Trước những thách thức từ biến đổi khí hậu cùng bất ổn địa chính trị thế giới, phát triển bền vững là chiến lược phát triển mà Việt Nam đang đề ra và thực hiện trong thế kỷ 21; trong đó, logistics xanh đang trở thành xu hướng tất yếu và tiêu chí quan trọng mà doanh nghiệp logistics là chủ thể quan trọng nhất để hoàn thành tốt chiến lược này. Vì vậy, đầu tư công nghệ, thay đổi quy trình vận chuyển để hướng tới logistics xanh, phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng của doanh nghiệp logistics thời gian tới.
Theo các chuyên gia, tuy giữ vị trí quan trọng trong
chuỗi sản xuất, thương mại nhưng logistics lại là một trong những lĩnh vực gây
ô nhiễm môi trường đáng kể khi hoạt động vận chuyển hàng hóa chiếm tới khoảng
8% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn thế giới. Bởi vậy, phát triển logistics
xanh là xu hướng tất yếu và là tiêu chí quan trọng đánh giá sự phát triển bền vững
của ngành.
Do vậy, mục đích của logistics xanh là tối ưu hóa mối
liên hệ giữa việc vận hành kho, phân phối hàng hóa và môi trường tự nhiên nhằm
phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm giảm tính sẵn có và chất lượng
tài nguyên. Hơn nữa, việc áp dụng biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm giảm tổn
thất, giảm mức tiêu thụ năng lượng của phương tiện, thiết bị mà vẫn bảo đảm nhu
cầu đặt ra với quá trình sản xuất và đời sống. Vì thế, logistics xanh là mục
tiêu đang được nhiều quốc gia trên thế giới theo đuổi.
Phân tích từ các chuyên gia thương mại, logistics xanh
trong chuỗi cung ứng kết hợp yếu tố thân thiện môi trường vào quản lý và sử dụng
thiết bị giảm thiểu ô nhiễm không khí, tiếng ồn, rác thải...Ngoài ra, ứng dụng
logistics xanh trong chuỗi cung ứng giúp tối ưu chi phí và gia tăng hiệu quả vận
chuyển.
Doanh nghiệp có thể triển khai vận tải xanh bằng cách
kết hợp đơn hàng đi chung một chuyến, lựa chọn tuyến đường giao thông hợp lý
sao cho xe đầy hàng ở hai chiều vận chuyển... Nhờ vậy, giúp giảm số lượng xe tải
trống hoặc chở hàng nửa chừng trên đường giúp tiết kiệm nhiên liệu và chi phí vận
chuyển; giảm tắc đường và ô nhiễm từ giao thông.
Ông Tạ Văn Lợi - Hiệu trưởng Trường Kinh doanh - Trường
Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh: Hiện nay, logistics xanh đã trở thành yếu tố
không thể thiếu trong quá trình xanh hóa chuỗi cung ứng và hướng đến phát triển
bền vững. Người tiêu dùng và doanh nghiệp trong và ngoài nước ngày càng ưu tiên
những sản phẩm và dịch vụ tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, từ
đó thúc đẩy sự quan tâm đến logistics xanh. Tuy nhiên, quá trình xây dựng hệ
sinh thái logistics xanh hướng đến chuỗi cung ứng bền vững vẫn gặp những hạn chế,
cả về nhận thức lẫn hành động.
Xu hướng hiện nay, các quốc gia đều áp dụng tiêu chuẩn
xanh đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Do vậy, với ngành logistics, xanh hóa đã
trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp để có thể tham gia vào chuỗi
cung ứng của các nhà sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Là một trong những doanh nghiệp logistics đi đầu nhằm
hướng tới mục tiêu phát triển logistics xanh, trong quá trình vận hành, Tổng
công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã cho áp dụng mô hình “bưu cục
di động”. Các bưu cục di động này được thiết kế trên xe tải, ứng dụng công nghệ
chia sẻ dữ liệu để kết nối giữa các bưu cục với nhau cũng như bưu tá với bưu cục.
