Ba năm trước, trong những ngày đầu của đại dịch, các công ty ở Thung lũng Silicon dẫn đầu về xu hướng làm việc từ xa. Hiện nay, ngành công nghệ lại chật vật để đưa nhân viên trở lại văn phòng và thậm chí gây ra căng thẳng trong quá trình dịch chuyển này, CNN đưa tin.

Nỗi thất vọng của nhân viên

Đầu tháng 6, Google đã gây thất vọng cho một số nhân viên khi công bố sẽ siết chặt chính sách làm việc tại văn phòng ít nhất 3 ngày/tuần. Theo CNBC trích dẫn các bản ghi nhớ nội bộ, chính sách cập nhật này bao gồm theo dõi thẻ chấm công và có thể đưa nó vào đánh giá hiệu suất.

“Chỉ trong một đêm, tính chuyên nghiệp của người lao động bị gạt bỏ và thay thế bằng hoạt động điểm danh mơ hồ gắn liền với việc đánh giá hiệu suất”, Chris Schmidt, một kỹ sư phần mềm tại Google và là thành viên của Hiệp hội Người lao động tại Alphabet, công ty mẹ của Google, nói với CNN.

Anh nói thêm: “Việc áp dụng chính sách mới sẽ gây ra sự hỗn loạn không cần thiết cho người lao động và coi thường hoàn cảnh sống khác nhau của chúng tôi”.


Sau hơn một năm áp dụng, Google chính thức tích hợp mô hình làm việc kết hợp vào chính sách công ty.

Trong khi đó, Ryan Lamont, đại diện phát ngôn của Google, nói rằng chính sách làm việc trực tiếp tại văn phòng 3 ngày một tuần “đang diễn ra tốt đẹp”.

“Chúng tôi muốn thấy các nhân viên Google kết nối và cộng tác trực tiếp. Do đó, chúng tôi quyết định giới hạn mô hình làm việc từ xa chỉ dành cho các trường hợp ngoại lệ”, người phát ngôn cho biết trong một tuyên bố.

Theo Lamont, công ty đã áp dụng mô hình làm việc kết hợp (hybrid) được hơn một năm, hiện “đang chính thức tích hợp mô hình này vào tất cả chính sách tại nơi làm việc” của họ.

Google không đơn độc trong “cuộc chiến” đưa nhân viên trở lại văn phòng và phải đối mặt với cơn giận dữ từ người lao động. Những công ty công nghệ khác cũng đang chật vật tìm cách thu hút nhân viên đến văn phòng sau khi họ đã quen với sự linh hoạt hơn.

Cuộc giằng co càng trở nên phức tạp hơn sau cơn bão sa thải từ cuối năm ngoái, khi các công ty công nghệ cho nghỉ việc hàng chục nghìn nhân viên. Thực trạng này đã giáng đòn mạnh vào tinh thần làm việc của người lao động.

Tại Amazon, căng thẳng dâng cao vào cuối tháng 5 khi hàng trăm nhân viên cổ cồn trắng tổ chức một cuộc biểu tình nhằm kêu gọi sự chú ý tới những bất bình của họ, bao gồm quy định phải lên văn phòng 3 ngày/tuần được áp dụng kể từ tháng 5.


Các nhân viên của công ty tại Amazon đã phối hợp tổ chức một cuộc biểu tình hôm 31/5 tại trụ sở chính của Amazon ở Seattle (Mỹ) để phản đối quy định quay trở lại văn phòng của công ty.

Pamela, một nhân viên Amazon, phát biểu tại cuộc biểu tình rằng cô đã mở một kênh Slack nội bộ có tên “Ủng hộ làm việc từ xa”, với mong muốn tạo ra không gian nơi các nhân viên có thể thảo luận về tác động của chính sách quay trở lại văn phòng mới đối với cuộc sống của họ.

“Chẳng mấy chốc, kênh đã thu hút hơn 33.000 người tham gia. Đây là biểu hiện cụ thể và chắc chắn nhất cho thấy sự không hài lòng của người lao động trong lịch sử công ty”, cô cho biết.

Nỗ lực đưa nhân viên trở lại văn phòng

Tuy nhiên, sự phẫn nộ và lời chỉ trích của nhân viên không đủ để ngăn cản các công ty công nghệ, những người đã chi hàng tỷ USD cho các khuôn viên rộng lớn suốt nhiều năm và thường thuyết giảng về giá trị của những tương tác tình cờ tại nơi làm việc.

Amazon nói với CNN rằng có thể sẽ “mất thời gian” để một số người lao động thích nghi với việc đến văn phòng nhiều ngày hơn trong tuần.

Công ty cũng cho biết họ “rất vui khi thấy có thêm nhiều người trở lại văn phòng” trong tháng đầu tiên áp dụng chính sách mới, cũng như hoan nghênh “nguồn năng lượng, sự hợp tác và kết nối” đang diễn ra tại nơi làm việc.

Tương tự, Meta, công ty mẹ của Facebook, tăng gấp đôi nỗ lực đưa nhân viên trở lại văn phòng vào tuần trước. Công ty cảnh báo rằng những nhân viên đã được chỉ định làm việc tại văn phòng sẽ phải quay lại làm việc trực tiếp 3 ngày/tuần bắt đầu từ tháng 9 này.

Người phát ngôn của Meta cho biết chính sách mới chưa cố định, và những nhân viên được chỉ định làm việc từ xa vẫn được phép duy trì trạng thái này.

Mặt khác, một công ty công nghệ đang tiếp cận một cách thức nhẹ nhàng hơn.

Salesforce đang cố gắng thu hút nhân viên đến văn phòng bằng cách đề nghị quyên góp từ thiện, áp dụng từ 12-23/6. Mỗi ngày, cứ một nhân viên đi làm thì công ty sẽ chuyển 10 USD tới tổ chức từ thiện địa phương, theo một tin nhắn Slack nội bộ được báo cáo bởi Fortune.

Đại diện phát ngôn của Salesforce cho biết chương trình này sẽ khuyến khích nhân viên giúp công ty quyên góp hơn 1 triệu USD cho các tổ chức phi lợi nhuận tại địa phương.

Tuy nhiên, các công ty công nghệ sẽ cần nhiều hơn là khoản đóng góp từ thiện tạm thời để thuyết phục nhân viên trở lại văn phòng.

Schmidt, kỹ sư phần mềm của Google, nói rằng ngay cả khi đến văn phòng, không có gì đảm bảo rằng đồng nghiệp cùng nhóm sẽ xuất hiện hoặc thậm chí có bàn để ngồi.

“Nhiều nhóm bị phân tán, và đối với nhiều người trong số chúng tôi không có ai để cộng tác trực tiếp tại văn phòng. Chẳng hạn, hiện nhân viên tại thành phố New York thậm chí không đủ bàn làm việc và phòng họp để sử dụng thoải mái”, anh chia sẻ.

Schmidt nói thêm: “Một chính sách được cho là ‘phù hợp cho tất cả’ lại không hề phù hợp. Chúng tôi xứng đáng có tiếng nói trong việc định hình các chính sách làm việc, thứ trực tiếp tác động đến cuộc sống chúng tôi, nhằm thiết lập các điều kiện làm việc rõ ràng, minh bạch và công bằng cho tất cả”.

zingnews.vn