Xác định vai trò quan trọng của
công nghiệp trong tiến trình phát triển đất nước, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công
Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Cục Công nghiệp nhằm đánh giá một
cách tổng quan những kết quả đã đạt được, thẳng thắn chỉ ra tồn tại, hạn chế để
tìm giải pháp khắc phục và đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đặc
biệt là trong bối cảnh phục hồi nền kinh tế, nối lại chuỗi sản xuất hậu dịch
Covid-19.
Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng
Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, gồm: Văn phòng Bộ,
Vụ tổ chức cán bộ, các Vụ thị trường, Tổng cục quản lý thị trường, Cục Hóa chất,
Cục Phòng vệ thương mại…
Báo cáo tại buổi làm việc, Cục
trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài đã điểm lại tình hình công tác của Cục
trong 9 tháng đầu năm 2021 nói riêng cũng như trong giai đoạn 2017 – 2021 nói
chung. Trong đó nổi bật là hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh
Covid-19, xây dựng, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản
quy phạm pháp luật, chính sách quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp.
Về nhiệm vụ từ nay đến cuối năm,
ông Hoài cho biết, Cục Công nghiệp sẽ tập trung công tác bảo đảm an toàn phòng
dịch phục vụ sản xuất, kinh doanh; bảo đảm lưu thông hàng hóa phục vụ hoạt động
của doanh nghiệp; đề xuất hỗ trợ chính sách về tài chính, tín dụng, an sinh xã
hội cho doanh nghiệp và người lao động. Cùng đó, tập trung cho việc hoàn thiện
chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, hỗ trợ doanh
nghiệp, địa phương phát triển công nghiệp và truyền thông.
Nhìn nhận, phát triển công nghiệp
là một trong những trọng tâm trong kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã
hội 10 năm của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian tới. Nghị quyết Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng như Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) của Quốc hội đều xác định
mục tiêu tới năm 2025, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp theo
hướng hiện đại với tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GPP là 25% trở
lên; đến năm 2030 là nước có công nghiệp hiện đại và 2045 là nước phát triển có
thu nhập cao. Trên thế giới, những biến động về chính trị, kinh tế, xã hội
trong thời gian vừa qua cũng sẽ tác động lớn đến xu thế tổ chức lại các hoạt động
sản xuất toàn cầu, đồng thời xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
cũng đã và đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, và dự báo thiếu hụt năng lượng trong
5-10 năm tới.
Trong khi đó, nhiều yếu kém nội tại
vốn có của công nghiệp Việt Nam vẫn chưa được giải quyết một cách căn bản và
còn những ảnh hưởng khá nặng nề do dịch Covid-19. Năng lực và trình độ các
doanh nghiệp nội địa còn yếu, giá trị gia tăng trong các ngành công nghiệp còn
thấp. Tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu còn phụ thuộc rất nhiều vào khối doanh
nghiệp FDI. Chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động trong công nghiệp cỏn
chưa có nhiều cải thiện.
Bên cạnh những đánh giá tích cực
về hoạt động của Cục Công nghiệp trong nỗ lực đưa ngành công nghiệp tiến đến những
bước phát triển mới, bộ cũng chỉ ra những thiếu xót cần khắc phục trong thời
gian sắp tới, đồng thời đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm phát triển làm tiền đề và định
hướng nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp trong tương lai:
Một là tiếp tục tập
trung phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ, các hiệp hội, ngành
hàng, địa phương khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do đại dịch
Covid – 19 gây ra. Trong đó, chú trọng triển khai hỗ trợ doanh nghiệp theo các
chính sách đã được Quốc hội và Chính phủ ban hành trong thời gian qua.
Bảo đảm an toàn phòng dịch, dịch
vụ sản xuất kinh doanh; Bảo đảm lưu thông hàng hóa; Đề xuất các chính sách khác
(tài chính, tín dụng, lao động). Từ đó giúp doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất
kinh doanh. Đồng thời, xây dựng, hoạch định chiến lược phát triển của các Hiệp
hội, doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh mới, hậu covid -19.
