Phó Thủ tướng
Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 9/10/2023 phê duyệt Chiến lược
quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến
năm 2045.
Bảm bảo tiếp
cận thuốc cho người dân với mức chi phí hợp lý
Mục tiêu
chung nhằm phát triển ngành Dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong
khu vực, đảm bảo tiếp cận thuốc cho người dân với mức chi phí hợp lý; nâng cao
năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc,
thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia
công/chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN, phấn đấu
phát triển nền công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 theo phân loại của WHO;
phát triển dược liệu, thuốc và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành
lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao; đẩy mạnh sản xuất
nguyên liệu làm thuốc; tối ưu hóa việc sử dụng thuốc.
Phấn đấu đến
năm 2030, 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh,
chữa bệnh; đảm bảo an ninh thuốc, đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh, phòng,
chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và
các nhu cầu cấp bách khác về thuốc.
Thuốc sản
xuất trong nước phấn đấu đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị
trường. Tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu
cho sản xuất thuốc trong nước. Vaccine sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu
cho tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu cho tiêm chủng dịch vụ.
Trở thành
trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực
Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Tiếp nhận chuyển giao công nghệ, gia công có phối hợp chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc biệt dược gốc, vaccine, sinh phẩm bao gồm cả sinh phẩm tương tự và một số thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được.
Xây dựng
được 08 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên và 02 - 05 vùng trồng sản xuất
dược liệu quy mô lớn. Phục tráng, nhập nội, di thực, phát triển được 10 - 15
loài cây dược liệu có nguồn gốc nhập khẩu số lượng lớn. 100% nguyên liệu dược
liệu được tiêu chuẩn hóa (cao chiết, tinh dầu, bột dược liệu) phục vụ sản xuất
thuốc trong nước.
Đạt chứng
nhận mức độ 3 trở lên của WHO về năng lực của cơ quan quản lý nhà nước đối với
thuốc hóa dược, duy trì và nâng cao chứng nhận của WHO về năng lực của cơ quan
quản lý nhà nước đối với vaccine.
Duy trì bền
vững tỷ lệ 100% cơ sở kinh doanh thuốc đáp ứng tiêu chuẩn thực hành tốt; phấn đấu
100% cơ sở kiểm nghiệm thuốc, kiểm định vaccine và sinh phẩm đạt tiêu chuẩn thực
hành phòng thí nghiệm tốt (GLP); 20% cơ sở sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn
EU-GMP, PICs-GMP hoặc tương đương.
100% thuốc
trong quá trình lưu hành trên thị trường được giám sát
Ngành dược
phấn đấu có 30% thuốc generic (trừ thuốc có tác dụng tại chỗ, thuốc có tác dụng
toàn thân sẵn có đặc tính tương đương sinh học với thuốc đối chứng) sản xuất
trong nước và nhập khẩu có giấy đăng ký lưu hành được đánh giá tương đương sinh
học; 100% thuốc trong quá trình lưu hành trên thị trường được giám sát và quản
lý đầy đủ về hiệu quả và an toàn theo quy định của Bộ Y tế.
100% các
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hoạt động sử dụng thuốc có tổ chức và triển khai
các hoạt động dược lâm sàng. Tỷ lệ người làm công tác dược lâm sàng đạt 01 người/100
giường bệnh nội trú và 02 người/1.000 đơn thuốc được cấp phát cho bệnh nhân ngoại
trú có thẻ bảo hiểm trong một ngày. Cung cấp các dịch vụ chăm sóc dược chất lượng
tốt.
Phấn đấu
hoàn thành chuyển đổi số ngành dược
Chiến lược
phấn đấu hoàn thành chuyển đổi số ngành dược; số hóa 100% thông tin, dữ liệu
thuốc được cấp phép lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam, cập nhật vào Ngân hàng
dữ liệu ngành dược; 100% cơ sở sản xuất, bán buôn, xuất nhập khẩu và bán lẻ thuốc
trên toàn quốc được kết nối liên thông; đảm bảo duy trì hoạt động 100% dịch vụ
công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực dược được tích hợp lên Cổng Dịch vụ
công quốc gia; triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động ngành dược.
Đạt tỷ lệ 4,0 dược sĩ/1 vạn dân, trong đó dược sĩ được đào tạo về chuyên ngành dược lâm sàng đạt tối thiểu 20%.
Định hướng
đến năm 2045, thuốc sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và
nâng cao giá trị xuất khẩu, hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; chủ động
sản xuất được các thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc,
vaccine, sinh phẩm và nguyên liệu làm thuốc; có thuốc biệt dược gốc từ nguồn dược
liệu trong nước được nghiên cứu, sản xuất và đăng ký bản quyền. Phấn đấu tổng
giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD. Hệ thống kiểm
nghiệm, phân phối thuốc, công tác dược lâm sàng, thông tin thuốc và cảnh giác
dược đạt trình độ tương đương các nước tiên tiến trên thế giới.
Để đạt được
những mục tiêu trên, Chiến lược sẽ triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải
pháp sau: Tiếp tục hoàn thiện về thể chế, pháp luật; quy hoạch; đầu tư, nâng
cao năng lực cạnh tranh, tăng cường liên kết, tham gia chuỗi giá trị trong
ngành dược; nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát thị trường thuốc, nguyên liệu
làm thuốc; đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; khoa học công nghệ,
nhân lực và đào tạo; hợp tác quốc tế; công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ
4.0 gắn với triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số để hiện đại
hóa ngành dược; thông tin, truyền thông.
Quản lý chặt
chẽ hệ thống phân phối, cung ứng thuốc trong nước
Trong đó,
Chiến lược sẽ thực hiện rà soát, quy hoạch hệ thống cung ứng thuốc đảm bảo
chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả; chú trọng phát triển hệ thống cung ứng thuốc
cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện
kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Quản lý chặt
chẽ hệ thống phân phối, cung ứng thuốc trong nước hướng tới hiện đại, chuyên
nghiệp, hiệu quả; quản lý chặt chẽ chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc toàn
diện từ khâu sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bảo quản, lưu thông, phân phối đến
sử dụng thuốc; kiên quyết phòng ngừa, đấu tranh, xử lý đối với các thuốc giả,
thuốc kém chất lượng.
Đồng thời,
tăng cường hệ thống thanh tra và kiểm tra hậu mại đối với các hoạt động kinh
doanh của doanh nghiệp dược nhằm đảm bảo trật tự, kỷ cương và tăng cường sự
tuân thủ pháp luật về dược.
Tăng cường
công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép dược liệu qua biên giới;
kiểm tra chặt chẽ hồ sơ và hàng hóa xuất nhập khẩu dược liệu khi có dấu hiệu
nghi vấn để phát hiện vi phạm và ngăn chặn dược liệu có nguồn gen đặc hữu, quý
hiếm trong nước vận chuyển ra nước ngoài.
Cải thiện
chất lượng hoạt động cảnh giác dược tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc; tập
trung nâng cao vai trò và năng lực của người dược sĩ trong thực hành tư vấn sử
dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả từ tuyến trung ương đến tận tuyến y tế cơ
sở.
Theo BCP