Tuy nhiên, đằng sau sự phát triển nhanh chóng của thị trường này là những tranh cãi về hiệu quả thực tế trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu I-REC có thực sự “xanh” hay chỉ là một cách làm đẹp số liệu carbon.
I-REC là gì và vì sao trở thành xu hướng?
Chứng chỉ Năng lượng Tái tạo Quốc tế (International
Renewable Energy Certificate, I-REC) là một công cụ thị trường nhằm chứng nhận
nguồn gốc điện năng được sản xuất từ các nguồn tái tạo như mặt trời, gió, thủy
điện[1].
Mỗi I-REC đại diện cho 1 megawatt-giờ (MWh) điện tái tạo
đã được đưa vào lưới điện, kèm theo thông tin chi tiết như công nghệ sản xuất,
vị trí, thời gian vận hành và công suất lắp đặt - đảm bảo tính minh bạch và
truy xuất nguồn gốc[2].
Hệ thống I-REC được xây dựng dựa trên các chuẩn mực của
thị trường Chứng chỉ Năng lượng Tái tạo (REC) tại Bắc Mỹ và hệ thống Guarantees
of Origin (GoO) tại châu Âu, hiện đang được áp dụng tại hơn 60 quốc gia[3]. Cơ
chế vận hành bao gồm đăng ký nhà máy tái tạo với một Tổ chức Phát hành, nộp dữ
liệu sản xuất định kỳ, xác minh bởi bên thứ ba, sau đó phát hành chứng chỉ vào
sổ đăng ký điện tử.
Doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến I-REC vì hai lý do chính. Nghị định thư Khí nhà kính (GHG Protocol) công nhận
I-REC là công cụ hợp lệ để chứng minh tiêu thụ điện tái tạo trong báo cáo phát
thải Phạm vi 2[4].
Nhiều thành viên của sáng kiến RE100 - nơi các doanh nghiệp
cam kết sử dụng 100% điện tái tạo - đang sử dụng I-REC như bằng chứng thực hiện
cam kết. Theo báo cáo thường niên RE100 năm 2023, sáng kiến này đã vượt 400
thành viên vào năm 2022, với tổng lượng điện tiêu thụ tăng 105TWh, đạt 481TWh,
chiếm 1.7% sản lượng điện toàn cầu[5].
Tuy nhiên, I-REC chủ yếu phản ánh thông tin trên giấy tờ,
không đảm bảo rằng người mua thực sự sử dụng điện tái tạo tại thời điểm tiêu thụ.
Hầu hết giao dịch I-REC chỉ khớp giữa sản xuất và tiêu thụ theo năm tài chính,
dẫn đến hiện tượng “xanh hóa sổ sách” nhưng không phản ánh thực trạng cường độ
carbon biến động theo thời gian.
Ví dụ, năng lượng tái tạo dư thừa vào ban ngày nhưng khan hiếm vào buổi tối có thể dẫn đến tiêu thụ điện từ nhiên liệu hóa thạch mà vẫn được “ghi nhận” là sạch nếu chỉ dựa vào I-REC. Điều này dấy lên tranh luận trong giới chuyên gia về sự cần thiết của một phương pháp kế toán carbon theo thời gian thực - để phản ánh đúng hiệu quả giảm phát thải và tránh hiện tượng “greenwashing” bằng chứng chỉ[6].
I-REC có giúp giảm phát thải thật sự?
Một trong những câu hỏi quan trọng nhất về I-REC là liệu
chúng có thực sự giúp giảm phát thải khí nhà kính hay không. Theo Carbon Market
Watch, có những lo ngại nghiêm trọng về việc sử dụng chứng chỉ năng lượng tái tạo
(RECs) như một công cụ "rửa xanh" (greenwashing)[7], bên cạnh đó họ
cũng chỉ ra rằng nhiều công ty sử dụng RECs để tuyên bố trung hòa carbon mà
không thực sự giảm phát thải.
Một vấn đề cốt lõi là đa số chứng chỉ I-REC không kèm
theo cam kết giảm phát thải cụ thể hoặc không có đồng thời tiêu chí "bổ
sung tính mới" (additionality)[8]. Điều này có nghĩa là việc mua I-REC
không nhất thiết dẫn đến xây thêm công suất năng lượng tái tạo mới, mà có thể
chỉ đơn giản là mua chứng chỉ từ các dự án năng lượng tái tạo đã tồn tại. Theo
một nghiên cứu được trích dẫn bởi Carbon Market Watch, hai loại tín chỉ bù trừ
phổ biến nhất (tránh phá rừng và tín chỉ năng lượng tái tạo), chiếm khoảng 2/3 thị
trường, đều có liên quan đến những thiếu sót lớn về chất lượng[9].
