Theo ông Nils Poel, Trưởng bộ phận Chính sách Thị trường tại Hiệp hội các nhà cung cấp ô tô Châu Âu (CLEPA), các nhà cung cấp tại Châu Âu đã nhận đủ số giấy phép xuất khẩu để tránh tình trạng gián đoạn diện rộng từng được cảnh báo trước đó. Dù vậy, vẫn còn hàng trăm giấy phép đang chờ được phê duyệt.

Ông cho biết tốc độ cấp phép hiện đang "tăng nhanh", đã đạt khoảng 60% so với chỉ 25% trước đó. Tuy nhiên, những trường hợp mà người dùng cuối ở Mỹ hoặc sản phẩm đi qua các nước thứ ba như Ấn Độ lại mất nhiều thời gian hơn hoặc không được ưu tiên.

“Nhìn chung, đánh giá hiện tại là hoạt động sản xuất sẽ vẫn được duy trì trong tháng 7/2025 và tác dộng sẽ ở mức có thể kiểm soát được. Ngoài ra, một vài dây chuyền sản xuất có thể bị ảnh hưởng, nhưng hiện tại chúng tôi vẫn tránh được điều đó”, ông Poel nhận định.

Trong một sự kiện tại Colorado diễn ra ngày 27/6, Giám đốc điều hành Ford – ông Jim Farley cho biết công ty đã buộc phải dừng hoạt động một số nhà máy trong ba tuần qua do thiếu hụt nam châm đất hiếm, nhưng không tiết lộ chi tiết.

Volkswagen xác nhận với Reuters rằng nguồn cung linh kiện đất hiếm của họ vẫn ổn định, trong khi hãng Stellantis cho biết đã xử lý được các vấn đề cấp bách liên quan đến sản xuất.

Hồi tháng 4/2025, Trung Quốc bắt đầu hạn chế xuất khẩu bảy loại đất hiếm và nam châm liên quan sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp thuế quan. Đến nay, vẫn còn nhiều điều chưa rõ về cách Bắc Kinh sẽ thực thi hệ thống cấp phép xuất khẩu vốn phức tạp này.

Nam châm đất hiếm được chế tạo từ sự kết hợp của 17 nguyên tố trong nhóm đất hiếm, và công thức pha trộn sẽ quyết định hiệu suất sử dụng. Những loại nam châm hiệu suất cao thường dùng trong xe điện, tua-bin gió và máy bay chiến đấu, trong khi loại hiệu suất thấp được sử dụng trong thiết bị điện tử dân dụng và đồ gia dụng.

Tuy nhiên, trang thông tin của hải quan Trung Quốc chỉ liệt kê một mã duy nhất cho tất cả các loại nam châm đất hiếm, mặc dù các loại này có sự khác biệt về thành phần hóa học và mục đích sử dụng.

Kể từ khi các biện pháp hạn chế có hiệu lực, xuất khẩu nam châm đất hiếm từ Trung Quốc đã giảm khoảng 75%, khiến một số dây chuyền sản xuất ô tô tại Châu Á, Châu Âu và Mỹ phải tạm dừng.

Theo số liệu hải quan nước này, xuất khẩu nam châm vĩnh cửu của Trung Quốc đã giảm mạnh 51% trong tháng 4/2025 – tháng đầu tiên sau khi lệnh hạn chế có hiệu lực – xuống còn 2.626 tấn. Trong quý I/2025, Trung Quốc đã xuất khẩu tổng cộng 15.267 tấn.

Trong đợt thắt chặt xuất khẩu vào tháng 4/2025, Trung Quốc chỉ dừng xuất khẩu một số loại nam châm hiệu suất cao, trong khi vẫn cho phép xuất khẩu loại hiệu suất thấp. Dù vậy, có ít nhất hai lô hàng vẫn bị hải quan từ chối thông quan do tất cả đều dùng chung một mã số hàng hóa, thông tin từ Reuters cho biết.

Tháng 5/2025, Tập đoàn Bosch, nhà sản xuất phụ tùng ô tô và thiết bị gia dụng Châu Âu, cho biết tình trạng tắc nghẽn trong nguồn cung đất hiếm – nguyên liệu thiết yếu cho cả động cơ điện và hàng tiêu dùng – đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của họ. Các nhà cung cấp phải cung cấp lượng thông tin chi tiết lớn để xin giấy phép xuất khẩu. Tuy nhiên, không phải tất cả doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng. Đại diện của Electrolux và Smeg xác nhận với Reuters rằng hoạt động xuất khẩu của họ vẫn diễn ra bình thường.

Vào thứ Năm (26/6), Chính quyền Tổng thống Mỹ cho biết hai nước đã đạt được một thỏa thuận nhằm đẩy nhanh quy trình phê duyệt xuất khẩu đất hiếm, song không công bố chi tiết Trung Quốc cũng xác nhận hai bên đã thống nhất các điều khoản trong cuộc gặp tại London đầu tháng, với mục tiêu tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến đất hiếm, đồng thời cam kết xử lý giấy phép xuất khẩu theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, cả hai bên đều không đề cập thay đổi nào trong hệ thống cấp phép hiện hành.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Scott Bessent, nói với Fox Business Network rằng theo thỏa thuận vừa công bố, việc xuất khẩu đất hiếm từ Trung Quốc sang Mỹ sẽ được đẩy nhanh cho tất cả doanh nghiệp từng có lịch sử nhập khẩu định kỳ.

“Tôi tin tưởng rằng nguồn cung nam châm sẽ được nối lại”, ông Bessent phát biểu.

Chỉ hai tuần trước, ngành ô tô từng ở trong tình trạng khủng hoảng toàn diện, nhưng hiện tại nhịp độ cấp phép của Trung Quốc đã nhanh hơn, và nguy cơ gián đoạn đột ngột đã giảm đi, theo lời một giám đốc điều hành tại một nhà cung cấp ô tô lớn của Mỹ và một nguồn tin nội bộ trong chuỗi cung ứng của một hãng xe Châu Âu.

Một quan chức Châu Âu giấu tên tiết lộ với Reuters rằng Trung Quốc hiện chỉ cấp giấy phép ở "mức tối thiểu" cho các công ty Châu Âu để tránh tình trạng dừng sản xuất.

Tại Mỹ, Giám đốc điều hành hãng sản xuất nam châm Dexter Magnetic Technologies - nhà cung ứng cho cả lĩnh vực quốc phòng - cho biết chỉ nhận được 5 trong số 180 giấy phép xin cấp kể từ tháng 4/2025, và các giấy phép này chỉ dành cho lĩnh vực phi quốc phòng.