Để đáp ứng
nhu cầu xuất nhập khẩu và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), đơn vị hải quan
quản lý trên địa bàn cũng cần có sự chuyển đổi về mô hình cho phù hợp.
Đòn bẩy
cho Xuất nhập khẩu
Theo Quy
hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, tầm
nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ và Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển
Đông Nam Bộ của Bộ Giao thông vận tải, cảng biển Đồng Nai được quy hoạch là cảng
biển loại 1, gồm khu bến cảng Long Bình Tân (sông Đồng Nai); khu bến cảng Phú Hữu
(đoạn sông Đồng Nai và đoạn sông Lòng Tàu - Nhà Bè), khu bến cảng ông Kèo (sông
Lòng Tàu và sông Đồng Tranh); khu bến cảng Gò Dầu, khu bến cảng Phước An (sông
Thị Vải).
Lượng hàng
thông qua cảng dự kiến vào năm 2025 khoảng từ 29,2 đến 32,96 triệu tấn/năm,
trong đó lượng hàng container khoảng từ 1,3 triệu đến 1,51 triệu TEU/năm; năm
2030 khoảng từ 44,48 triệu đến 51,69 triệu tấn/năm, lượng hàng container khoảng
từ 2,27 triệu đến 2,65 triệu TEU/năm. Đặc biệt, Khu bến cảng Phước An, Gò Dầu
(trên sông Thị Vải) là khu bến chính của cảng Đồng Nai, chủ yếu tiếp nhận tàu tổng
hợp, container cho tàu có trọng tải đến 60.000 tấn (Phước An) và 30.000 tấn (Gò
Dầu); có một số bến chuyên dùng phục vụ trực tiếp cơ sở công nghiệp liền kề.
Theo Cục Hải
quan Đồng Nai, Dự án Cảng Phước An đang được đầu tư là cảng biển lớn nhất Đồng
Nai với quy mô gần 800 ha và vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng (nằm đối diện với
khu Mỹ Xuân qua sông Thị vải) được triển khai với diện tích khu đất cảng là
183ha, chiều dài cầu cảng là 3.050m có thể tiếp nhận đồng thời 10 tàu có trọng
tải 60.000DWT với công suất hàng thông qua cảng 6,5 triệu tấn/năm với hàng tổng
hợp và 2,5 triệu TEU/ năm với hàng container.
Công ty CP
Dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An cho biết, hiện công tác thi công xây dựng
cảng Phước An phân kỳ 1 đã đạt 85% khối lượng công việc và vào tháng 7/2024 tới,
Công ty Cảng Phước An sẽ sẵn sàng đưa vào khai thác 2 bến cảng, khai thác đồng
thời hàng container và hàng tổng hợp với chiều dài 670m – đáp ứng cho tàu có tải
trọng từ 30.000 DWT đến 60.000 DWT. Diện tích kho bãi, công trình hạ tầng thiết
yếu đồng bộ sau cảng là 43,2 ha. Quy mô, năng lực khai thác của cảng là 2,2 triệu
TEU, 4 triệu tấn hàng tổng hợp/năm.
Cần “nâng
cấp” cho đơn vị Hải quan quản lý
Theo ông
Lê Văn Thung, Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai, để quản lý Cảng biển quốc tế loại
1 của quốc gia, Chi cục Hải quan Nhơn Trạch với mô hình tổ chức bộ máy hiện tại
theo mô hình Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, hạn
chế trong công tác quản lý hải quan, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận
thương mại.
Cụ thể,
chi cục hải quan ngoài cửa khẩu chưa có chức năng, thẩm quyền pháp lý để thực
hiện quản lý nhà nước chuyên ngành hải quan tại cảng biển. Do không được công
nhận là đơn vị “hải quan cửa khẩu”, Chi cục Hải quan Nhơn Trạch không được làm
thủ tục Hải quan đối với một số loại hàng hoá đặc thù cho một số DN có trụ sở
nhà máy trên địa bàn quản lý, gây không ít khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu
của các DN trên địa bàn.
Ngoài ra,
các loại hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập theo
Quyết định số 23/2019/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ, mặc dù khi
nhập khẩu có cảng đích ghi trên vận đơn là cảng biển tại Nhơn Trạch, nhưng cũng
không được làm thủ tục tại Chi cục Hải quan Nhơn Trạch. Thay vào đó, phải làm
thủ tục tại chi cục hải quan cửa khẩu dẫn đến chi phí đưa hàng về Nhơn Trạch
chưa giảm được, do phải trả thêm chi phí chuyển tải hàng hóa bằng đường sông hoặc
đường bộ.