Rủi ro "greenwashing" xuất hiện khi doanh nghiệp
vẫn sử dụng điện lưới từ nhiên liệu hóa thạch nhưng báo cáo là 100% tái tạo nhờ
mua I-REC. Theo Reccessary, một vấn đề với RECs không gắn liền (unbundled RECs)
là việc khai thác quá mức thuộc tính môi trường. RECs có thể được sử dụng để
phóng đại mức độ mà các công ty đang giảm carbon hóa việc sử dụng năng lượng của
họ. Vấn đề phát sinh vì năng lượng tái tạo đã làm giảm phát thải lưới điện khi
nó được tạo ra, nên tuyên bố giảm phát thải của các công ty khi mua REC có thể
là thừa[10].
Các chuyên gia cảnh báo rằng I-REC chủ yếu là "công
cụ kế toán", không làm thay đổi thực tế cơ cấu sản xuất điện. Theo
Industry Decarbonization, vấn đề tính đôi (double counting) của năng lượng xanh
gần đây đã dẫn đến việc đình chỉ chứng chỉ điện tái tạo từ Iceland.
Đơn cử tại Iceland, nơi sử dụng gần 100% điện tái tạo từ thủy điện và năng lượng địa nhiệt. Iceland "xuất khẩu" phần lớn điện tái tạo của mình thông qua bảo đảm nguồn gốc, mặc dù không có sự xuất khẩu năng lượng vật lý nào đang diễn ra vì Iceland có lưới điện biệt lập. Đồng thời, các công ty sử dụng nhiều năng lượng tại Iceland, chủ yếu là các nhà sản xuất nhôm, tiêu thụ trực tiếp thủy điện và năng lượng địa nhiệt, tuyên bố rằng họ được cung cấp bởi 100% điện tái tạo. Cùng một nguồn điện tái tạo được tính hai lần[11].
Theo Science Based Targets initiative (SBTi), cả hai
phương pháp kế toán phát thải - theo vị trí (location-based) và theo thị trường
(market-based) - đều quan trọng và bổ trợ lẫn nhau trong báo cáo Phạm vi 2. Tuy
nhiên, SBTi ngày càng lo ngại việc nhiều doanh nghiệp sử dụng các công cụ có
tác động thấp, như mua chứng chỉ, để giảm phát thải trên sổ sách mà không tạo
ra thay đổi thực tế. Để giải quyết, SBTi đang phối hợp với GHG Protocol nhằm
tăng cường minh bạch và xem xét cập nhật tiêu chí kế toán Phạm vi 2 trong tương
lai[12].
Một vấn đề khác liên quan đến tính minh bạch và truy xuất
nguồn gốc. Theo EPA, tính đôi (còn được gọi là "tuyên bố kép") xảy ra
khi hai bên khác nhau tuyên bố cùng một lợi ích môi trường từ cùng một nguồn điện
xanh được tạo ra.
Tính đôi có thể xảy ra khi nhiều bên được bán cùng một
REC, khi một tiện ích tính cùng 1MWh tái tạo hoặc RECs để đáp ứng các yêu cầu
tiêu chuẩn danh mục đầu tư tái tạo (RPS) và như một giao dịch trong chương
trình định giá xanh tự nguyện của nó, hoặc khi chủ hệ thống năng lượng mặt trời
tuyên bố đang sử dụng điện tái tạo, trong khi đồng thời, một bên khác đang mua
theo hợp đồng các RECs liên quan đến đầu ra của hệ thống năng lượng mặt trời[13].
Thực tiễn sử dụng I-REC toàn cầu và ở Việt Nam
Trên phạm vi toàn cầu, các tập đoàn lớn đang dần chuyển từ
việc sử dụng I-REC sang các hình thức mua năng lượng tái tạo trực tiếp hơn.
Theo BloombergNEF, các công ty trên toàn cầu đã công bố 46GW hợp đồng mua bán
điện (PPA) năng lượng mặt trời và gió trong năm 2023, tăng 12% so với năm trước[14].
Con số này đại diện cho mức cao kỷ lục trong một năm dương lịch và thị trường
PPA toàn cầu đã tăng trưởng khoảng 1/3 trung bình kể từ năm 2015.
Amazon là đơn vị mua năng lượng sạch doanh nghiệp lớn nhất
thế giới trong bốn năm liên tiếp, công bố 8.8GW PPA trên 16 quốc gia, bao gồm
5.6GW PPA năng lượng mặt trời. Amazon được theo sau bởi Meta, công bố 3.1GW
PPA, tất cả đều là năng lượng mặt trời. BloombergNEF cho biết, các công ty có mục
tiêu năng lượng sạch 100% theo sáng kiến RE100 sẽ cần thêm 105 GW năng lượng mặt
trời và gió vào năm 2030[15].
