Thực trạng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu xi măng và clinker trong tháng 12 đạt hơn 2,53 triệu tấn, thu về gần 98 triệu USD, tăng 0,9% về lượng và giảm 3% về trị giá so với tháng 11/2023. Lũy kế cả năm 2023, ngành xi măng đã xuất khẩu hơn 31,3 triệu tấn clinker và xi măng, tương đương hơn 1,32 tỷ USD, giảm 1,2% về lượng, giảm 4,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên nhìn lại năm 2023, đây là năm thứ 2, xuất khẩu sụt giảm mạnh, chỉ quanh mức 31-32 triệu tấn. So với kỷ lục xuất khẩu gần 46 triệu tấn của năm 2022, ngành xi măng chưa biết khi nào quay trở lại ngưỡng này.

Cũng trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu nhiều xi măng và clinker sang thị trường Phillipines, chiếm tỷ trọng 27% về kim ngạch xuất khẩu, thứ hai là Bangladesh (17%) và thứ ba là Malaysia (5,2%).

Theo các nhà sản xuất, thị trường xi măng cả trong nước lẫn xuất khẩu đều gặp nhiều khó khăn. Đối với kênh xuất khẩu, sở dĩ sản lượng giảm mạnh là do Trung Quốc giảm nhập khẩu, bởi thị trường bất động sản nước này chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Bên cạnh đó, cạnh tranh xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam khốc liệt hơn do Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mua nhiều xi măng nước ta, điển hình là Phillipiness, Bangladesh. Tại Phillipiness, nước này vẫn áp dụng chính sách bảo hộ (thuế chống bán phá giá với xi măng nhập từ Việt Nam), cộng với cạnh tranh dư thừa tại Trung Đông và Đông Nam Á...Ngoài ra, giá xuất khẩu bình quân 12 tháng năm 2023 đạt gần 42,4 USD/tấn, giảm gần 3% so với cùng kỳ, chưa kể doanh nghiệp xuất khẩu clinker trong nước phải chịu thuế 10% từ 1/1/2023.

Đơn cử như Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), năm qua toàn hệ thống Vicem chỉ xuất khẩu được 2,85 triệu tấn, bằng 88,8% năm 2022 và chỉ bằng 85,1% kế hoạch đề ra trong năm 2023.

Báo cáo tài chính quý IV/2023 mới công bố của Công ty CP Vicem Hà Tiên (HT1) cho thấy, lợi nhuận sau thuế đạt 54,3 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính lũy kế cả năm 2023, do doanh thu sụt giảm mạnh (đạt hơn 7.049 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2022) và giá vốn neo cao, khiến cho lợi nhuận gộp của HT1 đã giảm mạnh ở mức 32%, đạt 603,9 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của một doanh nghiệp hàng đầu ở ngành sản xuất xi măng trong vòng 10 năm trở lại đây.

Có thể nhìn nhận, ngành xi măng năm 2023 thực sự khó khăn do tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu đều ở mức thấp, trong đó tiêu thụ nội địa chỉ xấp xỉ 60 triệu tấn, tồn kho tăng cao, dẫn đến một số nhà máy phải giảm năng suất hoặc dừng lò nung để hạn chế đổ clinker ra bãi, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Các công ty sản xuất xi măng đang trong cảnh tồn kho lớn, trước áp lực đó phải linh hoạt điều chỉnh chính sách bán hàng và giảm giá bán để cạnh tranh, hạn chế suy giảm sản lượng tiêu thụ và giữ vững thị phần.

Các động lực và dự báo triển vọng thị trường ấm dấn lên

Bước sang năm 2024, đặc biệt, ngành xi măng đang đặt nhiều kỳ vọng vào những nỗ lực thúc đẩy đầu tư công bởi từ những tháng cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, Chính phủ đã và đang quyết liệt đưa ra nhiều chỉ đạo thúc đẩy đầu tư công, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai, cùng việc thông qua quy hoạch nhiều dự án hạ tầng công nghiệp, đô thị.

Về xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực mở rộng thị trường, chuyển hướng sang các thị trường như Mỹ, Australia, khu vực Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và phát huy tiềm năng của ngành với tổng công suất thiết kế có thể lên tới 120 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, một số nước nhập khẩu xi măng, clinker của Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước, hàng rào kỹ thuật thương mại. Trong đó, Philippines là thị trường nhập khẩu lớn nhất nhưng lại tiếp tục áp thuế chống bán phá giá tạm thời với xi măng Việt Nam. Hơn nữa, châu Âu là thị trường khó tính với việc thực hiện cơ chế giảm phát thải carbon. Vì thế, việc mở rộng thị trường là cần thiết dù sản lượng chưa nhiều, nên các doanh nghiệp phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại. Tín hiệu tích cực là một số doanh nghiệp đã có những đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ - thị trường có tiêu chuẩn cao và khó tính.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp xi măng cần đổi mới công nghệ, cải tạo chiều sâu, sử dụng hiệu quả năng lượng và các giải pháp về phát triển bền vững để vừa tiết giảm chi phí sản xuất vừa nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng theo các tiêu chuẩn ngày càng cao về bảo vệ môi trường của thị trường quốc tế. Ngoài ra, các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng tiếp tục có chính sách hỗ trợ, đưa chính sách phù hợp với sự phát triển của ngành.

Những dự báo nêu trên sẽ tiếp thêm niềm tin cho các doanh nghiệp xi măng và thép trở lại “đường băng” tăng trưởng trong năm nay dù cho vẫn còn không ít khó khăn, thách thức ở phía trước. Và điều quan trọng để tránh tiếp tục sa sút lợi nhuận hoặc thua lỗ đòi hỏi các doanh nghiệp ở những ngành hàng này có những giải pháp hiệu quả hơn nữa để kéo giảm các loại chi phí.

Theo dự báo về triển vọng của ngành xi măng trong năm 2024, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán SSI cho rằng sản lượng tiêu thụ xi măng dự kiến sắp phục hồi, chạm đáy trong quý 1/2024 và dần phục hồi trong năm 2024.

Theo đó, trong quý I/2024, dự báo mức tiêu thụ xi măng trong nước sẽ ở mức thấp kể từ quý 3/2021 (thời gian thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid), do các yếu tố mùa vụ (nghỉ Tết Nguyên đán) và nhu cầu vẫn ở mức yếu.

Nhưng sang quý II/2024, kỳ vọng sản lượng xi măng bán ra sẽ cải thiện so với cùng kỳ nhờ hoạt động xây dựng có dấu hiệu phục hồi. Ngoài ra, các dự án đầu tư công lớn (như Sân bay Long Thành và các dự án đường cao tốc ở miền Trung và miền Nam) có thể bù đắp nhu cầu yếu trong năm 2024.

Theo BCT