở Đức hồi năm ngoái.
Tuy nhiên,
theo chuyên gia William Adams, Giám đốc nghiên cứu kim loại cơ bản của
Fastmarkets, doanh số bán xe điện tại Trung Quốc cũng đã giảm hồi năm 2019 sau
khi chính phủ cắt giảm trợ cấp, nhưng rồi lại nhanh chóng phục hồi. Do vậy, ông
tin rằng, sự ảnh hưởng đến doanh số “có thể chỉ mang tính tạm thời”.
Còn tại
Anh, triển vọng của thị trường sẽ chỉ rõ ràng hơn sau khi chính phủ tiến hành
tham vấn các quy định về xe không phát thải, do các nhà sản xuất ô tô phàn nàn
doanh số bán xe điện tăng không đủ nhanh để đạt được mục tiêu đã đề ra. Chính
phủ cũng sẽ tham vấn về việc liệu có cần thêm các chính sách ưu đãi để kích
thích thị trường.
Thách thức
lớn hơn cả sẽ diễn ra tại Mỹ, nơi dự kiến sẽ có những thay đổi lớn về mặt chính
sách. Chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump được dự báo sẽ cắt giảm khoản
tín dụng thuế đối với xe điện và xe chạy bằng pin nhiên liệu trong khuôn khổ Đạo
luật Giảm lạm phát (IRA). Trước đó, các biện pháp này đã giúp người dân Mỹ tiết
kiệm 7.500 đô la/xe khi mua xe điện mới kể từ ngày 1-1-2023.
Quan trọng
hơn, chính quyền của ông Trump có thể sẽ xóa bỏ các mục tiêu về doanh số bán xe
điện, hoặc chấm dứt các quy định hiện hành, buộc các nhà sản xuất ô tô phải bán
nhiều mẫu xe điện và hybrid hơn. Điều này sẽ gây thiệt hại đáng kể đối với
doanh số xe điện tại Mỹ.
Ngoài ra, nếu được hiện thực hóa, các cam kết áp thuế quan của ông Trump đối với Trung Quốc, Mexico và Canada sẽ tạo ra một sức ép lớn lên thị trường. Nhà phân tích nhu cầu nguyên liệu thô về pin xe điện của Fastmarkets, Connor Watts, cho biết “điều này sẽ dẫn tới một làn sóng sản xuất xe điện tại Mỹ, khiến các chi phí gia tăng, và đẩy giá xe điện tăng cao theo cách này hay cách khác”.
Những
thách thức trong hạ tầng sạc
Mặc dù thị
trường xe điện toàn cầu đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhưng cơ sở hạ tầng
sạc vẫn là vấn đề cần được cải thiện, nhằm đảm bảo có thêm nhiều người tiêu
dùng tiếp cận loại phương tiện này.
Dữ liệu của
Transport & Environment cho thấy số trạm sạc công cộng đã tăng đều đặn trên
khắp Liên minh châu Âu (EU) nhờ những mục tiêu mang tính ràng buộc mà chính phủ
các nước đã thống nhất vào năm 2023. Số lượng trạm sạc tăng gấp 3 lần trong ba
năm qua, trong đó nhiều quốc gia Đông Âu và Nam Âu có tỷ lệ số trạm sạc/số xe
điện cao hơn so với hầu hết các quốc gia Tây Âu và Bắc Âu.
Còn tại Mỹ,
các dữ liệu từ Bộ Giao thông Vận tải nước này cho thấy, tính đến cuối tháng
8-2024, có “hơn 192.000 cổng sạc công cộng với khoảng 1.000 điểm sạc công cộng
mới được bổ sung mỗi tuần” bởi chính quyền Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, hiện
chưa rõ việc triển khai các trạm sạc sẽ như thế nào dưới thời chính quyền ông
Donald Trump.
Việc sử dụng
các trạm sạc cũng còn nhiều hạn chế. Theo báo cáo được hãng tư vấn kỹ thuật
Versinetic công bố hồi tháng 9-2024, có tới 35,9% số tài xế xe điện tại Vương
quốc Anh cho biết gặp phải khó khăn trong việc tiếp cận các trạm sạc, và 46%
tài xế thường gặp phải các trạm sạc không hoạt động. Các vấn đề về thanh toán
cũng được ghi nhận ở nhiều nơi, vì các trạm sạc vẫn chưa hợp lý hóa các tùy chọn
thanh toán, và chi phí sạc công cộng cũng vẫn cao so với các điểm sạc tại nhà.
“Ở châu Âu
và Mỹ, nhiều lúc các trạm sạc không hoạt động và yêu cầu các thủ tục đăng ký phức
tạp”, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford Anders Hove
cho biết, đồng thời nói thêm rằng, mặc dù những điểm nghẽn này cũng tồn tại ở
Trung Quốc, “chúng không nghiêm trọng bằng” và việc trả tiền sạc xe điện ở
Trung Quốc “dễ dàng như việc trả tiền cho một thanh kẹo”.
Dữ liệu mới
nhất từ Liên minh thúc đẩy cơ sở hạ tầng sạc xe điện Trung Quốc (EVCIPA) cho thấy,
tính đến cuối tháng 10-2024, Trung Quốc có 3,4 triệu điểm sạc công cộng, trong
đó có 1,5 triệu điểm sạc nhanh. Tuy nhiên, ông Hove cũng xác nhận rằng giá sạc
xe điện đã tăng ở Trung Quốc, và “điều này khiến những chiếc xe trở nên kém hấp
dẫn hơn”.
Vấn đề giá thành
Theo Giám
đốc cấp cao về xe điện và pin của Transport & Environment, Julia
Poliscanova, “mặc dù nhiều khảo sát cho thấy mọi người đang sẵn sàng hơn cho việc
mua xe điện, rào cản lớn nhất vẫn là giá cả”. Bà nhận xét, “người mua trên thị
trường đại chúng yêu cầu các mẫu xe có giá cả phải chăng, và cho đến nay chưa
có nhiều hãng xe làm được điều này bởi các nhà sản xuất thường ưu tiên biên lợi
nhuận cao ở những chiếc xe lớn hơn”.
Năm 2024
đã chứng kiến một số nhà sản xuất ô tô quay lưng lại với cam kết mở rộng xe
điện. Mới nhất, Ford, đã công bố kế hoạch tái cấu trúc hoạt động kinh doanh tại
châu Âu hồi tháng 11-2024, bao gồm việc cắt giảm tới 4.000 việc làm tại Đức và
Anh. Trước đó, các hãng sản xuất ô tô như Nissan của Nhật Bản và Volvo của Thụy
Điển đều đã hủy bỏ cam kết tăng cường cung cấp xe điện, với lý do khó đáp ứng
nhu cầu ngày càng tăng đối với xe điện giá cả phải chăng trong khi vẫn duy trì
lợi nhuận.
Tuy nhiên,
dự kiến sẽ có khoảng một chục mẫu xe điện có giá dưới 25.000 euro gia nhập thị
trường vào đầu năm 2025 tại châu Âu. Bà Poliscanova kỳ vọng điều này “sẽ thay đổi
hoàn toàn động lực thị trường xe điện và là lý do tại sao chúng tôi lạc quan về
nhu cầu xe điện tại châu Âu vào năm tới”.
Theo SGT