Vốn dầu tư FDI vào dược phẩm, y tế còn thấp hơn nông nghiệp

Thông tin này được ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ tại Hội thảo "Triển khai Nghị quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược", do Báo Đầu tư tổ chức mới đây.

Theo ông Sử, Việt Nam coi lĩnh vực dược phẩm và chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực khuyến khích đầu tư, thậm chí xem là lĩnh vực xã hội hóa được dành hỗ trợ ở mức cao nhất. Tuy nhiên, vốn FDI vào dược phẩm và y tế còn rất khiêm tốn.


Ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế Hoạch và Đầu tư) chia sẻ tại sự kiện.

Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài dẫn số liệu cho thấy nếu chia theo ngành, hiện nông nghiệp là lĩnh vực thu hút vốn FDI thấp nhất, chiếm chưa đến 4% tổng số lượng vốn FDI rót vào Việt Nam. Nhưng nếu tính theo phân ngành, thì mảng dược phẩm, y tế còn thấp hơn nữa, chỉ 5,5 tỷ USD vào 341 dự án, tương đương 1,3% tổng lượng vốn đâu tư nước ngoài vào Việt Nam.

“Sự quan tâm của doanh ngiệp nước ngoài chưa đúng với nhu cầu thực tế vô cùng lớn trong mảng chăm sóc sực khỏe, dược phẩm của thị trường hơn 100 triệu dân”, ông Đỗ Văn Sử khẳng định.

Theo ông, có nhiều nguyên nhân dẫn tới vấn đề nguồn vốn FDI rót vào mảng dược phẩm, y tế còn thấp. Đầu tiên, dược phẩm, y tế là ngành có sự thay đổi chậm hơn so với các ngành khác. Trước đây 100% lĩnh vực này do Nhà nước sở hữu chi phối, sau đó qua quá trình cổ phần hoá, doanh nghiệp tư nhân mới tham gia vào. Tuy nhiên, doanh nghiệp cổ phần hoá với những con người cũ, tư duy cũ, quy trình cũ nên không thể chuyển hoá nhanh.

Về phía doanh nghiệp từ nhân, họ cũng gặp rào cản lớn trong gia nhập thị trường bởi lĩnh vực dược phẩm, y tế là lĩnh vực cần uy tín cao, đi sau sẽ vấp phải vấn đề niềm tin. Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư cần nhiều nhưng xác suất để phát triển thành công một sản phẩm và có thể đưa ra thị trường là vô cùng thấp.

“Trong 10.000 nghiên cứu chỉ có 1 nghiên cứu thành công; nhưng trong 1 nghiên cứu thành công đó, chỉ có 30% thương mại được. Tỷ lệ sản phẩm dược phẩm ra thị trường thành công còn khó hơn trúng số Vietlot”, ông Đỗ Văn Sử ví von.

Chưa kể, Việt Nam tồn tại những khó khăn từ đấu thầu, kiểm soát dược phẩm, công bố sản phẩm, kiểm nghiệm… gây hạn chế đáng kể cho sự phát triển của ngành dược phẩm, y tế Việt Nam.

Từ góc độ cơ quan phụ trách mảng đầu tư, ông tiết lộ nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng tiếp cận và bày tỏ mong muốn được đầu tư vào doanh nghiệp dược. Nhưng để trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước, họ vấp phải rào cản trong quy trình thoái vốn, định giá. Với các doanh nghiệp tư nhân, vấn đề quản trị là một điều đáng quan ngại bởi văn hóa Á Đông khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp này vẫn quản trị theo phong cách gia đình. Đây là điều tối kỵ với người nước ngoài.

Một mối lo ngại nữa liên quan đến đội ngũ nguồn nhân lực, cụ thể là năng lực tiếp nhận, triển khai công nghệ trong hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Ông Sử cho rằng để quá trình R&D thành công, mỗi doanh nghiệp dược phẩm, y tế đều cần đội ngũ nhân lực đủ chiều sâu, bề dày kinh nghiệm, bởi “băng dày 3 thước không phải do tuyết rơi 1 đêm”. Dù doanh nghiệp FDI bơm vốn vào máy móc thiết bị, nhưng thiếu lực lượng lao động thì vẫn không thể vận hành được.

Giải bài toán hút vốn FDI vào mảng dược phẩm, y tế

Từ vị trí doanh nghiệp, ông Emin Turan, Chủ tịch Pharma Group cho biết trên phạm vi toàn cầu, hoạt động đầu tư vào dược phẩm rất lớn, với tổng đầu tư R&D vào khoảng 1.000 tỷ USD. Để có thể nghiên cứu và đưa ra thị trường những loại thuốc mới, sản phẩm sáng tạo, mỗi công ty dược mất trung bình 15% doanh thu cho hoạt động R&D.

“Đây là lý do các doanh nghiệp dược rất cẩn trọng trong việc đầu tư ra nước ngoài và thực hiện việc chuyển giao công nghệ”, ông Emin Turan giải thích.

 

Ông Emin Turan, Chủ tịch Pharma Group.

Với Việt Nam, so với các nước trong khu vực, Chủ tịch Pharma Group đánh giá lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong mảng thu hút FDI vào ngành dược phẩm, y tế nằm ở 3 điểm chính: Thứ nhất, sự ổn định về chính trị và hạ tầng xã hội; Thứ hai, điểm sáng trong khu vực về phát triển kinh tế, thị trường nội địa tiềm năng và đang phát triển. Thứ ba là sự chủ động hội nhập sâu và rộng, thể hiện qua việc tham gia trên 15 hiệp định thương mại trong đó có những hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA, UKVFTA, CPTPP,…

Gần đây, Việt Nam cũng đặt công nghiệp sinh học (tập trung vào gen, dược phẩm và các chế phẩm sinh học) thành một trong những ngành mũi nhọn để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với lợi thế của ngành dược phẩm phát minh và hơn 25 năm kinh nghiệm hợp tác trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam, đại diện Pharma Group đề xuất chương trình thực hiện Nghị quyết cần tập trung cải cách thể chế, xây dựng mục tiêu cụ thể là rút ngắn thời gian tiếp cận thuốc mới của người dân, cũng như đưa ra cơ chế tài chính y tế linh hoạt, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.

Đồng thời, việc phát triển ngành dược phẩm, y tế phải dựa trên nền tảng khoa học, với lộ trình kiến tạo một hệ sinh thái phát triển lành mạnh dựa trên cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, hội nhập sâu và rộng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dược Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Trước mắt, ông Emin Turan đề xuất thành lập một ban chỉ đạo quốc gia do Phó thủ tướng phụ trách đứng đầu nhằm xây dựng các kế hoạch hành động, triển khai các định hướng tại Nghị quyết 29 trong lĩnh vực y dược. Ban chỉ đạo này cần có sự tham gia của đại diện tất cả các bên và sẽ sẽ xây dựng lộ trình sửa đổi, xây dựng các chính sách nhằm thực hiện các mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn.

“Căn cứ vào kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh, chúng tôi có niểm tin mạnh mẽ rằng, đây là bước đi đầu tiên và quan trọng nhất trong việc hiện thực hóa các định hướng nêu tại Nghị quyết 29”, đại diện Pharma Group khẳng định.

Theo BĐT