Năm 2024, nhờ tình hình kinh tế nói chung của người nông dân trên thế giới được cải thiện cũng như sự chuyển hướng của các dòng thương mại nên nhu cầu phân bón toàn cầu tiếp tục phục hồi, bất chấp những rối loạn trong chuỗi cung ứng, các biện pháp trừng phạt và chính sách bảo hộ của những quốc gia xuất khẩu hàng đầu.
Trong báo cáo tháng 2/2025, Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA) dự báo tiêu thụ phân bón toàn cầu năm 2025 sẽ tăng 2,2%. Tổng tiêu thụ phân bón năm 2025 dự báo sẽ đạt 205 triệu tấn chất dinh dưỡng, cao hơn nhiều mức kỷ lục 201,5 triệu tấn trong năm 2020.
Trong bối cảnh của những thay đổi chính trị lớn trên thế
giới, chính phủ tại nhiều quốc gia vẫn tiếp tục thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối
với ngành nông nghiệp và thị trường phân bón. Yếu tố này đã hỗ trợ chuỗi cung ứng
nông nghiệp và giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi của nhu cầu phân bón, khiến
cho thị trường phân bón năm 2024 ít dao động thất thường hơn so với những năm
trước và so với các loại hàng hóa khác.
Nhưng quang cảnh địa chính trị đã trở nên ngày càng bất ổn
khi bước sang năm 2025, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức nhiệm kỳ 2
và cam kết sẽ thực hiện những thay đổi sâu rộng trong chính sách đối ngoại cũng
như quan hệ với các cường quốc khác. Đặc biệt, quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc
và Nga cùng với cách tiếp cận mới của Mỹ về các vấn đề môi trường có khả năng sẽ
mang lại những tác động lớn đối với thị trường phân bón quốc tế.
Trong khi đó, tình hình kinh tế của người nông dân vẫn tiếp
tục là yếu tố quyết định lượng phân bón được tiêu thụ, tuy nhiên nông dân Ấn Độ
và châu Mỹ La tinh hiện nay nhìn chung tỏ ra lạc quan hơn so với nông dân châu
âu và Bắc Mỹ về triển vọng lợi nhuận vụ mùa tới.
Tình hình và triển vọng tiêu thụ
phân bón trên thế giới
Báo cáo của IFA cho thấy, sau khi giảm 2 năm liên tiếp
2021-2022 lượng tiêu thụ phân bón (N+P2O5+K2O) toàn cầu đã tăng 4,3% trong năm
2023 và tăng 2,5% trong năm 2024.
Những thay đổi về giá phân bón và sức mua của người nông
dân là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm và phục hồi trong tiêu thụ phân
bón toàn cầu. Trong thời gian từ giữa năm 2021 đến giữa năm 2022, giá phân bón
trên thế giới đã tăng mạnh hơn giá phần lớn nông sản, khiến cho sức mua phân
bón của người nông dân giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến lượng tiêu thụ phân
bón. Nhưng trong thời gian từ giữa năm 2022 đến giữa năm 2023, xu hướng ngược lại
đã diễn ra: Giá phân bón giảm nhanh hơn giá phần lớn nông sản, nhờ đó sức mua
phân bón của người nông dân và lượng tiêu thụ phân bón được cải thiện rõ rệt. Từ
giữa năm 2023, sức mua phân bón của người nông dân chỉ thay đổi nhẹ, nhưng có sự
phân hóa lớn đối với các loại phân bón khác nhau. Một mặt, giá phân kali và
phân đạm vẫn duy trì ở mức tương đối thuận lợi so với giá nông sản (đặc biệt là
phân kali đối với cây lấy dầu và phân đạm đối với cây lúa), trong khi đó sức
mua phân lân tiếp tục giảm do sự hồi phục một phần của giá phân lân.
Bên cạnh đó, tiêu thụ phân bón cũng được hỗ trợ nhờ các
biện pháp trợ giá của chính phủ các nước, đặc biệt đối với các sản phẩm phân đạm
như urê.
Do những thay đổi của xu hướng giá và những khác biệt
trong mức hỗ trợ của chính phủ đối với các sản phẩm phân bón khác nhau nên những
dao động trong lượng tiêu thụ phân bón không trải đều ở tất cả các chất dinh dưỡng.
