Navigos Group - công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu - đã có những ghi nhận về thị trường lao động tại Việt Nam cuối năm 2022 cho thấy, nhu cầu tuyển dụng tính riêng trong tháng 12 sụt giảm lên đến 42%. Bên cạnh đó, nhu cầu chuyển việc và tìm kiếm một công việc mới của người lao động cũng gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh làn sóng cắt giảm nhân sự đang diễn ra ở hàng loạt doanh nghiệp tại các lĩnh vực và vì là thời điểm cận Tết, nhiều ứng viên cũng không còn nhu cầu chuyển việc, cố làm hết năm để nhận thưởng.

Theo khảo sát hằng năm về thực trạng thu nhập và kỳ vọng của người lao động từ Navigos Group, lương tháng thứ 13 hay thưởng Tết là phúc lợi được người lao động quan tâm nhiều nhất. Đứng sau đó là các yếu tố khác như bảo hiểm sức khỏe, y tế, thời gian làm việc linh hoạt, phụ cấp đi lại, làm việc ở nước ngoài, ứng trước lương… Theo Navigos Group, nhu cầu sử dụng dịch vụ tuyển dụng của doanh nghiệp cuối năm 2022 có xu hướng giảm mạnh. Điều này có thể giải thích bởi ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu và các khó khăn vừa xảy ra với các doanh nghiệp trong nước.

Cụ thể, so với thời điểm trước dịch, nhu cầu tuyển dụng lao động trong 3 tháng cuối năm 2022 giảm trung bình 25%, riêng tháng 12 ghi nhận sự sụt giảm trung bình lên đến 42%. Những ngành liên quan đến sản xuất, dệt may, hàng hải có sự giảm nhu cầu rõ rệt trong 3 tháng cuối năm 2022 do sụt giảm nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn, chênh lệch tỉ giá ngoại tệ, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, bất ổn chính trị tại các khu vực trên thế giới, lãi suất vay vốn trong nước cao… Một số ngành sụt giảm liên tục trong tháng 10, 11 và càng nghiêm trọng hơn ở tháng 12 phải kể đến như: Hành chính văn phòng, marketing, bán hàng, xây dựng, dệt may, da giày... Một số ngành khác lại đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng ở tháng 12, bất kể sự tăng trưởng tốt vào 2 tháng liền kề trước đó như: Ngân hàng, hàng tiêu dùng, chứng khoán...

Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nửa năm nay, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, các ngành sản xuất như gỗ, dệt may, da giày bị hụt đơn hàng nên thưởng Tết có xu hướng giảm khoảng 15 đến 20%. Còn ở phần lớn các lĩnh vực còn lại, mức thưởng Tết tương đương từ 1 - 2 tháng lương. Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng để thống nhất lương thưởng. Mức thưởng có thể có sự chênh lệch nhưng nhìn chung đây vẫn là nỗ lực đáng trân trọng của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã hoàn thành việc tổng hợp tình hình tiền lương năm 2022 và thưởng Tết năm 2023 của các doanh nghiệp trên cả nước.

Theo đó, mặt bằng thưởng Tết 2023 được cho là thấp hơn so với năm ngoái, chỉ bằng khoảng 91% của năm 2022. Mức thưởng bình quân Tết Dương lịch là 1,24 triệu đồng/người. Trong đó, khối doanh nghiệp Nhà nước có mức thưởng cao nhất là hơn 2 triệu đồng/người, khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước chỉ 870.000 đồng/người. Mức thưởng Tết Dương lịch của các doanh nghiệp miền Bắc tăng so với năm ngoái, trong khi đó, mức thưởng của các doanh nghiệp miền Trung và miền Nam giảm hơn, do các doanh nghiệp này chịu ảnh hưởng từ việc bị cắt giảm đơn hàng sau đại dịch. Mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất là hơn 606 triệu đồng tại TP HCM. Một số địa bàn khác có mức thưởng cao nhất tập trung tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: tại Bắc Ninh là 257 triệu đồng, tại Ninh Thuận là 218 triệu đồng, Bến Tre là 323,12 triệu đồng...

Về Tết âm lịch, trên bình diện toàn thị trường lao động, mức thưởng Tết tăng 11%, bình quân 6,86 triệu đồng/người. Doanh nghiệp Nhà nước thưởng 6,5 triệu đồng/người (tăng 15%); doanh nghiệp tư nhân khoảng 6,6 triệu đồng (tăng 10%) và doanh nghiệp FDI dự kiến thưởng Tết 7,2 triệu đồng. Trong khi đó, mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất là hơn 1 tỷ đồng tại Đà Nẵng. Một số địa bàn có mức thưởng cao tập trung tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: tại Hà Nội là 400 triệu đồng; tại Bà Rịa - Vũng Tàu là 535,71 triệu đồng, tại TP HCM là 759,9 triệu đồng...

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, ngoài tiền lương, tiền thưởng dịp Tết, tùy theo điều kiện mà các doanh nghiệp còn có các hình thức khác hỗ trợ, chăm lo cho người lao động nhân dịp Tết truyền thống như: Tặng giỏ quà, tặng tiền tàu xe về quê đón Tết hoặc bố trí xe đưa người lao động về quê, bố trí hợp lý thời gian nghỉ Tết để người lao động có lịch trình thích hợp, đặc biệt đối với lao động làm việc xa quê. Theo nhận định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhìn chung mức thưởng Tết Dương lịch có xu hướng giảm hơn so với năm ngoái là bởi năm nay hai kỳ nghỉ Tết gần nhau nên các doanh nghiệp tập trung cho việc chăm lo Tết Nguyên đán hơn.