Mặt khác,
so với việc làm thủ tục xuất nhập khẩu tại cảng biển Đồng Nai, chi phí vận chuyển
hàng về Đồng Nai qua các cảng tại TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng rất cao do phải
chịu chi phí vận chuyển bằng đường bộ, chi phí hạ tầng, phí lưu kho, lưu bãi và
thời gian vận chuyển hàng hóa từ các cảng về Đồng Nai… “Lâu nay DN trên địa bàn
tỉnh Đồng Nai vẫn phải chấp nhận các chi phí này, đây là vấn đề bất hợp lý cần
cơ chế tháo gỡ khó khăn cho DN và địa phương” – ông Thung cho biết.
Việc làm
thủ tục xuất nhập khẩu tại cảng Phước An cũng sẽ giúp giảm chi phí và thời gian
vận chuyển hàng hóa, giảm ùn tắc giao thông đang ngày càng gia tăng trên các
tuyến đường bộ do vận chuyển hàng hóa giữa TPHCM với Đồng Nai, Bình Dương, Tây
Ninh, các tỉnh khác ở Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, tăng khả năng cạnh
tranh cho DN, giảm tải cho các cảng của TPHCM.
Theo ông
Lê Văn Thung, nếu Chi cục Hải quan Nhơn Trạch được chuyển đổi mô hình tổ chức
thành chi cục hải quan cửa khẩu cảng, các loại hàng hóa được phép đưa về Cảng
Phước An làm thủ tục sẽ góp phần làm tăng trưởng lượng hàng hoá về cảng biển Đồng
Nai, dự kiến tăng thêm khoảng 2,2 triệu TEUs, 4 triệu tấn hàng tổng hợp/năm.
Theo thống kê, tổng số lượng hàng hóa xếp dỡ qua bến cảng Đồng Nai đạt trung
bình 6,4 triệu tấn/năm hoặc trung bình 840.351 TEUs/năm, nhưng vẫn chưa đạt
công suất thiết kế và công suất quy hoạch. Do trước đây, các Cảng biển Đồng Nai
chưa có khả năng đáp ứng cho tàu có tải trọng từ 30.000 DWT đến 60.000 DWT vào
cập cảng.
Theo đó, cần
thiết phải chuyển đổi mô hình tổ chức Chi cục Hải quan Nhơn Trạch (là Chi cục Hải
quan ngoài cửa khẩu) sang chi cục hải quan cửa khẩu cảng biển quốc tế. Điều này
sẽ giúp khắc phục những bất cập, hạn chế kể trên, góp phần thúc đẩy phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất
nhập khẩu hàng hóa của các DN trên địa bàn tỉnh và trong vùng. Việc chuyển đổi
cũng sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi trong công tác cải cách và hiện đại hóa hải
quan, tăng cường phát triển kinh tế, hấp dẫn thu hút đầu tư và nâng cao chỉ số
cạnh tranh của tỉnh Đồng Nai trong những năm sắp tới, ông Thung cho biết.
Cũng theo
ông Lê Văn Thung, số liệu thực tế về số lượng DN làm thủ tục, số tờ khai, kim
ngạch xuất nhập khẩu và kết quả thu nộp ngân sách tại Chi cục Hải quan Nhơn Trạch
trong 3 năm gần đây cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động thương
mại, đầu tư và xuất nhập khẩu trên địa bàn, chỉ riêng năm 2023 có mức sụt giảm
do tình hình kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19, nhưng hiện đang phục hồi
tích cực. Đồng Nai đã và đang xúc tiến kêu gọi, thu hút đầu tư bằng những giải
pháp đồng bộ, đổi mới, cùng với vị trí địa lý thuận lợi, chắc chắn tiềm năng,
triển vọng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai còn lớn
hơn rất nhiều trong tương lai. Do đó, việc vận hành bộ máy hải quan theo mô
hình tổ chức chi cục hải quan cảng biển là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của thực
tiễn.
Mới đây,
UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính cho chuyển đồi mô hình
tổ chức Chi cục Hải quan Nhơn Trạch thành Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Nhơn
Trạch. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc chuyển đổi sang mô hình Hải quan cửa khẩu
sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế của mô hình hải quan ngoài cửa khẩu trong
công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác cải cách và hiện đại
hóa hải quan, thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các DN góp phần
thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.
HQO