Ngày 2/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về dự thảo Chương trình phát triển ngành Công nghiệp môi trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong bối cảnh chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, công nghiệp môi trường (CNMT) đang được xác định là một trong những ngành kinh tế trọng điểm, có vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực tự chủ công nghệ, cải thiện năng suất và chất lượng tăng trưởng. Đây cũng là lĩnh vực có tiềm năng lớn để thu hút đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ quá trình giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Xây dựng công nghiệp
môi trường thành ngành kinh tế độc lập, có sức cạnh tranh
Theo dự thảo Chương trình, mục tiêu tổng quát là xây dựng
và phát triển CNMT trở thành ngành kinh tế độc lập, có đóng góp quan trọng
trong cơ cấu kinh tế quốc dân. Ngành phải đáp ứng tốt nhu cầu trong nước về bảo
vệ môi trường, đồng thời có khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu về công
nghệ, thiết bị, sản phẩm môi trường.
Một số mục tiêu cụ thể của Chương trình là đến năm
2030, công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành CNMT phải đáp ứng từ 60–80% nhu cầu
trong nước trong các lĩnh vực xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn, chất thải
nguy hại và đo lường môi trường. Tỉ lệ này tăng lên 80–90% vào năm 2035. Ngoài
ra, ngành cần từng bước hình thành thị trường hàng hóa môi trường trong nước,
phát triển năng lực xuất khẩu thiết bị, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.
Một trong những định hướng lớn là lấy doanh nghiệp tư
nhân làm trung tâm, hỗ trợ thông qua các cơ chế ưu đãi về tín dụng xanh, chính
sách thuế, ưu đãi đầu tư, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
trong CNMT. Cùng với đó là các giải pháp đồng bộ về thể chế, tiêu chuẩn – quy
chuẩn kỹ thuật, phát triển thị trường và hạ tầng dữ liệu.
Chương trình nhấn mạnh vai trò của nghiên cứu khoa học,
chuyển giao công nghệ và phát triển sản phẩm mới – nhất là các công nghệ tiên
tiến về xử lý chất thải, tái chế, tiết kiệm năng lượng, sản xuất thông minh.
Các sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học, cảm biến, điều khiển tự động, phần mềm
quản trị thông minh được khuyến khích phát triển và đưa vào sản xuất.
Song song với đó, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
chất lượng cao cho CNMT cũng được coi là giải pháp trọng tâm. Chương trình sẽ
xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nhu cầu nhân lực, tổ chức đào tạo, tập huấn
cho cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp, hình thành đội ngũ chuyên gia có
năng lực tiếp cận công nghệ và thị trường quốc tế.
Góp ý cho dự thảo, các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết
phải xác định đúng và trúng các nhiệm vụ ưu tiên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn
phát triển ngành CNMT; tạo "sân chơi cho doanh nghiệp", có chính sách
ưu đãi thuế, đất đai, giá thuê nhằm tạo động lực thực sự cho doanh nghiệp; hỗ
trợ chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất trong nước và nội địa hóa thiết bị;
chỉ rõ bộ, ngành chủ trì, thời gian thực hiện, kết quả đầu ra bảo đảm khả thi,
có trọng tâm, trọng điểm.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng cần bổ sung các cơ chế, quy định nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực: chi sự nghiệp, đầu tư công, xã hội hóa, ODA, FDI.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành
cho rằng, cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng khu công nghiệp
chuyên về tái chế, công nghệ nước hoặc xử lý rác thải; bổ sung nhóm nhiệm vụ
phát triển công nghiệp xử lý chất thải xây dựng, nông nghiệp và tái chế pin mặt
trời…
Nhấn mạnh vai trò chủ đạo của doanh nghiệp
tư nhân, Phó Thủ tướng lưu ý, những lĩnh vực có chi phí cao, rủi ro lớn hoặc
chưa có doanh nghiệp tư nhân đủ năng lực thì khu vực công cần đi trước mở đường
Hoàn thiện thể chế,
chính sách hỗ trợ doanh nghiệp môi trường
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá
dự thảo Chương trình mới chỉ dừng ở mức định hướng hành động, nội dung còn
chung chung, thiếu định lượng, chưa xác định rõ cơ quan chủ trì, đơn vị thực hiện,
chưa có kế hoạch triển khai cụ thể hay mục tiêu đo lường hiệu quả. Bộ Công
Thương phải rà soát lại cách tiếp cận, xác lập mục tiêu cụ thể và lộ trình triển
khai rõ ràng cho từng giai đoạn phát triển CNMT.
