Chở đá về núi
Cao Bằng nằm trong nhóm các tỉnh có tỷ lệ
giải ngân đầu tư công thấp nhất cả nước. Một trong những nguyên nhân quan trọng
của việc giải ngân thấp là do thiếu đất, đá làm vật liệu xây dựng.
Ông Hoàng Mạnh Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội
doanh nghiệp tỉnh Cao Bằng cho biết: Hiện nay, rất nhiều công trình mục tiêu quốc
gia triển khai tại địa phương bị thiếu vật liệu xây dựng cát, sỏi, đá. Rất nhiều
nhà thầu đang gặp phải tình trạng này.
Vì thiếu đá, công ty phải mua đá từ huyện
khác, thậm chí từ tỉnh khác, chở đi trên quãng đường dài hàng chục, thậm chí cả
trăm km để phục vụ công trình.
Cụ thể là công trình ở xã Thành Công, Mai
Long huyện Nguyên Bình nhưng phải đi tận mỏ Suối Viền ở TP Bắc Kạn - xa hơn 100
km để mua đá. Cước phí chuyên chở mỗi m3 đá bị đội lên tới 200 nghìn đồng. Những
công trình lớn dùng nhiều đá thì thiệt hại lên tới cả tỷ đồng.
Để giải quyết tình trạng này, ông Ngọc kiến
nghị tỉnh điều chỉnh hoặc xin Trung ương cơ chế đặc thù để giải quyết nguồn vật
liệu cho những công trình đặc biệt phục vụ phòng chống bão lụt, công trình trọng
điểm quốc gia.
Thêm một nghịch lý khác đang xảy ta tại địa
phương là theo quy định hiện hành, các công trình phải bóc thải, thừa đất đá
thì không được mang bán hoặc đưa đi phục vụ công trình khác mà phải mang đi đổ.
Tuy nhiên, muốn đổ đất cũng vô cùng phức tạp,
phải có đánh giá tác động môi trường và rất nhiều quy trình phức tạp. Trong khi
đó, một công trình liền kề bên cạnh thiếu đất, đá để bù nền nhưng lại phải làm
thủ tục xin cấp quyền khai thác đất, đá để sử dụng.
Quy trình này tốn rất nhiều thời gian và
kinh phí và như vậy, người thừa đất muốn đổ đi cũng khó mà người thiếu đất muốn
mua cũng không được.
Khó như xin cấp mỏ đá
Một nguyên quan trọng dẫn đến tình trạng
khan hiếm đá xây dựng ở tỉnh Cao Bằng hiện nay là quy trình cấp mỏ khai thác đá
hết sức khó khăn ngặt nghèo. Một doanh nghiệp khai thác đá chia sẻ, hiện thủ tục
cấp phép khai thác mỏ đá phải qua 5 cơ quan phê duyệt, nhanh nhất cũng mất 2
năm. Có đơn vị làm thủ tục xin cấp phép từ năm 2019, đến nay đã 5 năm rồi những
vẫn chưa được cấp phép.
Có quá nhiều loại thủ tục cần phải thực hiện
khiến cho nhiều doanh nghiệp nản chí, không muốn tiếp tục theo đuổi. Đối với thủ
tục nâng công suất khai thác mỏ cũng rất khó khăn, gần như phải làm mới. Vì thủ
tục khó khăn nên một số huyện không có mỏ hoặc công suất mỏ quá ít, không đủ phục
vụ nhu cầu xây dựng cơ bản - doanh nghiệp phản ánh.
Hiện nay, vào cuối năm các công trình xây
dựng đang đẩy nhanh tiến độ nhưng nhiều mỏ đã hết hạn mức khai thác của năm, phải
đóng cửa chờ năm sau mới được khai thác tiếp. Việc này khiến doanh nghiệp gặp rất
nhiều khó khăn, công nhân phải nghỉ việc. Nhiều công nhân lành nghề, có chứng
chỉ nổ mìn phá đá nhưng phải nghỉ việc, đi tìm việc khác.
Đến năm sau, khi chủ doanh nghiệp khai
thác trở lại thì rất khó tìm công nhân lành nghề. Doanh nghiệp lại phải cử người
đi đào tạo lại, vừa mất thời gian, mất tiền mà hiệu quả không cao. Mặt khác,
doanh nghiệp lại mấy thêm chi phí để bảo dưỡng, sửa chữa lại máy móc, lán trại
sau thời gian ngừng hoạt động.
