Quân đội Hoàng gia Thái Lan và Bộ Quốc phòng Campuchia cùng đưa ra những tuyên bố riêng về tình hình xung đột biên giới giữa hai nước sáng 24-7.
Thái Lan tố
Campuchia tấn công khu vực dân sự và bệnh viện
Quân đội Thái Lan cập nhật liên tục tình hình trên
trang chính thức mạng xã hội X. Các tuyên bố nêu:
"Ngày 24-7-2025, khoảng 7h35, lực lượng đặc nhiệm phụ trách khu vực đền Ta Muen báo cáo nghe thấy tiếng máy bay không người lái (drone) của Campuchia bay vòng quanh phía trước đền Ta Muen. Mặc dù không thể quan sát thấy máy bay bằng mắt thường nhưng âm thanh nghe rất rõ ràng.
Sau đó, lực lượng Campuchia đưa vũ khí vào phía trước
hàng rào dây thép gai. Quan sát thấy 6 quân nhân Campuchia, được trang bị đầy đủ
vũ khí, bao gồm cả vũ khí RPG, tiếp cận khu vực dây thép gai phía trước căn cứ
tác chiến của Thái Lan.
Hình ảnh quân đội Thái Lan chia sẻ, khẳng
định là hiện trường cuộc tấn công sáng 24-7 của Campuchia vào khu vực dân sinh
của Thái Lan - Ảnh: X/THAI ROYAL ARMY
Lực lượng Thái Lan đã sử dụng biện pháp đàm phán bằng
lời thông qua loa phóng thanh để tránh xung đột và ngăn chặn tình hình leo
thang, đồng thời duy trì cảnh giác dọc theo toàn bộ tuyến biên giới để chuẩn bị
cho mọi diễn biến.
Tuy nhiên, khoảng 8h20, lực lượng Campuchia đã nổ súng
về phía khu vực đối diện căn cứ tác chiến ở phía đông đền Ta Muen, cách đó khoảng
200m. Hiện tại các đơn vị liên quan của Quân đội Hoàng gia Thái Lan đang theo
dõi sát sao tình hình. Nếu có thông tin bổ sung, sẽ tiếp tục báo cáo tiến triển".
Trong một thông cáo khác, Quân đội Hoàng gia Thái Lan
cáo buộc lực lượng Campuchia sử dụng hai rocket BM-21 bắn vào khu vực dân sinh
tại Trung tâm Phát triển khu vực biên giới ở huyện Kab Choeng, tỉnh Surin lúc
9h40.
Bangkok khẳng định vụ việc khiến 3 dân thường bị
thương. Lực lượng Thái Lan đã lập tức sơ tán dân khỏi khu vực.
Tờ Bangkok Post dẫn lời Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết
quân đội Campuchia đã tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào khu vực dân sự trên
lãnh thổ Thái Lan, bao gồm cả một bệnh viện, gây ra nhiều thương vong.
Thái Lan đã kêu gọi Campuchia chấm dứt ngay các hành động
mà nước này cho là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Bộ Ngoại giao Thái Lan nêu rõ: "Thái Lan sẵn sàng
tăng cường các biện pháp tự vệ nếu Campuchia tiếp tục các hành động tấn công vũ
trang và xâm phạm chủ quyền của Thái Lan".
Thái Lan hiện đang nâng mức cảnh báo an ninh tại khu vực
biên giới.
Campuchia tuyên bố
bảo lưu quyền tự vệ
Trưa cùng ngày, Bộ Quốc phòng Campuchia ra thông cáo
chính thức về vụ việc.
Thông cáo nêu rõ: "Khoảng 6h30 sáng 24-7, phía
Thái Lan đã vi phạm thỏa thuận bằng cách leo lên đền Taman Thom và lén vượt qua
khu vực chân đền.
Lúc 7h04, Thái Lan triển khai drone trong 2 phút. Đến
8h30, họ nổ súng.
Lúc 8h46, quân đội Thái Lan tấn công trước vào lực lượng
Campuchia tại đền Taman Thom, đồng thời mở rộng tấn công sang đền Ta Krabey,
khu vực Phnom Khmouch và Moum Bei. Họ cũng sử dụng máy bay chiến đấu, thả hai
quả bom gần lối vào chùa Keo Sikha Kiri Svara.
Ngay sau đó, lúc 8h47, lực lượng vũ trang Campuchia buộc
phải sử dụng quyền tự vệ trong phạm vi chủ quyền của mình để đáp trả hành động
xâm lược".
Phnom Penh chỉ trích việc Thái Lan dùng vũ khí hạng nặng
và triển khai quân đông nhằm "chiếm đất Campuchia", cho rằng đây là
hành vi vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN và các nguyên tắc
cơ bản của luật pháp quốc tế.
Campuchia kêu gọi Thái Lan dừng các hành động quân sự,
rút quân về biên giới và không làm căng thẳng leo thang.
Dẫn Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc, Campuchia
khẳng định bảo lưu "quyền hợp pháp trong việc tự vệ" và sẽ đáp trả mạnh
mẽ trước hành vi nghiêm trọng từ phía Thái Lan.
Phía Campuchia cũng nhấn mạnh cam kết giải quyết tranh
chấp bằng các biện pháp hòa bình thông qua kênh pháp lý và ngoại giao.
Quân đội hai nước
kêu gọi không chia sẻ hình ảnh quân sự
Quân đội hai nước kêu gọi người dân không chia sẻ
thông tin, hình ảnh liên quan đến hoạt động quân sự.
Phía Thái Lan cho biết: "Quân đội Hoàng gia Thái
Lan đề nghị truyền thông và người dân hợp tác, không ghi hình, quay video hay
lan truyền bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc di chuyển binh lực, khí tài
hoặc phương tiện quân sự quy mô lớn. Điều này bao gồm cả việc tiết lộ địa điểm
hay tuyến đường di chuyển qua các kênh truyền thông đại chúng và trực tuyến
trên toàn quốc".
Phía Campuchia cũng nhấn mạnh: "Bộ Quốc phòng kêu gọi nhà báo và người dùng mạng xã hội không chia sẻ thông tin, hình ảnh hoặc video không rõ nguồn gốc, đặc biệt là nội dung liên quan đến hoạt động quân sự, căn cứ, việc di chuyển quân đội và các loại vũ khí".
Thủ tướng Hun
Manet gửi thư lên Liên hợp quốc
Trưa 24-7, Thủ tướng Campuchia Hun Manet gửi thư lên Hội
đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đề nghị triệu tập phiên họp khẩn về diễn biến xung đột
với Thái Lan.
Trong thư, ông chỉ trích các hành động từ phía Thái
Lan và khẳng định quân đội Campuchia buộc phải "đáp trả tự vệ" để bảo
vệ chủ quyền quốc gia.
Ông Hun Manet dẫn lại bối cảnh lịch sử, cho rằng
"căng thẳng biên giới và các cuộc giao tranh vũ trang vẫn kéo dài giữa
Campuchia và Thái Lan, dù hai bên đã có nhiều văn kiện quốc tế liên quan đến
lãnh thổ từ đầu thế kỷ 20".
Theo BTTr