Thông tin tại hội thảo “Xu hướng và công nghệ mới trong ngành thực phẩm chế biến” diễn ra ngày 26/5, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, giá trị sản xuất của ngành sản xuất chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng 19,1% trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam. Đây là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thể hiện tầm quan trọng của ngành trong việc đảm bảo nhu cầu lương thực của người dân cũng như đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Ngoài ra, tỷ trọng giá trị sản xuất cao cho thấy ngành sản xuất, chế biến thực phẩm có nhiều thế mạnh với nhiều thương hiệu lớn, có uy tín, thị trường ổn định và có khả năng cạnh tranh cao so với các doanh nghiệp nước ngoài và còn nhiều dư địa cho sự phát triển.

Đặc biệt, sau khi các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết đi vào hiệu lực, ngành sản xuất chế biến thực phẩm sẽ được mở ra một thị trường tiêu dùng và đầu tư rộng lớn hơn. Do đó, để nhanh chóng nắm bắt được cơ hội, cũng như tăng khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư mạnh thiết bị, công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm.


Theo ông Tuấn, thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất chế biến thực phẩm không nhiều (chiếm gần 01% tổng số doanh nghiệp cả nước) nhưng đây lại là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, có tiềm năng phát triển rất lớn tại Việt Nam, chiếm khoảng hơn 20% doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hàng năm.

Chia sẻ về tiềm năng xuất khẩu của ngành thực phẩm chế biến nói chung và xuất khẩu rau quả nói riêng nhờ ứng dụng công nghệ trong bảo quản sau thu hoạch, Tiến sĩ Lê Minh Hùng, Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Giảng viên bán cơ hữu Khoa Công nghệ Thực phẩm Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn cho biết, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2022 đạt 3,34 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu rau quả tươi, đông lạnh đạt 2,32 tỷ USD; rau quả chế biến đạt 1,014 tỷ USD. Tỷ trọng xuất khẩu rau quả chế biến trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả từ 26% trong năm 2021 (923 triệu/3,52 tỷ USD) đã tăng lên đạt 30,4% năm 2022 (1,014 tỷ /3,34 tỷ USD). Qua đó, cho thấy tiềm năng rất lớn đối với ngành thực phẩm chế biến của Việt Nam, đồng thời có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Nguyện, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thức ăn và sau thu hoạch Thủy sản (APOTEC) - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 nhấn mạnh, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 ước đạt kỷ lục khoảng 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 22,2% so kế hoạch, trong đó các sản phẩm thủy sản từ nuôi trồng chiếm 65-70%, sản phẩm hải sản khai thác chiếm 30-35% tổng giá trị kim ngạch. Cả nước có trên 847 nhà máy chế biến đảm bảo An toàn thực phẩm, trong đó 692 nhà máy có mã xuất khẩu đi châu Âu. Số lượng này lớn hơn 1,4-4,0 lần so với các nước Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia.

Tại hội nghị, vấn đề nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu để giữ vững thị trường truyền thống và mở rộng sang các thị trường mới, nhất là trong điều kiện yêu cầu về chất lượng gạo của các quốc gia nhập khẩu ngày càng cao cũng được các doanh nghiệp quan tâm.

Ông Võ Công Thức, Giám đốc Chất lượng Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, thời gian qua, công ty đã phối hợp với một số địa phương triển khai mô hình “Mặt ruộng không dấu chân”. Ðây là mô hình cải tiến quy trình sản xuất nhằm tiết giảm lượng giống sử dụng (giảm 30%), lượng phân và thuốc sử dụng giảm 20% thông qua việc đồng bộ cơ giới hóa. Khi triển khai, nông dân sẽ được đào tạo toàn bộ quy trình giúp giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên đồng ruộng nhưng vẫn bảo đảm năng suất, đồng thời nâng cao chất lượng nông sản đầu ra cho nên rất thuận lợi trong khâu tiêu thụ và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.

Theo BHQ