Quy định hóa việc thưởng Tết – nên không?

Lâu nay thưởng Tết đã trở thành một thông lệ ở hầu hết các doanh nghiệp. Nhưng theo quy định pháp luật, tiền thưởng Tết của người lao động không phải là quy định bắt buộc. Tết là một kỳ nghỉ của người lao động, không gắn kết gì với sản xuất kinh doanh. Thế nên mới có câu chuyện cứ dịp Tết lại rộ lên câu chuyện được thưởng Tết bao nhiêu, ít nhiều gây ảnh hưởng tâm lý người lao động.

Trao đổi với truyền thông về cách hiểu cho đúng về thưởng Tết, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, căn cứ vào hiệu quả, sản xuất kinh doanh trong một năm qua, người sử dụng lao động thưởng cho người lao động. Khi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả nhiều, họ sẽ chia sẻ lợi ích với người lao động thông qua mức thưởng cuối năm để giữ gìn quan hệ lao động hài hòa. Còn doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, thậm chí làm ăn thua lỗ cũng không có nguồn nào để thưởng Tết...

Thực tế, nhiều người lao động vẫn hiểu lầm khoản thưởng sau một kỳ sản xuất kinh doanh là thưởng Tết, tuy nhiên, khoản thưởng này thường được chia sau một năm tài chính. Thời điểm xét thưởng trong thời gian từ sau Tết Dương lịch đến trước Tết Âm lịch nên nhiều người gọi là thưởng Tết, thực chất đây là khoản thưởng sau một năm kinh doanh. Đó không phải là tiền thưởng được sinh ra vì Tết.

Tuy nhiên, ông Phạm Minh Huân cũng cho rằng, nơi thưởng nhiều, nơi thưởng ít, thậm chí có nơi không có thưởng Tết sẽ tác động đến tâm lý người lao động. Do đó, những doanh nghiệp làm ăn gặp khó khăn cũng cần phải tìm giải pháp, tiết kiệm các khoản, không nhiều thì ít, được một tháng lương cơ bản, tháng lương đầy đủ, thậm chí nửa tháng thưởng cho người lao động để họ yên tâm để chi tiêu dịp Tết, từ đó tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp trong năm tới.

Nên đưa thưởng Tết vào thoả ước bắt buộc để người lao động được hưởng – đó là quan điểm của nhiều chuyên gia về lao động. Bởi lâu nay thưởng Tết đã trở thành một thông lệ ở hầu hết các doanh nghiệp. Do đó, việc khuyến nghị đưa thưởng Tết, lương tháng 13 vào thoả ước tập thể, thực chất là bản cam kết thực hiện nghĩa vụ thưởng là vấn đề cần tính đến.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thưởng là tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động bằng tiền, hiện vật, hoặc các hình thức khác căn cứ vào hiệu quả sản xuất kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Có thể hiểu, thưởng không bắt buộc. Song, luật quy định, muốn thưởng, người sử dụng lao động phải có quy chế thưởng, phải công khai, có sự tham gia của tổ chức công đoàn. Trong khi đó, thực tế lâu nay thưởng đã trở thành một văn hóa tất yếu ở hầu hết các doanh nghiệp. Do đó, khuyến nghị đưa thưởng Tết, lương tháng 13 vào thoả ước tập thể, hoặc quy định nội bộ thành mức thưởng bắt buộc, thực chất là bản cam kết thực hiện nghĩa vụ thưởng. Nhưng khác ở chỗ, người lao động sẽ biết được mức thưởng nếu mình hoàn thành công việc, thay vì hàng năm, doanh nghiệp lại phải đưa ra thoả thuận, sau đó mới công khai. Theo ông Lê Đình Quảng, việc đưa thưởng Tết vào thoả ước lao động sẽ giúp cho việc thực hiện thưởng là bắt buộc, vừa giúp lao động được hưởng đầy đủ các quyền lợi và cũng tạo sự khích lệ trong công việc.

Liên quan đến vấn đề thưởng Tết cho người lao động, GS.TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội – cũng đã có đề xuất các cơ quan chức năng cần có quy định về việc đưa thưởng Tết, lương tháng 13 vào quy chế nội bộ, hay thỏa ước lao động tập thể, thay vì cứ dịp Tết lại rộ lên câu chuyện công nhân được thưởng Tết bao nhiêu.

Theo báo cáo của 63 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trên cả nước, tương ứng với 4,38 triệu lao động (chiếm 16,2% tổng số lao động làm công hưởng lương trên cả nước) về mức thưởng Tết năm 2023, thì năm nay Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán khá gần nhau nên tiền thưởng Tết Dương lịch giảm, bằng 91% so với thưởng dịp Tết Dương lịch 2022 (bình quân là 1,24 triệu đồng/người); tiền thưởng Tết Nguyên đán tăng 11% so với Tết năm 2022 (bình quân là 6,86 triệu đồng/người). Ngoài mặt bằng chung, ở một số vị trí, nhất là người quản lý cấp cao tại một số doanh nghiệp vẫn có mức thưởng cao.

PLVN