Với kim ngạch xuất khẩu điện tử đạt 134,5 tỷ USD năm 2024 và xu hướng tăng trưởng mạnh trong 2025, cùng sự hiện diện ngày càng lớn của các trung tâm R&D như Qualcomm, NVIDIA và chiến lược phát triển bán dẫn đến 2030, Việt Nam đang trở thành điểm đến ưu tiên của các tập đoàn công nghệ toàn cầu.
Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn
Giám đốc Thương mại RX Tradex Việt Nam Trần Hồng Quân
cho biết, trong bối cảnh địa chính trị và công nghệ toàn cầu biến động, Việt
Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất điện tử – bán dẫn chiến lược của
khu vực châu Á.
“Việt Nam hiện đang là quốc gia đứng thứ 5 thế giới về
xuất khẩu thiết bị điện tử, máy tính và linh kiện và đứng thứ 2 thế giới về xuất
khẩu điện thoại và linh kiện. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử đạt
hơn 134,5 tỷ USD, đóng góp hơn 1/3 vào tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia” – ông
Quân nói.
Giám đốc Thương mại RX Tradex Việt Nam cho biết thêm,
chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu ngành tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt
hơn 60,8 tỷ USD, tăng hơn 39% so với cùng kỳ năm trước, giúp ngành tiếp tục giữ
vững vị thế là ngành mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế xuất khẩu.
Đặc biệt, việc Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển
công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn 2050 là bước đi quyết đoán giúp thúc
đẩy nội lực – từ đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực nội địa hóa cho đến chủ động
trong nghiên cứu và sản xuất công nghệ lõi.
Giám đốc Thương mại RX Tradex Việt Nam Trần
Hồng Quân
Tuy nhiên, đằng sau các con số ấn tượng là những thách
thức thực tế: 100% giá trị xuất khẩu điện thoại đến từ FDI nhưng 80% linh kiện
vẫn phải nhập khẩu; hơn 90% nhà cung ứng cấp 1 là doanh nghiệp nước ngoài; khả
năng R&D trong nước còn hạn chế, và Việt Nam chủ yếu vẫn đóng vai trò lắp
ráp.
"Những thách
thức đó cũng cho thấy, đây là thời điểm bản lề để Việt Nam chuyển mình – từ một
trung tâm lắp ráp sang một quốc gia sản xuất có chiều sâu"
- ông Quân nhận định.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên ban chấp hành, Hiệp
hội Doanh nghiệp Điện tử (VEIA) - Phó Chủ tịch, Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ
(VASI), điện tử là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm
hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2024, đạt 126,7 tỷ USD.
Trong đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của
Việt Nam với ngành điện tử có tỷ trọng xuất khẩu sang nước này lên tới hơn 40%
trong một số phân khúc. Trung Quốc là nguồn cung nguyên liệu lớn nhất, chiếm tới
80% linh kiện và nguyên liệu cho ngành điện tử Việt Nam.
Riêng năm 2024, xuất khẩu máy và thiết bị điện tử, thu
âm của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 41,7 tỷ USD, chiếm 34,9% tổng kim ngạch xuất khẩu
của Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Theo giới phân tích, bối cảnh hiện nay là cơ hội để Việt
Nam tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đẩy mạnh chuyển đổi số và mở rộng thị trường
thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) và thương mại điện tử xuyên biên
giới.
Tuy nhiên theo bà Hương, thuế quan cao từ Hoa Kỳ có thể
làm tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam. Giá nguyên liệu tăng,
chi phí sản xuất cũng tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của
doanh nghiệp.
Mặt khác, thuế quan có thể làm tăng chi phí logistics
do các doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn cung thay thế, hoặc thay đổi tuyến đường
vận chuyển để tránh thuế. Điều này có thể dẫn đến thời gian vận chuyển dài hơn
và chi phí vận chuyển cao hơn.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên ban chấp
hành, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử (VEIA) - Phó Chủ tịch, Hiệp hội Công nghiệp
Hỗ trợ (VASI)
Do đó bà Hương khuyến nghị, các doanh nghiệp cần đa dạng
thị trường xuất khẩu, tận dụng 17 FTA mà Việt Nam đã ký với gần 70 nền kinh tế,
để giảm phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ. Đồng thời nghiên cứu các thị trường tiềm
năng như Ấn Độ, Trung Đông hoặc châu Phi; đầu tư vào nghiên cứu thị trường và
xây dựng thương hiệu tại các thị trường mới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tái cơ cấu sản
xuất và nâng cao giá trị gia tăng. Theo đó, cần đầu tư vào công nghệ và sản phẩm
xanh, chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững như sử dụng năng lượng tái tạo, vật
liệu thân thiện môi trường để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của Hoa Kỳ và các thị
trường phát triển; điều này cũng sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh nếu Hoa Kỳ áp
thêm rào cản phi thuế quan.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất các mặt
hàng có giá trị gia tăng cao như linh kiện bán dẫn, sản phẩm AI, hoặc thiết bị
y tế, vốn nằm trong ưu tiên hợp tác của Hoa Kỳ với Việt Nam...
M-TALKS là sự kiện mở đầu chuỗi hội thảo chuyên ngành
của Triển lãm NEPCON Vietnam 2025. Đây là triển lãm quốc tế về ngành điện tử, sẽ
diễn ra từ 10 – 12/9 tại Trung tâm Triển lãm I.C.E Hà Nội. Với chủ đề "Hội
tụ công nghệ – Nâng tầm điện tử Việt", sự kiện do RX Tradex Việt Nam tổ chức
dự kiến quy tụ hơn 300 thương hiệu toàn cầu, thu hút khoảng 10.000 khách tham
quan thương mại đến từ hơn 30 quốc gia.
Triển lãm sẽ trưng bày công nghệ mới nhất đến từ các
thương hiệu điện tử hàng đầu trong các lĩnh vực công nghệ gắn kết bề mặt (SMT),
bán dẫn, cảm biến, kiểm tra quang học, lắp ráp mạch in…
Cũng trong khuôn khổ triển lãm sẽ diễn ra Cuộc thi Hàn
tay điện tử; chuỗi hội thảo chuyên sâu cùng các hoạt động kết nối doanh nghiệp
và tham quan nhà máy.
Với danh mục ngành hàng đa dạng và cập nhật, NEPCON Vietnam 2025 mang đến cơ hội cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tiếp cận những xu hướng công nghệ đang định hình lại ngành công nghiệp điện tử toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) ngày càng được tích hợp sâu vào dây chuyền sản xuất.
Theo TCTG