Theo số liệu
từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2023, tổng
vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng
32,1% so với cùng kỳ.
Vốn thực
hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với
năm 2022. Đây là mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay.
Cục Đầu tư
nước ngoài cho biết, trong tổng vốn đăng ký hơn 36,6 tỷ USD, thì vốn đăng ký mới
đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ. Số dự án đăng ký mới cũng đạt
3.188 dự án, tăng 56,6%. Như vậy, cả dự án mới và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh.
Đây là một điểm rất đáng ghi nhận.
Ngoài vốn
đăng ký mới, năm 2023 cũng ghi nhận 1.262 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu
tư (tăng 14% so với cùng kỳ), với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 7,88 tỷ USD
(giảm 22,1% so với cùng kỳ).
Trong khi
đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn mua cổ phần đạt hơn 8,5 tỷ USD, tăng 65,7% so
với cùng kỳ. Nhờ quy mô vốn góp tăng nên dù lượt giao dịch góp vốn, mua cổ phần
trong năm 2023 chỉ đạt 3.451 lượt, giảm 3,2% so với cùng kỳ, nhưng vốn góp lại
tăng cao.
Theo Cục Đầu
tư nước ngoài, vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tập trung nhiều vào các tỉnh,
thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (có cơ sở hạ tầng tốt,
nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong
công tác xúc tiến đầu tư…), như TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh Bắc Giang, Thái
Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai. Riêng 10 địa phương này
đã chiếm tới 78,6% số dự án mới và 74,4% số vốn của cả nước trong năm 2023.
Năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 39,9% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với cùng kỳ.
Các ngành
sản xuất, phân phối điện; tài chính - ngân hàng xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn
đăng ký đạt lần lượt hơn 2,37 tỷ USD (tăng 4,9%) và gần 1,56 tỷ USD (gấp gần 27
lần). Còn lại là các ngành khác.
Xét về đối
tác, trong năm 2023, đã có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt
Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 6,8 tỷ USD, chiếm
18,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 5,4% so với cùng kỳ 2022; Nhật Bản đứng
thứ hai với gần 6,57 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư, tăng 37,3% so với
cùng kỳ. Hồng Kông đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,68 tỷ USD, chiếm
gần 12,8% tổng vốn đầu tư, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ. Trung Quốc, Hàn Quốc,
Đài Loan... đứng ở các vị trí tiếp theo.