Cụ thể, 2
tháng đầu năm có 405 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tăng 55,2%
so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt gần 3,6 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với cùng
kỳ năm ngoái. Cùng với đó, có 159 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư,
tăng 19,5% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 442,1 triệu. Góp vốn,
mua cổ phần có 367 lượt dự án, tổng giá trị vốn góp đạt hơn 255,4 triệu USD.
Vốn thực
hiện của dự án đầu tư nước ngoài 2 tháng đầu năm ước đạt khoảng 2,8 tỷ USD,
tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI, có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư như Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hưng Yên.
“Riêng 10
địa phương này đã chiếm 74,3% số dự án mới và 81,7% số vốn đầu tư của cả nước
trong 2 tháng đầu năm 2024”, Cục Đầu tư nước ngoài cho hay.
Hai tháng
đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 38 tỉnh, thành phố trên cả nước
trong 2 tháng đầu năm 2024; trong đó, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng
ký gần 914,4 triệu USD, chiếm 21,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 24,4 lần so
với cùng kỳ năm 2023. Quảng Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn
471,1 triệu USD, chiếm gần 11% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là
Thái Nguyên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh…
Các nhà đầu
tư nước ngoài đã đầu tư vào 16 trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân; trong
đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần
2,54 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 16,8% so với cùng kỳ.
Ngành hoạt
động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,41 tỷ USD,
chiếm 32,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp hơn 3,5 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo
lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ
với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 125,2 triệu USD và gần 76,4 triệu USD...
Đã có 48
quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024;
trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,08 tỷ USD, chiếm 48,5% tổng
vốn đầu tư, gấp hơn 2,1 lần so với cùng kỳ 2023; Hong Kong (Trung Quốc) đứng thứ
hai với gần 525,7 triệu USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư, gấp gần 5,1 lần so với
cùng kỳ; tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc…
Các đối
tác đầu tư lớn nhất trong 2 tháng đầu năm đều là các đối tác truyền thống của
Việt Nam và đến từ châu Á. Riêng 5 nước dẫn đầu là Singapore, Hong Kong (Trung
Quốc), Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đã chiếm tới 77% số dự án đầu tư mới và gần
85,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Đầu tư mới
tăng mạnh cả về số dự án lẫn tổng vốn đăng ký. Với mức tăng 55,2% về số dự án
và một số dự án lớn có quy mô vốn đầu tư hàng trăm triệu USD được đăng ký mới,
tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 2 tháng đầu năm 2024 gấp hơn 2 lần so với
cùng kỳ 2023 và tăng 36,9 điểm phần trăm so với tháng 1/2024.
Xuất khẩu
của khu vực đầu tư nước ngoài 2 tháng đầu năm 2024 tăng mạnh so với cùng kỳ và
so với tháng 1/2024. Khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu trên 8,9 tỷ USD kể cả
dầu thô và xuất siêu trên 8,6 tỷ USD không kể dầu thô, bù đắp phần nhập siêu
4,29 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, là bệ đỡ giúp cả nước xuất
siêu khoảng 4,63 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm.
Tính lũy kế
đến tháng 2/2024, cả nước có 39.553 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký
473,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước
đạt gần 300 tỷ USD, bằng gần 63,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Theo TTXVN