Trước mắt, đến năm 2025, cần xác định rõ ngành CNMT –
bao gồm cả lĩnh vực dịch vụ – phải trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng vai
trò chiến lược trong bảo đảm độc lập, tự chủ khi xử lý các thách thức môi trường
của đất nước, tiến tới xuất khẩu công nghệ, sản phẩm và dịch vụ môi trường.
Mỗi lĩnh vực trong CNMT cần có mục tiêu cụ thể. Đơn cử
như xử lý chất thải đặt chỉ tiêu xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt, chất
thải nguy hại, nước thải đô thị và công nghiệp. Kinh tế tuần hoàn xác định tỷ lệ
tái chế, tái sử dụng trong công nghiệp, xây dựng, khai khoáng. Năng lượng sạch
nêu rõ tỷ lệ ứng dụng trong sản xuất, giao thông, xây dựng. Giám sát môi trường
làm rõ số lượng trạm quan trắc, mức độ tự động hóa, phạm vi bao phủ. Dịch vụ
môi trường hướng đến xây dựng hệ sinh thái đa dạng với sự tham gia của nhiều
thành phần kinh tế.
"Các mục tiêu phải gắn với năng lực công nghệ
trong nước, từ mức nhập khẩu từng phần đến làm chủ hoàn toàn, giảm dần phụ thuộc
vào thiết bị ngoại nhập", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát thể chế,
chính sách đã ban hành, đề xuất bổ sung những quy định còn thiếu. Đặc biệt
trong lĩnh vực thuế và tài chính, cần xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu, thuế
thu nhập doanh nghiệp phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp ngành môi trường; có
cơ chế khuyến khích chuyển giao công nghệ khi đầu tư, ưu đãi khi đáp ứng tiêu
chuẩn; hỗ trợ nghiên cứu – triển khai (R&D), chuyển giao công nghệ, đào tạo
nhân lực cho ngành CNMT, bao gồm cả việc sử dụng các quỹ đã hình thành (quỹ môi
trường, quỹ đổi mới sáng tạo, quỹ khoa học công nghệ...).
Chương trình cũng cần phân vai rõ ràng, giao nhiệm vụ
cụ thể trong nghiên cứu, sản xuất, đầu tư, ban hành tiêu chuẩn – quy chuẩn. Đồng
thời, xác định rõ danh mục công nghệ ưu tiên phát triển giai đoạn 2025–2030, gồm:
Công nghệ điện rác; xử lý nước thải đô thị/công nghiệp; vật liệu xây dựng tái
chế; tái chế chất thải từ năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió); hệ thống
quan trắc môi trường; nhựa sinh học, vật liệu xanh... Mỗi danh mục cần phân
nhóm: nhập khẩu có điều kiện, khuyến khích sản xuất trong nước, bắt buộc chuyển
giao công nghệ.
Nhấn mạnh vai trò chủ đạo của doanh nghiệp tư nhân,
Phó Thủ tướng lưu ý, những lĩnh vực có chi phí cao, rủi ro lớn hoặc chưa có
doanh nghiệp tư nhân đủ năng lực thì khu vực công cần đi trước mở đường – như xử
lý chất thải nguy hại, phát triển vật liệu thân thiện môi trường, quan trắc môi
trường quy mô lớn, công nghệ tái chế rác thải điện gió, điện mặt trời...
Các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng,
xây dựng, công nghiệp cần được giao thực hiện các dự án mẫu về CNMT để làm cơ sở
nhân rộng trên toàn quốc.
Cùng với đó, cần thúc đẩy hợp tác công – tư trong
nghiên cứu và sản xuất sản phẩm mới. Nhà nước hỗ trợ vốn, hạ tầng và đào tạo
nhân lực; doanh nghiệp triển khai thực tế, vận hành, thương mại hóa sản phẩm. Đồng
thời, xây dựng các trung tâm công nghiệp môi trường cấp quốc gia, tập trung
năng lực sản xuất, chuyển giao và đổi mới sáng tạo, thay vì triển khai dàn trải,
nhỏ lẻ, thiếu hiệu quả.
Theo BCP