6 vụ điều tra, 1 vụ kết luận với thép chỉ trong vòng 4 tháng
Làn sóng phòng vệ thương mại của thế giới
đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam trỗi dậy trong nửa cuối năm nay. Theo đó, chỉ
tính từ tháng 6, đã có tới 7 vụ việc các nước sử dụng các biện pháp liên quan đến
phòng vệ thương mại mặt hàng thép. Trong đó bao gồm 6 vụ khởi xướng điều tra,
và 1 vụ kết luận.
Nguồn: Cục Phòng vệ Thương mại
Mặt hàng thép mà các nước khởi xướng điều
tra/ áp thuế bao gồm thép cuộn cán nóng, dây thép, thép chống ăn mòn (CORE),
thanh cốt thép cán nóng,.... Trong đó, riêng mặt hàng thép HRC, có hai thị trường lớn là Ấn Độ và EU đồng
loạt khởi xướng điều tra chống bán phá giá trong tháng 8.
Tại thị trường EU, nguyên đơn là Hiệp hội
Thép Châu Âu (EUROFER) cáo buộc rằng thép HRC nhập khẩu từ Việt Nam và Ai Cập, Ấn
Độ, Nhật Bản tăng tổng thể theo giá trị tuyệt đối và thị phần, theo Steel
Orbis.
EUROFER cũng cung cấp bằng chứng cho thấy việc
nhập khẩu sản phẩm này từ Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam có tác động tiêu
cực đến khối lượng bán ra, mức giá bán và thị phần mà ngành công nghiệp EU nắm
giữ. Điều này dẫn đến những ảnh hưởng bất lợi đáng kể đối với hiệu suất tổng thể,
tình hình tài chính và tình trạng việc làm của ngành công nghiệp EU.
Đối với Ấn Độ, nguyên đơn là Hiệp hội Thép Ấn
Độ cũng đưa ra lý do tương tự khi yêu cầu chính phủ nước này điều tra chống bán
phá giá thép HRC nhập khẩu từ Việt Nam, theo Argus Media.
Các nhà sản xuất thép này cáo buộc rằng thép
HRC nhập khẩu được bán phá giá. Đồng thời, mức giá thấp này gây áp lực lên giá
cả trong nước, làm tổn hại thị phần, lợi nhuận và lợi tức đầu tư của các nhà sản
xuất thép trong nước.
Theo dữ liệu từ Ủy ban nhà máy liên hợp của Bộ
Thép Ấn Độ, lượng nhập khẩu thép thành phẩm từ Việt Nam đã tăng gấp đôi so với
năm trước, đạt 737.000 tấn trong năm tài chính từ tháng 4/2023 đến tháng
3/2024. Con số này chiếm gần 9% tổng lượng nhập khẩu thép thành phẩm của Ấn Độ.
Động thái của Ấn Độ được đưa sau khi Việt Nam
cũng khởi xướng thép HRC nhập khẩu từ nước này hồi tháng 7.
Hiện tại, EU là thị trường xuất khẩu thép các
loại lớn thứ hai của Việt Nam (sau ASEAN), chiếm 25% tỷ trọng; Ấn Độ đứng thứ 5
với 4%.
Một trường hợp khác cũng được quan tâm là Mỹ khởi xướng điều tra kép chống bán phá giá; chống trợ cấp với thép chống ăn mòn (CORE) nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công
Thương), Mỹ cáo buộc biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam là 195,23% (cao hơn
so với biên độ phá giá cáo buộc trong Đơn kiện, và cao nhất trong số 10 nước bị
điều tra).
Đối với điều tra trợ cấp, Mỹ đã khởi xướng điều
tra 26 chương trình trợ cấp từ Chính phủ thuộc các nhóm chương trình cho vay,
ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi miễn và hoàn thuế nhập khẩu, ưu đãi về
đất,….
Bình luận về việc thép Việt Nam thời gian gần
đây liên tục trở đối tượng điều tra của các nước, trao đổi với PV, ông Chu Thắng
Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết thép
luôn là mặt hàng “nhạy cảm” trên thế giới.