Một xu hướng mới nổi là "24/7 Carbon-Free
Energy" (CFE), đảm bảo rằng điện sạch đang được sử dụng trong thời gian thực,
từng giờ một, phản ánh chính xác hơn việc giảm phát thải thực tế. Các phương
pháp kế toán truyền thống hàng năm hoặc hàng tháng có thể che giấu các giai đoạn
khi nhiên liệu hóa thạch vẫn đang cung cấp năng lượng cho hoạt động, trong khi
khớp chi tiết khớp chính xác việc tiêu thụ điện với sản xuất tái tạo trên cơ sở
hàng giờ - hoặc thậm chí dưới giờ. Mức độ chính xác này giúp các tổ chức tránh
greenwashing và củng cố tuyên bố giảm carbon của họ[16].
Tại Việt Nam, thị trường chứng chỉ năng lượng tái tạo
(REC) đang phát triển. Theo DataMintelligence, thị trường chứng chỉ năng lượng
tái tạo Việt Nam ước tính mở rộng từ 9.1 triệu USD vào năm 2024 lên 50.6 triệu
USD vào năm 2032, phản ánh tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 20.7%
(2025-2032)[17]. Sự phát triển này được thúc đẩy bởi nỗ lực mạnh mẽ của Việt
Nam hướng tới năng lượng tái tạo, các chính sách Chính phủ thuận lợi và cam kết
bền vững doanh nghiệp ngày càng tăng.
Các công ty đa quốc gia tại Việt Nam mua RECs để đáp ứng
các mục tiêu bền vững. Các công ty như Nike và BAT Vietnam đã tích hợp RECs vào
hoạt động của họ để đạt được mục tiêu 100% điện tái tạo. Nike đã mua 4,070 RECs
vào năm 2023, củng cố vai trò của Việt Nam như một trung tâm chuỗi cung ứng
xanh toàn cầu. Tương tự, Shizen Energy Inc. đã đăng ký nhiều cơ sở năng lượng
tái tạo theo khuôn khổ I-REC, cho phép các doanh nghiệp phù hợp với các tiêu
chuẩn toàn cầu như RE100 và CDP[18].
Tuy nhiên, việc sử dụng I-REC tại Việt Nam cũng đối mặt với
nhiều thách thức. Theo GreenUP, mặc dù thị trường I-REC ở Việt Nam đang phát
triển, nhưng vẫn có các rào cản về quy định và chính sách. Các chính sách hỗ trợ
của Chính phủ nếu không nhất quán và thay đổi trong quy định có thể gây ra rủi
ro cho các khoản đầu tư dài hạn[19].
Một lo ngại khác là việc "trốn tránh đầu tư thực sự"
vào năng lượng sạch khi doanh nghiệp lạm dụng I-REC giá rẻ. Theo Reccessary,
ngoài rủi ro greenwashing, RECs không gắn liền cũng dễ bị mất ổn định nguồn
cung, từ đó tạo ra biến động giá. Lợi nhuận từ RECs thường được thu hoạch bởi
các trung gian giữa nhà sản xuất và khách hàng cuối, thay vì các cơ sở sản xuất[20].
I-REC sẽ đi về đâu? Giải pháp thay thế là gì?
Tương lai của I-REC và các cơ chế chứng chỉ năng lượng
tái tạo đang phát triển theo hướng nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải
trình và hiệu quả thực tế. Một trong những xu hướng nổi bật là chuyển từ cơ chế
khớp điện tái tạo theo năm sang “24/7 Carbon-Free Energy” (CFE) - đảm bảo sử dụng
điện sạch theo từng giờ trong ngày[21].
Theo AES, mục tiêu mới là cung cấp 100% năng lượng không
carbon, 24 giờ mỗi ngày, tại đúng nơi có nhu cầu tiêu thụ. Google là doanh nghiệp
tiên phong, đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ vận hành toàn bộ cơ sở bằng điện sạch
theo thời gian thực[22]. Tuy mục tiêu này chưa thể triển khai đại trà, nhưng đã
mở đường cho các mô hình giám sát minh bạch hơn.
EnergyTag, chương trình toàn cầu đầu tiên theo dõi điện
tái tạo gần như theo thời gian thực. 6 dự án thử nghiệm tại nhiều quốc gia đang
chứng minh cách tiếp cận mới giúp người tiêu dùng tin rằng điện họ sử dụng thực
sự xanh, đồng thời phát tín hiệu thị trường để đẩy mạnh sản xuất điện sạch suốt
ngày đêm[23].
Ngoài ra, công nghệ blockchain cũng đang được ứng dụng để
tăng tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc của I-REC. Theo GreenUP, blockchain
giúp giảm thiểu rủi ro gian lận và tăng độ tin cậy của hệ thống giao dịch chứng
chỉ năng lượng[24].
