Với con số này, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã phục hồi như thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, kể từ cuối quý I/2022, sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát tại Việt Nam và trên thế giới, các thị trường từng bước được mở cửa giúp hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sôi động trở lại.

Theo đó, tính đến hết năm 2022, cả nước có 142.779 lao động ra nước ngoài làm việc, đạt hơn 158 % kế hoạch được giao và bằng 316,8 % so với số lượng lao động xuất cảnh của năm 2021.

Trong số các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam, Nhật Bản tiếp tục duy trì vị trí số 1 khi có khoảng 67.300 lao động Việt sang làm việc. Tiếp đến là thị trường Đài Loan (Trung Quốc) với khoảng 58.600 lao động, Hàn Quốc gần 10.000 lao động, Singapore 1.822 lao động, Trung Quốc 910 lao động. Ngoài ra, có một số thị trường khác cũng tăng tiếp nhận lao động Việt trở lại như Hungary, Rumani, Ba Lan, Liên bang Nga, Malaysia…

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, năm 2023, mục tiêu của ngành sẽ đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trong đó tiếp tục giữ vững các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống, đồng thời mở rộng và tăng dần số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại một số quốc gia Châu Âu trong các ngành nghề mới với công việc ổn định và thu nhập cao.

Để đạt được mục tiêu này, Cục sẽ hoàn thiện, thúc đẩy ký kết một Thỏa thuận, Bản Ghi nhớ về hợp tác lao động với các nước tiếp nhận; đẩy mạnh công tác gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp dịch vụ để đào tạo, chuẩn bị nguồn và nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Dương Hưng - TPO