Trong một chương của cuốn Giám sát tài chính chuẩn bị ra mắt sắp tới, IMF cho biết các chính sách công nghiệp có thể thúc đẩy đổi mới nếu được thực hiện tốt, nhưng cũng cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến những sai lầm khiến chi phí tài chính tăng cao và tác động tiêu cực lan tỏa ở các quốc gia khác.

Theo bà Era Dabla-Norris - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chia sẻ, việc các quốc gia tập trung chủ yếu vào trợ cấp và giảm thuế có thể gây ra rủi ro, do chi phí tài chính cao, nguy cơ bị lợi ích đặc biệt nắm bắt và có thể phân bổ sai nguồn lực. Các chính sách phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài cũng có thể gây ra sự trả đũa, tạo ra những rạn nứt địa kinh tế.

Trong chương tài liệu này, các quan chức IMF kêu gọi các quốc gia toàn cầu áp dụng kết hợp các chính sách rộng rãi hơn để hỗ trợ đổi mới, bao gồm tài trợ công cho nghiên cứu cơ bản, tài trợ cho các hoạt động R&D cho các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và ưu đãi thuế để khuyến khích đổi mới ứng dụng trên phạm vi rộng hơn.

Theo IMF, việc tăng chi tiêu công cho nghiên cứu cơ bản thêm khoảng 0,5 điểm phần trăm tổng sản phẩm quốc nội hàng năm có thể thúc đẩy tăng GDP lên tới 2% và giảm tỷ lệ nợ trên GDP của một quốc gia đối với một nền kinh tế phát triển trung bình trong 8 năm tới.

IMF chỉ ra 1 số sáng kiến ​​công nghiệp gần đây được thực hiện bởi 1 số quốc gia phát triển, ví dụ có thể kể tới như Mỹ áp dụng các biện pháp nhằm tài trợ cho nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn trong nước, kế hoạch của Liên minh Châu Âu hướng tới trung hòa khí hậu và các sáng kiến ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Bà Dabla-Norris cho biết các chính phủ đã thay đổi dần việc tài trợ cho R&D công sang tăng trợ cấp cho nghiên cứu tư nhân trong những thập kỷ gần đây đã tăng gần gấp 3 lần. Mặc dù sự thay đổi này không chuyển thành tăng năng suất nhưng nó cho thấy nhu cầu ưu đãi thuế dễ tiếp cận rộng rãi hơn và tạo ra nhiều lợi ích cho các công ty lớn nếu đầu tư vào các chương trình này. Bà Dabla-Norris chia sẻ trong 1 buổi phỏng vấn : “Nếu chúng ta muốn có nhiều nghiên cứu ứng dụng hơn, chúng ta cần đảm bảo rằng các ưu đãi thuế sẽ trở nen dễ tiếp cận hơn đối với nhiều công ty chứ không chỉ giới hạn ở các công ty có quy mô lớn đã thành lập và hoạt động lâu dài trên thị trường, sử dụng các loại ưu đãi thuế này để củng cố sức mạnh thị trường của họ và dẫn đến khả năng cản trở sự đổi mới được thực hiện bởi các công ty khác”.

IMF trước đó đã cảnh báo vào tháng 1 vừa qua, rằng tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu thấp hơn đáng kể so với mức trung bình lịch sử, một tình huống trở nên trầm trọng hơn bởi nhiều hạn chế thương mại mới.

Bà Dabla-Norris cho biết IMF sẽ đưa ra một báo cáo riêng về cách tiếp cận tài chính đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vào tháng 5 tới đây.

Bà cho biết các quốc gia có nền công nghệ kém phát triển hơn nên tập trung nhiều vào các chính sách thúc đẩy phổ biến công nghệ được phát triển ở các quốc gia đi trước bằng cách tăng đầu tư cho đào tạo nhân lực, cơ sở hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế số. Bà Dabla-Norris nhấn mạnh: “Việc thu hẹp khoảng cách với các nền kinh tế tiên tiến thực sự có thể dẫn đến chuyển giao công nghệ nhanh hơn, áp dụng nhiều hơn các công nghệ hiện có và thúc đẩy mức tăng trưởng cao hơn khoảng 2% trong trung hạn đối với các quốc gia kể trên”.

Theo RT