Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2022, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là 13.156 tỉ đồng, chiếm 2,91% số phải thu.

Đây là tỷ lệ số tiền chậm đóng trên số phải thu thấp nhất từ năm 2016 (6%) trở lại đây. Trong đó, số tiền chậm đóng tại các đơn vị khó thu (đơn vị phá sản, đơn vị giải thể, đơn vị ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị chủ bỏ trốn) là 4.048 tỉ đồng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, thời gian qua, tình trạng một số người sử dụng lao động phá sản, đang làm thủ tục phá sản, không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký hoặc không có người đại diện theo pháp luật nhưng chưa đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội theo Luật định dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi chính đáng về hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động.

Thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách cho thấy, do đời sống gặp nhiều khó khăn, người lao động tại các đơn vị này có nhu cầu được hưởng bảo hiểm xã hội và tự nguyện đóng nộp bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng các chế độ.

Để giải quyết kịp thời quyền lợi cho người lao động, thân nhân của người lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều đề xuất.

Về chế độ hưu trí, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị giải quyết hưởng lương hưu hàng tháng với các trường hợp như người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và có thời gian thực đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên (không bao gồm thời gian chưa đóng tiền bảo hiểm xã hội) thì được giải quyết hưởng lương hưu theo quy định của chính sách tại thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Trường hợp sau đó, khoản tiền bảo hiểm xã hội chưa đóng được đóng bù bởi đơn vị hoặc nguồn tài chính khách thì tính bổ sung thời gian đóng bảo hiểm xã hội (nếu có) để điều chỉnh lại mức hưởng theo quy định của chính sách tại thời điểm hưởng lương hưu.

Người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu, có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm (trong đó thời gian thực đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 10 năm trở lên) mà có nguyện vọng thì được đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để đủ điều kiện được hưởng lương hưu hàng tháng, thời điểm hưởng lương hưu được thực hiện theo quy định.

Trường hợp sau đó, khoản tiền bảo hiểm xã hội chưa đóng được đóng bù bởi đơn vị hoặc nguồn tài chính khác thì tính bổ sung thời gian đóng bảo hiểm xã hội (nếu có) để điều chỉnh lại mức lương hưởng theo quy định của chính sách tại thời điểm hưởng lương hưu.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề nghị cho phép giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với các trường hợp: Người hưởng theo quy định tại Điểm b, c, d Khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Người hưởng theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì giải quyết như đối với trường hợp tại Tiết a điểm này...

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn về giải quyết hưởng lương hưu hàng tháng đối với trường hợp có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên (trong đó có thời gian thực đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm và còn lại là thời gian chưa đóng tiền bảo hiểm xã hội).

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề xuất liên quan đến chế độ tử tuất, ốm đau, thai sản với những trường hợp người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội trong các đơn vị phá sản, giải thể...

BLĐ