Mới đây, Tổ
chức Thương mại thế giới (WTO) cho biết khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu
bất ngờ giảm 1,2% trong năm 2023.
Thương mại
toàn cầu năm 2023 giảm chủ yếu do hoạt động tại khu vực châu Âu thấp hơn kỳ vọng,
giá năng lượng và lạm phát duy trì ở mức cao trong thời gian dài làm giảm nhu cầu
hàng hóa sản xuất, nhà Kinh tế trưởng của WTO, Ralph Ossa cho hay.
Dù vậy,
WTO tin tưởng thương mại hàng hóa toàn cầu đang bắt đầu hồi phục, một phần nhờ
lạm phát đã chậm lại.
Tổ chức
này cũng dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng vừa phải trong 2 năm tới,
lần lượt đạt tốc độ tăng trưởng 2,6% và 2,7% trong các năm 2024 và 2025.
Cùng với
đó, khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu cũng tăng 2,6% năm 2024 và 3,3% năm
2025. Như vậy, mức dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2024 mới được WTO
đưa ra thấp hơn so với mức 3,3% mà tổ chức này dự báo hồi tháng 10/2023.
Tổng giám
đốc WTO, Ngozi Okonjo-Iweala cho biết: "Trao đổi thương mại toàn cầu đang
có những tiến bộ trong quá trình phục hồi, nhấn mạnh những điều kiện quan trọng
là phải giảm thiểu những nguy cơ như cạnh tranh địa chính trị và phân mảnh
thương mại".
Tình hình
thế giới năm 2024 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tăng trưởng
kinh tế thế giới vẫn duy trì ở mức độ thấp.
Theo IMF,
tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 dự kiến đạt 3,1% tương đương với mức tăng
trưởng năm 2023; Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn năm 2023 nhưng đang từng
bước cải thiện; Nhật Bản tăng trưởng không được như năm 2023 và chưa thấy có sự
cải thiện trong những tháng gần đây.
Dòng vốn đầu
tư nước ngoài vẫn không tăng mạnh nhưng vẫn tiếp tục dịch chuyển sang các nước
châu Á, trong đó có Việt Nam.
Tuy vậy,
thương mại hàng hóa tiếp tục bị ảnh hưởng nặng hơn bởi căng thẳng Biển Đỏ, tuyến
thương mại quan trọng, vận chuyển 12% khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu,
kéo dài từ tháng 11/2023 và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Từ cuối
năm 2023, do xung đột tại khu vực Biển Đỏ, nhiều hãng tàu đã phải thay đổi tuyến
đường, không đi qua Kênh đào Suez mà phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng, làm cho
hành trình tàu kéo dài từ 10 -15 ngày so với trước.
Số liệu của
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chỉ trong hai tháng đầu năm, hoạt động thương mại
trên kênh đào Suez đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Các cuộc tấn công của
lực lượng Houthi lên tàu hàng trên Biển Đỏ làm giảm lưu lượng tàu thuyền đi qua
kênh đào Suez.
Sự suy yếu
của thương mại toàn cầu đang tác động tới các ngành công nghiệp ở khắp mọi quốc
gia, từ các nhà sản xuất smartphone và máy móc thiết bị cho tới các lĩnh vực dịch
vụ khác, làm trầm trọng thêm một cuộc suy thoái sản xuất đang bao trùm lên những
khu vực rộng lớn của nền kinh tế toàn cầu.
Theo BĐT