Hai là tiếp tục
quán triệt nghiên cứu sâu sắc trong cán bộ công chức, viên chứcvề các quan điểm,
đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước về các mục tiêu công nghiệp
hóa, để khẩn trương đề xuất xây dựng Luật phát triển công nghiệp theo nhiệm vụ
được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021, xem đây là một
trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới. Đồng thời, phối hợp
các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản
quy phạm pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp nền
tảng theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày
22/3/2018 của Bộ Chính trị.
Ba là làm tốt công
tác truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội và tạo sự đồng thuận trong quá
trình xây dựng các chính sách, chương trình phát triển công nghiệp theo các chủ
trương của Đảng và Nhà nước.
Đồng thời, khẩn trương phối hợp với
các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương (nhất là những địa phương có tiềm năng về
công nghiệp) để xây dựng chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp phù hợp
với lợi thế cạnh tranh và nguồn lực của địa phương (tích hợp vào Quy hoạch
vùng, tỉnh).
Trong đó, cần hướng dẫn, khuyến
khích xây dựng các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp tại các địa phương
có điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ. Tập trung thật cao xây dựng, vận
hành hiệu quả các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp trên địa bàn
cả nước để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp tại các địa bàn trọng điểm, là đầu
mối kết nối với các trung tâm, các địa phương về công nghệ, kỹ thuật sản xuất,
kết nối cung cầu cũng như đóng vai trò là sàn giao dịch các sản phẩm công nghiệp
và công nghiệp hỗ trợ trong vùng. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu trong
các ngành công nghiệp để sử dụng một cách đồng bộ, thống nhất.
Bốn là tiếp tục triển
khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ theo nguyên tắc sử dụng
hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước, với mục đích nâng cao năng lực cho các doanh
nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng trong nước, tạo điều kiện để các doanh nghiệp
tham gia sâu vào chuỗi giá trị của các Tập đoàn đa quốc gia; Tăng cường hợp tác
quốc tế trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cho
doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất toàn cầu, nâng cao tỷ lệ tham gia
chuỗi giá trị đa quốc gia của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước.
Năm là nghiên cứu
trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó
khăn trong khai thác, chế biến và sử dụng các mỏ và loại khoáng sản có quy mô lớn,
giá trị cao (cromit Cổ Định, bô-xit Tây Nguyên, titan, quặng sắt…) để sớm huy động
vào nền kinh tế, tạo nguồn lực triển ngành công nghiệp vật liệu và công nghiệp
hỗ trợ… Hạn chế đến mức thấp nhất việc xuất khẩu thô khoáng sản.
Sáu là tập trung rà
soát, sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự
án, lĩnh vực sản xuất công nghiệp lớn (thép, ô tô, dệt may, da-giày, thực phẩm)
phục vụ xuất khẩu, tiêu dùng trong nước; sớm đưa vào vận hành, tạo năng lực cho
phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu. Cần chú ý nghiên cứu chính
sách tiếp cận 3I: Imitid (bắt chước), Initiative (cải tiến), Inovation (đổi mới,
sáng tạo). “Cục Công nghiệp khẩn trương trình Lãnh đạo Bộ phương án kiện toàn tổ
chức bộ máy và nhân sự quản lý cấp Cục, phòng, đơn vị trực thuộc. Đồng thời,
nghiên cứu đề xuất kế hoạch tuyển dụng, đào tạo lại đội ngũ cán bộ làm công tác
nghiên cứu đề xuất chính sách, quản lý giám sát hoạt động thực tiễn đáp ứng yêu
cầu nhiệm vụ được giao.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ
rõ, hội nhập không chỉ xem từ góc độ Việt Nam tham gia các FTA mà để đầy đủ hơn
cần được xem từ góc độ doanh nghiệp Việt Nam tham gia thế nào vào chuỗi giá trị
toàn cầu. Bởi theo Bộ trưởng hội nhập có thành công hay không, các FTA mà chúng
ta có được có trở nên ý nghĩa hay không đều lệ thuộc vào lĩnh vực phát triển
công nghiệp. “Việt Nam cần tạo dựng được các ngành công nghiệp mang tính nền tảng
để sớm trở thành nước công nghiệp theo mục tiêu được xác định tại các nghị quyết
của Đảng”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.