Đối với Việt Nam, một cách tiếp cận cân bằng có thể là kết
hợp I-REC với các chính sách thực chất hơn. Theo Vu Phong Energy Group, các
doanh nghiệp có thể tiến tới 100% năng lượng tái tạo với các mô hình hợp đồng
mua bán điện (PPA) linh hoạt và giao dịch I-REC. Mô hình hợp tác PPA cho phép
các doanh nghiệp sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái chất lượng cao mà không
cần đầu tư trước. Điều này giúp giải quyết thách thức dòng tiền cho doanh nghiệp,
vì họ chỉ cần trả tiền cho năng lượng mặt trời với mức giá thấp hơn EVN (Điện lực
Việt Nam). Qua đó ổn định chi phí năng lượng và giảm rủi ro biến động giá thị
trường[25].
Ngoài ra, sau khi các nhà máy đã thực hiện các hoạt động
giảm phát thải khí nhà kính, chẳng hạn như phát triển hệ thống điện mặt trời áp
mái thông qua mô hình PPA, bất kỳ lượng tiêu thụ năng lượng còn lại từ lưới điện
quốc gia có thể được bù đắp thông qua giao dịch I-RECs (Chứng chỉ Thuộc tính
Năng lượng) được công nhận bởi nhiều tổ chức quốc tế.
Theo CEBI, động lực tăng trưởng chính của năng lượng tái
tạo tại Việt Nam đến từ khối doanh nghiệp thương mại và công nghiệp (C&I),
chiếm tới 60% tổng điện tiêu thụ toàn quốc. Các tập đoàn đa quốc gia như Nike,
Meta, hay những thành viên của RE100 và SBTi đang thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu điện
sạch cho chuỗi cung ứng. Tính đến 2024, tại Việt Nam đã có 19 công ty nằm trong
SBTi dashboard và ít nhất 20 thành viên quốc tế của RE100 đang tích cực tham
gia thị trường năng lượng tái tạo nội địa[26].
Tương lai của I-REC sẽ phụ thuộc vào việc cải thiện hệ thống
chứng nhận và tích hợp với các giải pháp công nghệ, tài chính và chính sách quốc
gia. Nếu được quản lý minh bạch và hành động thực tế, I-REC sẽ là công cụ kế
toán carbon, và là một phần quan trọng của quá trình chuyển đổi năng lượng tại
Việt Nam và toàn cầu.
VT
[1] https://www.ecohz.com/i-recs
[2] https://www.cnerg.net/resources/market-guides/how-i-rec-works
[3] https://redex.eco/about-i-rec/
[4] https://www.ecohz.com/i-recs
[5] https://www.ecohz.com/blog/learnings-re100-2023-report
[6] https://www.granular-energy.com/insights/energytag-granular-certificates
[7] https://carbonmarketwatch.org/wp-content/uploads/2023/02/CMW_CCRM2023_PolicyRecommendations.pdf
[8]
https://carbonmarketwatch.org/wp-content/uploads/2023/02/CMW_CCRM2023_PolicyRecommendations.pdf
[9]
https://www.reccessary.com/en/research/tips-purchasing-unbundled-renewable-energy-certificates-southeast-asia
[10]
https://www.reccessary.com/en/research/tips-purchasing-unbundled-renewable-energy-certificates-southeast-asia
[11]
https://industrydecarbonization.com/news/double-counting-and-other-problems-with-green-electricity-certificates.html
[12]
https://sciencebasedtargets.org/blog/addressing-the-challenges-of-scope-2-emissions-reporting
[13]
https://www.epa.gov/green-power-markets/double-counting
[14] https://www.pv-magazine.com/2024/02/14/corporate-ppas-hit-record-high-in-2023-says-bloombergnef/
[15]
https://www.pv-magazine.com/2024/02/14/corporate-ppas-hit-record-high-in-2023-says-bloombergnef/
[16]
https://energytag.org/turning-24-7-carbon-free-energy-vision-into-reality-taiwan-steps-toward-sub-hourly-matched-t-recs/
[17]
https://www.datamintelligence.com/research-report/vietnam-renewable-energy-certificate-market
[18]
https://www.datamintelligence.com/research-report/vietnam-renewable-energy-certificate-market
[19] https://greenup.asia/vietnam-irec-market-overview/
[20]
https://www.reccessary.com/en/research/tips-purchasing-unbundled-renewable-energy-certificates-southeast-asia
[21] https://www.aes.com/247
[22] https://www.aes.com/247
[23] https://www.granular-energy.com/insights/energytag-granular-certificates
[24] https://greenup.asia/vietnam-irec-market-overview/
[25]
https://vuphong.com/100-use-of-renewable-energy-is-it-easy-or-difficult-for-businesses/
[26]
https://cebi.org/wp-content/uploads/2024/03/CEBI-Global-Vietnam-Market-Assessment-Report-Deck.pdf