Doanh nghiệp không tuyển
công nhân “già”
Với
nữ công nhân Nguyễn Thị Lụa (SN 1987, Thanh Oai, Hà Nội), 36 tuổi đã không còn
sức khỏe dẻo dai để làm việc. Đi làm một ngày 8 tiếng, chị mệt nhoài, trở về
phòng trọ còn phải nấu cơm cho chồng, con.
“Dạo
này ít việc, tôi chỉ đi làm theo kíp, không tăng ca. Nếu công ty cho tăng ca,
tôi cũng không đủ sức khỏe và thời gian để làm” - chị tâm sự.
Vợ
chồng chị Lụa hiện đang ở với hai con nhỏ, một cháu 15 tuổi, một cháu chưa tròn
3 tuổi. Để có thời gian chăm con, chị Lụa và chồng thường xuyên làm trái ca. Ngồi
một góc phòng trọ chật hẹp, chồng chị Lụa đang bón cháo cho con. Đây là thời
gian ít ỏi cả hai vợ chồng cùng được nghỉ ở nhà với con.
Với
đề xuất giảm tuổi hưu mới đây của 8 hiệp hội, ngành hàng, với lao động nam là
60 tuổi, lao động nữ là 55 tuổi, chị Lụa cho rằng, cần tiếp tục giảm tuổi hưu
hơn nữa với nhóm lao động trực tiếp như chị.
Theo
chị Lụa, hiện nay đa số các doanh nghiệp, công ty tại các khu công nghiệp chỉ
tuyển dụng công nhân từ 18-40 tuổi. Quá độ tuổi trên, hầu hết người lao động phải
đi xin làm các công việc tự do khác. Bên cạnh đó, yêu cầu phải đứng liên tục
trong 8 tiếng đồng hồ không phải ai cũng có thể làm được.
“Doanh
nghiệp nào cũng mong muốn tuyển dụng nhân lực trẻ, năng động và có sức làm việc.
Đi làm công nhân từ năm 19 tuổi, nếu chờ đến 60 tuổi để lĩnh lương hưu thì dài
quá” - chị Lụa tâm sự.
Hiện
nay, vợ chồng chị Lụa đang thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh,
Hà Nội với giá phòng là 500.000 đồng/tháng. Nếu tính cả tiền điện, nước, chị phải
chi trả số tiền 2 triệu đồng/tháng. Với thu nhập của cặp vợ chồng công nhân khoảng
15 triệu đồng/tháng, trừ chi phí lo cho 2 con ăn, học, chị Lụa không để dư ra
được đồng nào.
Anh
Nguyễn Đan Đích, công nhân Công ty TNHH Sakura Hồng Minh Việt Nam phản ánh: “Công nhân trực tiếp luôn mong muốn được giảm
điều kiện về tuổi nghỉ hưu để khi về già, chúng tôi có một khoản trang trải cuộc
sống”.
Đến
nay, anh Đích đã đóng bảo hiểm xã hội được 18 năm, song tính về điều kiện tuổi
thì phải 22 năm nữa mới bắt đầu được hưởng lương hưu. Đặc thù công việc sản xuất
linh kiện xe máy hiện khá vất vả, lại thêm sức khỏe đi xuống, anh Đích dự tính
chỉ “cố” thêm được 7- 8 năm nữa. Theo anh Đích, nhiều công nhân khác đều có ý định
rút bảo hiểm xã hội một lần sau khi nghỉ việc.
Giảm tuổi nghỉ hưu là
mong muốn chính đáng
TS
Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay
là Uỷ ban Xã hội của Quốc hội) - cho rằng, mong muốn giảm tuổi nghỉ hưu của người
lao động là mong muốn chính đáng. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định việc sửa đổi
luật theo hướng này là điều bất khả thi. TS Lợi cho rằng, tính nhân văn của Bộ
luật Lao động 2019 là tuổi nghỉ hưu không bị nâng lên một cách đột ngột mà được
tăng theo lộ trình.
“Theo đó, đến năm 2028,
tuổi hưu của lao động nam mới đạt 62 tuổi và đến năm 2035, tuổi hưu của lao động
nữ mới đạt 60 tuổi. Điều này có nghĩa chúng ta đang có sự chuẩn bị cho thời kì
già hóa dân số và thiếu hụt lao động” - TS Lợi nói.
Tại Hội nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2023, ông Phan Văn Mến - Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội - cho biết, về kiến nghị tăng quyền lợi của người hưởng, thực hiện Nghị quyết 28, đơn vị đã tham mưu Thành ủy, UBND thành phố ban hành nghị quyết, kế hoạch tổ chức triển khai nội dung này.
Về
đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu, ông Mến thông tin, theo Bộ luật Lao động, bắt đầu từ
năm 2021, cả nước bước vào lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tới khi đạt mức 60 tuổi
với lao động nữ, 62 tuổi với lao động nam.
“Giảm tuổi nghỉ hưu là
khó khả thi. Thực tế, nhiều nước trên thế giới hiện tuổi nghỉ hưu đã được nâng
lên rất cao. Chúng tôi ghi nhận, tiếp thu ý kiến đề nghị giảm tuổi hưu để báo
cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét” - ông Mến trao đổi.
BLĐ