Lượng tiêu thụ phân đạm năm 2021 đã giảm 3% xuống 109 triệu
tấn, sau đó ổn định trong năm 2022 và hồi phục lên 114 triệu tấn trong năm
2023. Đây là loại phân bón quan trọng thiết yếu cho năng suất cây trồng và được
một số chính phủ trợ giá vì lý do đảm bảo an ninh lương thực. Trong khi đó, lượng
tiêu thụ phân lân và phân kali đã giảm đáng kể trong thời gian dài hơn, vì đây
là 2 loại phân bón ít quan trọng hơn trong ngắn hạn đối với sự tăng trưởng của
ngũ cốc và không được các chính phủ trợ giá nhiều. Lượng tiêu thụ P2O5 giảm
2,4% trong năm 2021 và tiếp tục giảm 7,4% năm 2022, đạt 44,2 triệu tấn, trong
khi đó lượng tiêu thụ K2O giảm 5% năm 2021 và giảm 10,7% năm 2022, đạt 34,3 triệu
tấn. Năm 2023, tiêu thụ phân lân và phân kali đều hồi phục mạnh (đạt 46,6 triệu
tấn P2O5 và 37 triệu tấn K2O), nhưng sang năm 2024 những khác biệt trong sức
mua của người nông dân đã khiến cho tiêu thụ phân lân tăng trưởng chậm lại (đạt
47 triệu tấn P2O5), đồng thời tiêu thụ phân kali tăng mạnh hơn (đạt 39,6 triệu
tấn). Năm 2025, tốc độ tăng trưởng trong tiêu thụ 2 loại phân bón này dự kiến
cũng sẽ phân hóa, trong đó tiêu thụ phân kali sẽ tăng trưởng chậm còn tiêu thụ
phân lân tăng trưởng mạnh hơn.
Theo IFA, nếu so sánh triển vọng tiêu thụ phân bón toàn cầu
năm 2025 với những mức tiêu thụ kỷ lục đã đạt được năm 2020, tiêu thụ phân đạm
năm nay dự kiến sẽ cao hơn 4%, đạt 116 triệu tấn N, tiêu thụ phân kali sẽ cao
hơn 1%, đạt 41 triệu tấn K2O, còn tiêu thụ phân lân sẽ thấp hơn 2%, đạt 48 triệu
tấn P2O5.
Châu Á là động lực tăng trưởng
cho tiêu thụ phân bón
Trong thời gian 2023-2025, khu vực đóng vai trò động lực chính cho tiêu thụ phân bón toàn cầu là Đông Á (chiếm 26%), tiếp theo là Nam Á (19%), châu Mỹ La tinh (19%), Đông Âu - Trung Á (16%). Khu vực Đông Á đóng góp 48% trong sự tăng trưởng của tiêu thụ phân kali và 19% trong sự tăng trưởng của tiêu thụ phân đạm, nhưng lại góp phần làm chậm lại tăng trưởng tiêu thụ phân lân. Nam Á là khu vực đóng góp chính cho sự tăng trưởng trong tiêu thụ phân đạm (chiếm 25%) và phân lân (chiếm 37%). Khu vực Đông Âu - Trung Á đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của tiêu thụ phân đạm (chiếm 20%) và phân lân (chiếm 23%), đồng thời đóng góp 8% cho sự tăng trưởng của tiêu thụ phân kali.
Tăng trưởng tiêu thụ phân đạm tập
trung ở châu Á và khu vực Đông Âu - Trung Á
Châu Á và khu vực Đông Âu - Trung Á chiếm tỷ lệ lớn trong
lượng tăng trưởng tiêu thụ phân đạm dự báo ở mức 4 triệu tấn thời gian
2023-2025. Trên thực tế, 5 quốc gia đóng vai trò lớn nhất (chiếm tỷ lệ 54%)
trong tăng trưởng tiêu thụ phân bón toàn cầu là Ấn Độ (gần 1 triệu tấn N), Nga
(gần 0,5 triệu tấn N), Trung Quốc, Inđônêxia và Ucraina. Ở 4 nước đứng đầu
trong số đó, nhờ chương trình hỗ trợ của các chính phủ nên phần lớn nông dân có
thể mua phân bón với giá thấp hơn giá trên thị trường quốc tế.
Tại Ấn Độ, chính phủ đã hỗ trợ mạnh mẽ người nông dân mua
phân urê bằng cách đặt ra mức giá trần trong bán lẻ là 268 rupi/50 kg, thấp hơn
nhiều giá quốc tế và không thay đổi trong 10 năm qua.
Tại Trung Quốc, sau cuộc khủng hoảng COVID-19 và để đối
phó với tình hình sản lượng không tăng ở một số loại lúa, chính phủ đã tăng cường
các mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực. Một trong những kết quả thu được là diện
tích trồng ngô đã được mở rộng, giúp tăng lượng tiêu thụ phân đạm. Hơn nữa,
chính phủ đã thực hiện các chính sách nhằm ngăn tăng giá phân bón trong nước bằng
cách kiểm soát xuất khẩu urê và MAP/DAP từ cuối năm 2021. Sau một số năm giảm
tiêu thụ phân đạm do chính sách trong nước nhằm vào mục đích cải thiện hiệu quả
sử dụng phân bón, lượng tiêu thụ phân đạm đã tăng trong năm 2022 và ước tính tiếp
tục tăng trong năm 2024.
Tại Inđônêxia, chính phủ đã khuyến khích mở rộng diện
tích trồng ngô đồng thời trợ giá phân bón (urê và NPK) cho các nông dân nhỏ
canh tác một số loại cây trồng chọn lọc. Năm 2024, chính phủ đã tăng gấp đôi lượng
phân bón được trợ giá, từ 4,7 triệu tấn lên 9,55 triệu tấn, chiếm khoảng 2/3 lượng
phân bón tiêu thụ trong nước.
