Đối diện
khó khăn kép
Theo số liệu ước
tính mới nhất của Viện Vật liệu (Bộ Xây dựng), 6 tháng năm 2023, sản lượng sản
xuất xi măng ước đạt 39 triệu tấn, giảm 7%; tiêu thụ đạt 43 triệu tấn, giảm 10%
so cùng kỳ 2022, trong đó, tiêu thụ nội địa đạt 29 triệu tấn, giảm 8% so cùng kỳ.
DN xi măng đối mặt
khó khăn kép do tiêu thụ ở thị trường nội địa và xuất khẩu chậm lại, cung vượt
cầu, chi phí đầu vào tăng cao
Nguyên nhân tiêu
thụ nội địa giảm do cầu giảm, thị trường bất động sản đóng băng, trong khi công
suất thiết kế tăng, hiện tổng công suất toàn ngành đạt 120 triệu tấn; ứng dụng
khoa học - kỹ thuật, giúp năng suất tăng, công suất toàn ngành lên đến 130 triệu
tấn/năm. Ước tính, cả năm nhu cầu tiêu thụ xi măng nội địa chỉ đạt 65 triệu tấn,
so tổng công suất, lượng xi măng sản xuất ra dư thừa một nửa.
Theo Hiệp hội Xi
măng Việt Nam, thời gian qua tình hình tiêu thụ nội địa chậm, thị trường xuất
khẩu xi măng của Việt Nam cũng không khả quan. Nhiều doanh nghiệp xi măng liên
tục rơi vào tình trạng lỗ suốt nhiều quý.
Cụ thể, kết thúc
quý II/2023, Vicem Hoàng Mai ghi nhận 808 tỷ đồng doanh thu bán hàng và 622 triệu
đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 22,8% và 94,6% so với cùng kỳ năm trước.
Một đơn vị khác,
Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bỉm Sơn (Vicem Bỉm Sơn) cũng báo lỗ hơn 5 tỷ đồng
trong quý II/2023 do doanh thu bán hàng giảm, chi phí tài chính tăng. Theo báo
cáo tài chính hợp nhất quý II, toàn bộ doanh thu của Vicem Bỉm Sơn đến từ xi
măng và clinker với gần 893 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Đáng chú ý đây là
quý thứ 4 liên tiếp doanh nghiệp báo lỗ (kể từ quý III/2022).
Một đơn vị thành
viên khác của VICEM là Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn cũng báo lỗ ròng
hơn 17 tỷ đồng trong quý II, trong khi, cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp này lãi
30 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp Vicem Bút Sơn rơi vào tình trạng lỗ,
kể từ quý IV/2022.
Nguyên nhân các
khó khăn mà ngành sản xuất xi măng đang đối diện là do giá nhiên liệu vận tải
tăng, nhu cầu thị trường giảm. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản trầm lắng
làm cho doanh nghiệp cang khó khăn hơn.
Trong khi đó,
nhu cầu thị trường xuất khẩu giảm nhưng thuế xuất khẩu clinker lại tăng từ 5%
lên 10% bắt đầu từ 1/1/2023 cũng khiến cho ngành xi măng lao đao.
Cơ hội
tăng tiêu thụ nội địa từ các dự án đầu tư công
Theo tính toán của
Tổng cục Thống kê, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước
thì GDP tăng thêm 0,058%. Ngoài ra, việc tập trung đẩy mạnh đầu tư công cũng được
kỳ vọng sẽ tạo ra các tác động lan tỏa đến nhiều nhóm ngành.
Nhóm vật liệu
xây dựng (đá xây dựng, xi măng, nhựa đường, thép) được hưởng lợi trực tiếp ngay
sau giai đoạn giải phóng mặt bằng, bước vào triển khai dự án, cho đến khi hoàn
thành hoạt động xây dựng dự án. Mặc dù vậy, mức độ hưởng lợi của các doanh nghiệp
khác nhau phụ thuộc đặc thù từng ngành; trong đó có xi măng.
Ông Lương Đức
Long - Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam đề xuất tháo gỡ điểm nghẽn đầu ra
của ngành bằng cách tăng cường xây dựng nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, khu đô thị,
đường giao thông.
Nhiều chuyên
gia kinh tế cũng cho rằng, trước mắt các doanh nghiệp xi măng nên tìm cách phát
triển sản phẩm mới và cải tiến để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường nhằm
thu hút được nhiều khách hàng hơn, tăng doanh số bán hàng. Bên cạnh đó, các
chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp xi măng cần tối ưu hóa sản xuất qua việc
cải tiến công nghệ để tăng năng suất và giảm chi phí. Điều này giúp các doanh
nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh và tăng lợi nhuận. Đặc biệt là vấn đề tận
dụng nhiệt dư để phát điện và sử dụng đốt rác thải thay thế một phần nhiên liệu.
Để gỡ khó cho
ngành xi măng, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, cần có sự tham mưu rốt ráo của
các ban, ngành. Đó là các chính sách tháo gỡ về vốn, tín dụng, thị trường bất động
sản hay đẩy mạnh đầu tư công. Bên cạnh đó, kiên quyết không cho doanh nghiệp tiếp
tục đầu tư các dự án xi măng mới với mục tiêu không rõ ràng, triển khai trong
thời gian tới.
Từ đầu tháng
7/2023, các Hội, Hiệp hội khối sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng đã gửi kiến
nghị đề nghị Chính phủ xem xét các biện pháp quyết liệt, tháo gỡ khó khăn cho
doanh nghiệp sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng trong nước. Thủ tướng Phạm
Minh Chính đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ Công Thương, Tài
chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan liên quan xử lý những kiến nghị của
Hội, Hiệp hội khối sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng về việc khó khăn, vướng
mắc trong tiêu thụ sản phẩm theo quy định.
Với các trường hợp
vượt thẩm quyền, Thủ tướng yêu cầu đề xuất phương án xử lý, báo cáo trước ngày
15/8/2023. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải được giao chủ trì, phối hợp
với Bộ Xây dựng và cơ quan liên quan xử lý kiến nghị của Hội, Hiệp hội khối sản
xuất và cung ứng vật liệu xây dựng về việc xây dựng đường dạng cầu cạn ở khu vực
đồng bằng sông Cửu Long, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/8/2023.
Để giải quyết
khó khăn, đại diện các Hội, Hiệp hội về vật liệu xây dựng cho rằng, cần đẩy mạnh
đầu tư công để đạt 95 - 100% của kế hoạch năm 2023; chú trọng khơi thông
dòng vốn cho bất động sản, nhất là bất động sản công nghiệp, nhà ở và khẩn
trương đơn giản thủ tục cho gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để người dân được vay
vốn kịp thời. Đồng thời, đề nghị sớm giảm thuế VAT 2% đến năm 2024; giảm thuế
đất hết năm 2023 và cho nợ thuế đất hết năm 2024 cũng như hoàn thuế xuất nhập
khẩu kịp thời.
Theo BCT