“Thép luôn là mặt hàng bị điều tra phòng vệ
thương mại nhiều nhất thế giới. Đến một thời điểm nào đó, mặt hàng thép lại trở
thành mục tiêu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của các nước”, ông nói.
Theo Business Standard, các nhà sản xuất thép
Ấn Độ đã báo động tình trạng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc chuyển hướng qua Việt
Nam theo hiệp định thương mại tự do Ấn Độ-ASEAN trong một thời gian. Việc nhập
khẩu với giá thấp hơn đã tác động đến giá thép trong nước. Do đó, họ muốn chính
phủ áp thuế chống bán phá giá thép HRC Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Trung khẳng định thép HRC của
Việt Nam bị điều tra không liên quan đến hàng của Trung Quốc.
“Các vụ điều tra gần đây của các nước đối với
sản phẩm thép Việt Nam không phải liên quan đến hành vi lẩn tránh thuế. Trước
đây, một số vụ việc điều tra lẩn tránh thuế thép Việt Nam là do doanh nghiệp sử
dụng thép cán nóng của Trung Quốc để sản xuất thép cán nguội và một số sản phẩm
khác để xuất khẩu. Nhưng hiện tại Việt Nam đã có 2 doanh nghiệp sản xuất thép
cán nóng là Hoà Phát và Formosa”, ông Trung cho biết.
Thách thức và triển vọng ngành thép trong năm
2025
Làn sóng phòng vệ thương mại diễn ra trong bối
cảnh nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang lên kế hoạch tăng công suất, khiến họ phải
đối mặt với nhiều rủi ro.
Tính tới cuối tháng 6, Hoà Phát đã rót 42.384
tỷ đồng vào dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất, tăng 58% sau một quý. Tập
đoàn đang dồn lực triển khai xây dựng dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa
Phát Dung Quất 2, quy mô 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm.
Dự kiến cuối năm 2024 sẽ có những sản phẩm đầu
tiên của phân kỳ 1 đưa ra thị trường. Khi hoàn thành dự án Dung Quất 2, năng lực
sản xuất thép thô của Hòa Phát sẽ đạt trên 14 triệu tấn/năm, tương đương Top 30
doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.
Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung
Quất 2 có quy mô 280 ha, tổng vốn đầu tư
85.000 tỷ đồng. Để tiêu thụ lượng thép từ Dung Quất 1 và 2, tập đoàn đang phải
đẩy mạnh kênh xuất khẩu, trong đó có việc tìm kiếm các thị trường mới.
Một doanh nghiệp khác trong nhóm sản xuất
thép là CTCP Thép Pomina cũng ghi nhận những bước tiến mới trong quá trình khôi
phục lại hoạt động sản xuất sau thời gian dài "đắp chiếu" lò cao.
Ngày 8/8, Pomina thông tin đã ký MOU (biên bản
ghi nhớ) với một nhà đầu tư lớn với mục tiêu khởi động lại dự án lò cao vào đầu
năm 2025 nhằm đón đầu nhu cầu đầu tư công và các dự án bất động sản dự kiến sẽ
phục hồi mạnh trong năm 2025.
Ngoài ra, giữa tháng 9, Pomina cũng đã chính
thức ký hợp đồng hợp tác chiến lược với công ty Thép Nansei - một tập đoàn thép
lớn của Nhật Bản.
Hoạt động hợp tác sẽ bao gồm việc nhà đầu tư
chiến lược cam kết cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cần thiết cho nhà máy
Pomina 2 vận hành công suất tối đa bắt đầu từ tháng 9/2024, đáp ứng nhu cầu cao
của thị trường.
Ở nhóm tôn mạ, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của
Tôn Đông Á đầu tháng 7, ban lãnh đạo thông tin dự kiến hoàn thành chủ trương đầu
tư - nhà máy thép mới tại Phú Mỹ trong quý III năm nay.