Tại Nga, các công ty sản xuất phân bón hàng đầu đã tuân
theo các khuyến cáo của chính phủ nhằm giữ giá phân bón ổn định từ năm 2022.
Các nước sản xuất dầu cọ ở Đông Á
dẫn đầu về tiêu thụ K2O
Khu vực Đông Á dự kiến sẽ chiếm một nửa trong mức tăng 10% của tiêu thụ K2O toàn cầu trong thời gian 2023-2025. Trong khu vực, 54% mức tăng trưởng nằm ở các nước sản xuất dầu cọ, 30% ở Trung Quốc và phần còn lại ở các nước Đông Nam Á khác. Nhưng dự kiến một số nước Đông Bắc Á sẽ giảm nhẹ tiêu thụ K2O.
Các quốc gia sản xuất dầu cọ (Inđônêxia và Malayxia) đã
được hưởng lợi trong năm 2024 nhờ giá dầu cọ tăng và giá MOP thấp. Xu hướng đó
ước tính đã giúp tăng 34% (0,8 triệu tấn) tiêu thụ K2O ở những nước này. Dự
báo, tăng trưởng tiêu thụ K2O sẽ tiếp tục trong năm 2025, tuy với tốc độ chậm
hơn do sự tăng trưởng chậm lại của diện tích trồng cọ dầu ở Inđônêxia trong quá
trình chuyển đổi diện tích trồng cao su sang trồng cọ dầu.
Tiêu thụ phân lân tại châu Mỹ La
tinh năm 2024 giảm do sức mua giảm
Tiêu thụ phân lân trên toàn cầu năm 2024 ước tính tăng nhẹ
0,8%. Lượng tiêu thụ phân lân tăng tại các khu vực Đông Âu - Trung Á và Tây -
Trung Âu bị bù trừ một phần với lượng tiêu thụ giảm tại châu Mỹ La tinh, châu Đại
Dương và Đông Á. Theo ước tính, tiêu thụ P2O5 giảm nhiều nhất ở châu Mỹ La
tinh. Năm 2024, nông dân tại đây đã phải đứng trước tình cảnh ngược lại với
nông dân trồng cọ dầu ở Đông Á: Giá đậu tương giảm, trong khi đó giá MAP tăng,
dẫn đến sức mua phân lân của người nông dân giảm. Vì khoảng 2/3 phân lân tiêu
thụ ở Braxin được sử dụng cho cây đậu tương, sức mua yếu của người nông dân trồng
đậu tương đã làm giảm tổng tiêu thụ phân lân. Tình hình tương tự cũng diễn ra đối
với cây ngô, loại cây trồng chiếm 10-15% tiêu thụ phân lân tại đây. Hơn nữa, thời
tiết khô hạn do El Nino đã ảnh hưởng đến thu hoạch đậu tương ở bang Mato Grosso
của Braxin. Mặc dù diện tích gieo trồng lớn hơn, sản lượng đậu tương thực tế ước
tính giảm 6% so với năm trước.
Tiêu thụ phân bón ở khu vực Đông
Âu - Trung Á và châu Phi tăng trưởng nhanh nhất
Trong ngắn hạn, Đông Á là khu vực tạo động lực cho tăng
trưởng tiêu thụ phân bón toàn cầu, nhưng khu vực Đông Âu - Trung Á và châu Phi
dự kiến sẽ là những thị trường năng động nhất, tăng trưởng 15% và 11% tương ứng
trong thời gian 2023-2025.
Sau khi tiêu thụ phân bón ở Ucraina năm 2022 giảm 70% (từ
2,8 triệu tấn xuống 0,9 triệu tấn) do chiến tranh bắt đầu, tiêu thụ phân bón tại
đây đã hồi phục một phần trong năm 2023, đạt 1,5 triệu tấn, ước tính tiếp tục
tăng đến 1,7 triệu tấn trong năm 2024 và tăng đến 1,8 triệu tấn năm 2025. Tuy
nhiên, đây vẫn là mức tiêu thụ thấp hơn thời gian trước năm 2022 (thời gian
2017-2021 đạt trung bình 2,6 triệu tấn/ năm). Tại Nga, tiêu thụ phân bón đã
tăng mạnh trong năm 2022 (tăng 22%, đạt 5,3 triệu tấn), nhưng giảm xuống 4,8
triệu tấn trong năm 2023 do ảnh hưởng của thời tiết. Dự kiến, tiêu thụ phân bón
tại Nga sẽ tăng trưởng ổn định trong các năm 2024 và 2025. Nhìn chung, tiêu thụ
phân bón khu vực Đông Âu - Trung Á năm 2025 được dự báo sẽ trở về mức 11,3 triệu
tấn, tương đương năm 2020.
Tại châu Phi, tiêu thụ phân bón ở Tiểu vùng Sahara sẽ
tăng mạnh hơn so với thị trường đã chín muồi hơn ở Bắc Phi. Dự báo, trong năm
2025 tiêu thụ phân kali cũng như phân lân sẽ đặc biệt mạnh do quá trình chuyển
đổi từ NPS sang DAP ở Ethiopia.