Các công ty lớn nhất trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) của Trung Quốc, từ chuỗi trà sữa Mixue cho đến chuỗi lẩu Haidilao đang đổ xô đến Đông Nam Á (ASEAN) để tìm kiếm nguồn tăng trưởng mới.

Sự gần gũi về địa lý và nhu cầu tiêu dùng đang tăng của ASEAN cũng như sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường quê nhà đã thúc đẩy các công ty này tăng cường mở rộng sự hiện diện trong khu vực.


Khách hàng mua cà phê ở một cửa hàng của chuỗi Luckin Coffee (Trung Quốc) ở Singapore.

Theo Báo cáo công bố mới đây của hãng tư vấn Momentum Works (Singapore) cho biết, sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường quê nhà đã khiến các công ty trong ngành F&B của Trung Quốc tăng cường tìm kiếm doanh thu mới ở thị trường nước ngoài. Trong đó, ASEAN là điểm đến hàng đầu.

Số liệu từ báo cáo tính đến cuối năm 2024, có hơn 60 thương hiệu F&B của Trung Quốc hiện diện ở ASEAN, điều hành hơn 6.100 cửa hàng. Đó là sự chứng thực cho sự hấp dẫn ngày càng tăng của thị trường F&B ở ASEAN, nơi tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh.

Sự phát triển nhanh chóng này bắt đầu với chỉ 200 cửa hàng vào năm 2021, rồi tăng vọt lên khoảng 1.800 cửa hàng vào năm 2022 và đạt 5.000 cửa hàng vào năm 2023. Trong nửa đầu năm 2024, có hơn 500.000 nhà hàng đóng cửa ở Trung Quốc. Con số này tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2023.

“Ẩm thực truyền thống của Trung Quốc có các mối liên kết văn hóa và lịch sử với Đông Nam Á”, báo cáo của Momentum Works cho biết và lưu ý thêm, các món ăn của Trung Quốc như lẩu xào cay mala và lẩu nóng ngày càng được người tiêu dùng trẻ ở ASEAN đón nhận.

Các thương hiệu F&B của Trung Quốc tập trung nhiều nhất ở Singapore và Malaysia. Trong khi đó, Việt Nam và Indonesia chiếm khoảng 2/3 tổng số cửa hàng của các thương hiệu này.

Sự mở rộng ồ ạt ở ASEAN chủ yếu được thúc đẩy bởi các chuỗi đồ uống tập trung vào thị trường bình dân như Mixue, Chagee, Luckin Coffee. Chẳng hạn, chuỗi trà sữa trân châu và kem Mixue vận hành 40.000 cửa hàng tại Trung Quốc và 4.800 cửa hàng ở 11 thị trường khác, bao gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Chuỗi lẩu Haidilao đã mở 121 nhà hàng ở 13 nước bên ngoài Trung Quốc, gồm 73 địa điểm ở ASEAN.

 

Doanh thu F&B tiêu thụ ngoài nhà ở 6 thị trường lớn của ASEAN (Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Philippines) ước tính đạt 132,9 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024, vượt mức trước đại dịch Covid-19 (Business Times)

Doanh thu của ngành F&B phục vụ ngoài nhà (out of home) ở 6 thị trường lớn nhất ASEAN gồm Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Philippines đạt 127 tỉ đô la Mỹ trong năm 2023 và ước tính đạt 132,9 tỉ đô la vào năm ngoái, theo Momentum Works. Các con số này đều cao hơn trước đại dịch Covid-19 và tương đương khoảng 17% doanh thu ở thị trường Trung Quốc.

Li Jianggan, người sáng lập kiêm CEO của Momentum Works nhận định, làn sóng đổ xô đến ASEAN của các thương hiệu F&B hàng đầu của Trung Quốc sẽ củng cố kiến thức và các thực hành, giúp củng cố hệ sinh thái F&B của ASEAN. Điều này mang lại những lợi ích lâu dài cho người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp trong khu vực.

Thị trường F&B của các nước ASEAN đang phát triển ở mức độ khác nhau. Chẳng hạn, trong năm 2023, hơn 2/3 doanh thu dịch vụ thực phẩm ở Philippines đến từ các chuỗi nhà hàng và cửa hàng ăn uống, trong khi tại Việt Nam tỷ lệ này chỉ là 6,7%.

Thực tế này có nghĩa là để hoạt động hiệu quả khắp ASEAN, các thương hiệu F&B cần áp dụng các chiến lược địa phương hóa khác nhau, theo báo cáo của Momentum Works.

Theo SGT