Mới đây, một doanh nghiệp khai thác mỏ đá
Cốc Bây, ở xóm Lũng Quang, thị trấn Thông Nông huyện Hà Quảng vì thiếu hiểu biết,
khai thác quá hạn mức mà bị phạt số tiền lên đến 1,4 tỷ đồng. Khi đó, mỏ đã hết
hạn mức khai thác của năm, nhưng do tiến độ giải ngân quá gấp, lãnh đạo huyện
đã đến động viên đơn vị cố gắng khai thác để cung ứng đủ vật liệu cho công
trình quan trọng của địa phương.
Vì vậy, doanh nghiệp đã cố gắng khai thác
thêm và vượt hạn mức. Kết quả là số tiền bị phạt cao gấp mấy lần số tiền lãi từ
khai thác đá - chủ mỏ đá chia sẻ.
Cùng đó, một “rào cản” khác cũng đang khiến
cho nhiều doanh nghiệp không dám đầu tư mỏ lớn là do số tiền phải nộp khá lớn để
được cấp quyền khai thác khoáng sản. Số tiền này nếu quá 50 tỷ đồng thì mới được
nộp theo giai đoạn (chia thành nhiều lần) còn nếu nhỏ hơn 50 tỷ thì sẽ phải trả
một lần. Đây là một áp lực tài chính lớn khiến nhiều doanh nghiệp phải chùn
chân.
Ngoài ra, mặc dù doanh nghiệp đã nộp đủ
các loại thuế, phí cho Nhà nước nhưng vẫn phải tự tìm kiếm địa điểm khai thác,
tự thỏa thuận với dân để giải phóng mặt bằng, tự đền bù cho dân. Như vậy, nhà đầu
tư phải trả tiền hai lần cho một khu vực khai thác mỏ. Không ít nhà đầu tư còn
gặp tình trạng người dân “hét giá”, nâng giá lên cao.
Làm tốt quy hoạch mỏ đá
Ông Chu Đức Quang - Giám đốc Sở Tài nguyên
và Môi trường Cao Bằng cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan
hiếm đá xây dựng tại đại phương; trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là do
khâu quy hoạch và cấp phép khai thác mỏ của tỉnh còn yếu kém.
Các mỏ của tỉnh hầu hết là những mỏ nhỏ,
thời hạn khai thác ngắn, hoạt động kém hiệu quả. Nhiều mỏ vướng phải quy định bảo
vệ rừng, vướng quy hoạch Công viên địa chất toàn cầu.
Để giải quyết tình trạng khan hiếm vật liệu
xây dựng, Sở tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh cho phép các
doanh nghiệp trong quá trình thi công nếu
có phát sinh khối lượng đất đá (vật liệu xây dựng thông thường) thì sẽ cấp giấy
đăng ký vị trí, khu vực, khối lượng, kế hoạch, thiết bị khai thác để phục vụ
cho công trình; xin chủ trương cho phép mỏ cát, mỏ sắt được khai thác đất, đá
thải của mỏ (khoáng sản đi kèm) để bán làm vật liệu xây dựng.
Nhưng về lâu dài, tỉnh cần khẩn trương quy
hoạch các mỏ lớn, thời hạn khai thác lâu dài (tối đa 30 năm) để tạo thuận lợi
cho doanh nghiệp.
Tỉnh Cao Bằng có rất nhiều khu vực núi đá,
khi mở đường giao thông tốn rất nhiều kinh phí để phá đá mở đường. Nếu quy hoạch
tốt, tỉnh vừa có chỗ cho doanh nghiệp khai thác đá, kết thúc khai thác sẽ có mặt
bằng thuận lợi để làm đường giao thông tránh các đèo dốc cao, hoặc có mặt bằng
cho các khu công nghiệp, khu dân cư, lợi cả đôi đường.
Thậm chí, trong tương lai xa, tỉnh có thể
tính tới việc khai thác đá cung cấp cho các địa phương khác, tạo thêm việc làm,
tăng thu nhập cho người dân và doanh nghiệp.
VNB