Nhà máy thép lá mạ mới (dự kiến đặt tại Phú Mỹ,
Vũng Tàu) có công suất 1,2 triệu tấn thành phẩm/năm (chia làm 4 giai đoạn), dự
kiến khởi công vào cuối năm 2024.
Ngoài hai đơn vị trên thì cuối tháng 9, Nam
Kim cũng đã khởi động kế hoạch chào bán gần 132 triệu cổ phiếu huy động gần
1.600 tỷ cho Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ đầu tư dự án nhà máy thép tấm lợp
Nam Kim Phú Mỹ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Quy mô dự án gồm dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm,
hai dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm, dây chuyền
mạ màu 150.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư của dự án giai đoạn 1 (chưa VAT) là
4.500 tỷ và dự kiến sẽ khởi công từ quý II.
Dẫu vậy, với việc thị trường còn nhiều yếu bất định như sự phục hồi của thị trường thế giới, xu hướng điều tra chống bán phá giá, bầu cử Mỹ,... chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những rủi ro khi tăng công suất.
"Mức độ rủi ro của ngành thép khi tăng
công suất sẽ phụ thuộc nhiều vào áp lực từ các vụ điều tra chống bán giá mà các
nước đang tiến hành. Có thể sản lượng của các nhà máy vẫn tốt nhưng họ sẽ phải
cắt giảm giá bán nhiều hơn nếu thị trường không như kỳ vọng", ông Đào Minh
Châu (công ty Chứng khoán SSI Research) phân
tích và nhận định.
Trong 9 tháng 2024, xuất khẩu thép HRC giảm mạnh
gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 2,5 triệu tấn, theo số liệu từ Hiệp hội
Thép Việt Nam (VSA). Riêng trong tháng 9, con số xuất khẩu giảm khoảng 18%.
Sản lượng bán và xuất khẩu thép HRC
Tuy nhiên, ông Châu cũng lưu ý rằng mức độ ảnh
hưởng đối với mặt hàng HRC sẽ dịu bớt nếu Việt Nam áp thuế chống bán giá hàng
nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.
“Nếu thép HRC của Việt Nam bị EU, Ấn Độ áp
thuế, nhưng đồng thời Việt Nam cũng áp thuế nhập khẩu với mặt hàng này các
doanh nghiệp hưởng lợi nhiều hơn là thiệt hại. Bởi hơn 6 triệu tấn hàng nhập khẩu
đã bị chặn. Nhưng nếu Việt Nam không áp thuế HRC nhập khẩu, Hoà Phát sẽ gặp khó
khăn lớn bởi năm sau họ tăng công suất”, ông Châu nói.
Hiện tại Bộ Công Thương vẫn đang trong quá
trình phân tích dữ liệu vụ việc điều tra chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu từ
Ấn Độ và Trung Quốc.
Ông Chu Thắng Trung cho biết hiện đang trong
quá trình điều tra để đưa ra kết luận sơ bộ. Sau khi có kết luận sơ bộ, Bộ Công
Thương mới có cơ sở để quyết định đưa ra mức thuế tạm hay không.
Trong trường hợp có đủ bằng chứng sơ bộ xác định
sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể từ hàng nhập khẩu do bán phá giá thì
cơ quan điều tra sẽ kiến nghị Bộ Công Thương xem xét áp dụng biện pháp chống
bán phá giá tạm thời. Động thái này nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản
xuất trong nước.
Đối với mảng tôn mạ, theo dự báo của cty Chứng
khoán Rồng Việt (VDSC), trong năm 2025, thị trường xuất khẩu dự kiến gặp nhiều
thách thức do Mỹ khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với
thép chống ăn mòn nhập từ Việt Nam.
Cùng với đó, sự suy giảm tiêu thụ thép toàn cầu
sẽ ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng. VDSC dự báo sản lượng xuất khẩu sẽ giảm
5% xuống còn 2,88 triệu tấn, trong khi thị trường nội địa dự kiến tiếp tục tăng
trưởng 10%, đạt 2,65 triệu tấn.
VNB