Theo báo
cáo mới nhất của Công ty kiểm toán KPMG về “Đánh giá các tác động kinh tế và
xã hội của ngành dược phẩm phát minh đối với Việt Nam” thì trong ngành công
nghiệp dược phẩm, dược phẩm phát minh ước tính đã đóng góp 1,16 tỷ USD vào GDP
năm 2021, cùng với tốc độ tăng trưởng hằng năm có thể lên đến 10% trong thời
gian tới. Con số này bao gồm 350 triệu USD giá trị được tạo ra trực tiếp, cộng
thêm 410 triệu USD đóng góp gián tiếp thông qua các giao dịch giữa các doanh
nghiệp với nhau, như chi tiêu cho nguyên liệu thô, hoạt động hậu cần, bán hàng
và tiếp thị. Khoảng 400 triệu USD còn lại được ghi nhận thông qua các chi tiêu
của người lao động trong ngành này.
Với hiện
trạng thiếu thuốc chữa bệnh hiện nay, vai trò của ngành dược phẩm phát minh
càng đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt, sau những tác động của đại dịch
Covid-19, trong khi các quốc gia khác vẫn đang phải nỗ lực khắc phục hậu quả,
thì Việt Nam đang có cơ hội để khẳng định vị thế trở thành trung tâm phát triển
dược phẩm phát minh tại khu vực Đông Nam Á, từ đó khai phá những giá trị về
kinh tế và xã hội cho người dân nói chung và nền công nghiệp dược phẩm nói
riêng.
Đối với ngành dược phẩm nói chung, ngày 12/3/2021, Chính phủ đã ra Quyết định: Phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, xác định ngành dược phẩm là ngành công nghiệp chủ chốt trong việc phát triển kinh tế và tạo ra phúc lợi cho người dân trong tương lai. Các mục tiêu chính trong chương trình bao gồm: “Đến năm 2025: Thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 10% so với năm 2020; đến năm 2030: Thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 30% so với năm 2020; và đến năm 2045: Tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD”.
Để đạt được những mục tiêu đó, Chính phủ đã ban hành nhiều mục tiêu kinh tế vĩ mô và mục tiêu ngành trong Nghị quyết số 02/NQ-CP; Chiến lược Quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 68/ QĐ-TTg); và Phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam (Quyết định số 1092/QĐ-TTg). Theo Nghị quyết số 02/NQ-CP4, Chính phủ đặt mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh trong nước và khả năng cạnh tranh để lọt vào nhóm bốn quốc gia hàng đầu ASEAN.
Để hiện thực
hóa tiềm năng tăng trưởng của ngành dược phẩm nói chung, ngành dược phẩm phát
minh nói riêng và đạt được các mục tiêu cả trong ngắn hạn và dài hạn, các lãnh
đạo công ty trong ngành dược phẩm đều cho rằng việc đầu tư vào thị trường Việt
Nam có nhiều triển vọng tích cực. Tuy nhiên, việc thiếu tầm nhìn rõ ràng về sự
phát triển ngành và một khuôn khổ nhất quán hoạt động tầm quốc gia đã khiến việc
thuyết phục nhà đầu tư và các bên liên quan về các cơ hội mở rộng hoạt động và
đầu tư tại Việt Nam thêm khó khăn. Trong đó, những hoạt động trọng tâm mang
tính thách thức là: thử nghiệm lâm sàng, tài chính y tế, tiếp cận dược phẩm
phát minh, chính sách cho các nhà sản xuất trong nước và việc chuyển giao công
nghệ, hợp tác công - tư, đăng ký thành lập pháp nhân, giáo dục và phát triển
nguồn nhân lực, chương trình hỗ trợ bệnh nhân.
Giải quyết
những thách thức trọng yếu này sẽ hỗ trợ Chính phủ đạt được mục tiêu của Chiến
lược quốc gia. Những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt không phải là duy
nhất và đã được các quốc gia khác trải qua ở các giai đoạn phát triển tương tự
trên khắp thế giới. Theo báo cáo của KPGM, trên toàn cầu, một số nước với mức
thu nhập trung bình đã ưu tiên phát triển ngành dược như một phần của chiến lược
phát triển quốc gia. Các quốc gia này phần lớn được phân thành hai nhóm chính dựa
vào nguồn vốn sử dụng cho việc phát triển là nhóm “Dựa trên nguồn lực trong nước”
và nhóm “Dựa trên vốn FDI”. Và Việt Nam được đánh giá là có những đặc điểm
tương tự như các quốc gia thuộc nhóm “Dựa trên FDI”, có thể học tập kinh nghiệm
từ ba quốc gia có thị trường dược phẩm phát triển là Singapore, Hàn Quốc và
Ireland.
Đây là ba
thị trường “Dựa trên vốn FDI” thành công có đặc tính chung như sau: Tầm nhìn quốc
gia: Ưu tiên ngành công nghiệp dược phẩm trong lộ trình phát triển quốc gia;
Khuôn khổ pháp lý nhất quán: có khuôn khổ pháp lý, quy định chung và các tổ chức
chuyên ngành để thu hút đầu tư nước ngoài và bảo đảm kiểm soát chất lượng; Cơ
chế tài trợ trung ương: cung cấp vốn để hỗ trợ nghiên cứu và phát triển để cải
tiến ngành y tế; Thành lập các cụm tổ chức và tăng cường hợp tác: thúc đẩy sự hợp
tác giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức nghiên cứu và
giáo dục đại học; Giáo dục và đào tạo liên tục: Tăng cường kiến thức cho đội
ngũ dược sĩ và nguồn nhân lực lành nghề để tăng cường năng lực trong nước. Tham
khảo và thực hiện hóa được những bài học từ các quốc gia này, Việt Nam có thể
phát triển ngành dược nội địa một cách vượt bậc.
Riêng đối
với ngành dược phẩm phát minh, nếu phát triển thành công sẽ tăng thêm 26,8-99,3
tỷ USD sản lượng trong năm 2045. Trong đó, Chính phủ, ngành và bệnh nhân đều nhận
được nhiều lợi ích.
Đối với bệnh
nhân: Được tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế và dược phẩm phát
minh; được tiếp cận nhiều hơn các chương trình hỗ trợ bệnh nhân; dịch vụ y tế
cũng được cải thiện qua tăng cường các dược phẩm phát minh nhằm đáp ứng các nhu
cầu hiện hữu.
Đối với
ngành dược phẩm: Được tăng cường năng lực nguồn nhân lực y tế thông qua các hoạt động
giáo dục y khoa thường xuyên, bao gồm các phương pháp điều trị mới; ngành dược
phẩm trong nước có tiềm năng đóng góp thêm vào GDP; tăng số lượng công ty khởi
nghiệp trong ngành.
Đối với
Chính phủ: Về hợp tác công - tư, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có thể bảo đảm
bền vững hệ thống tài chính y tế; trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra 199.500 đến
609.000 việc làm trong năm 2045; tăng cường nghiên cứu và phát triển trong nước,
thu hút hơn 2-5% đầu tư nghiên cứu phát triển từ các công ty dược phẩm phát
minh; thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài và tăng lượng thuế thu được từ các
công ty nước ngoài; về thử nghiệm lâm sàng sẽ thúc đẩy GDP thông qua vốn FDI, đồng
thời trở thành trung tâm phát minh trong khu vực thông qua thử nghiệm lâm sàng.
Từ những lợi
ích tiềm năng của ngành dược phẩm phát minh, KPMG đưa ra 6 đề xuất, trong đó
trọng yếu nhất là đề xuất thiết lập một khuôn khổ pháp lý toàn diện và thành lập
các bộ phận hỗ trợ chuyên ngành. Cụ thể, những vấn đề cần giải quyết bao gồm:
Thiết lập thể chế và lực lượng chuyên trách để phát triển ngành dược. Gia tăng
quyền hạn cho lực lượng hiện tại để đáp ứng cho sự phát triển của ngành; Quy định
pháp luật nhất quán và có khả năng tiên liệu nhằm tạo điều kiện cho các doanh
nghiệp đưa ra các quyết định quan trọng trong quá trình hiện thực hóa tiềm năng
phát triển của quốc gia; Tập trung vào việc phát triển chất lượng ổn định cho
dược phẩm hơn là sản lượng thành phẩm; Tăng cường tính hiệu quả của các thủ tục
hành chính; Xây dựng khuôn khổ pháp lý rõ ràng và chi tiết hơn về hình thức đối
tác công - tư và cuối cùng là Tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Theo NDĐTTN