Hàng hóa của người gửi sẽ được chia chọn, phân tuyến
trực tiếp ngay trên xe và thực hiện quy trình xuất nhập kho qua ứng dụng di động
để nhanh chóng xử lý các công đoạn tiếp theo. Với mô hình này, Viettel Post đã
cắt giảm được các khâu trung gian, giảm 15% quãng đường vận chuyển và số lượng
xe trung chuyển. Nhờ vậy, hạn chế tần suất hoạt động của xe, giảm lượng khí thải
ra môi trường; đồng thời, hạn chế luân chuyển hàng hóa giúp tối giản việc bọc
các lớp nilon chống sốc cho bưu phẩm, giảm lượng chất thải ra môi trường.
Tương tự, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam
Post) cũng là doanh nghiệp nỗ lực chuyển sang phát triển xanh. Đặc biệt, Bưu điện
Việt Nam là doanh nghiệp bưu chính đầu tiên tại Việt Nam phối hợp cùng Honda Việt
Nam đưa xe máy điện vào sử dụng trong hoạt động giao nhận, giúp giảm phát thải
ra thị trường.
Theo ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty
Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho rằng, tình trạng cạnh tranh để có được đơn hàng
trong ngành logistics trở nên gay gắt hơn. Ngoài sức ép cạnh tranh về dịch vụ,
các tiêu chuẩn mới của quốc tế và trong nước về môi trường và an toàn giao
thông, an toàn lao động cũng đặt doanh nghiệp dịch vụ logistics trước yêu cầu đổi
mới. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp logistics toàn cầu khi thuê ngoài dịch vụ
cũng yêu cầu tiêu chuẩn khí thải với doanh nghiệp logistics thứ ba. Bối cảnh đó
đòi hỏi doanh nghiệp logistics phải chủ động đầu tư, chuyển đổi mô hình sản xuất,
kinh doanh theo hướng xanh hóa.
Để xanh hóa ngành logistics, ông Đào Trọng Khoa- Phó
Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics (VLA) kiến nghị
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hỗ trợ ngành logistics nguồn vốn để
phát triển công nghệ, chuyển đổi số trong khuôn khổ chương trình hành động quốc
gia về logistics.
Trong bối cảnh mới cần có năng lực quản lý dòng hàng
hóa quốc tế và có thể cạnh tranh cần sớm triển khai hệ thống so tính năng kỹ
thuật cao nhằm tham gia tốt hơn vào nền tảng giao nhận vận tải toàn cầu đang vận
hành. Đối với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, thời gian tới cần nâng cao ý thức, chung tay
kiến tạo hệ sinh thái logistics xanh, chuỗi cung ứng bền vững trong hoạt động sản
xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối hàng hóa.
Cơ quan quản lý sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tăng tính chủ động
về nguồn nguyên liệu, chú trọng nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng
hóa xuất khẩu, tránh xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa sơ chế, có khối lượng lớn
nhưng giá trị thấp.
Mặt khác, doanh nghiệp cần phối hợp nghiên cứu, xây dựng
các bộ chương trình đào tạo chuẩn, chuẩn hóa với vị trí công việc trong ngành
logistics; xây dựng khóa học chuyên sâu, bổ sung, cập nhật kiến thức quản trị
nhân lực xanh gắn với logistics và quản trị chuỗi cung ứng xanh.
Ông Ngô Khắc Lê, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp
Logistics Việt Nam cho biết: Nếu không thực hiện nhanh tiêu chí để xanh hóa
ngành logistics, tới đây doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, dần bị loại khỏi
hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu trong nước cũng như toàn cầu.
Hơn nữa, trước việc người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm thân thiện với môi trường
và xu hướng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn đang diễn ra trên toàn cầu,
logistics xanh ngày càng được quan tâm và đầu tư một cách chuyên nghiệp.
Nhấn mạnh về kế hoạch hành động xanh đến năm 2030 của
Việt Nam, ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)
khuyến cáo: Doanh nghiệp cần hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức liên
quan nhằm giảm phát thải từ giao thông vận tải, phát triển logistics xanh. Mặt
khác, thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện vận tải và nhà kho sử dụng năng lượng
sạch, năng lượng thân thiện với môi trường. Đồng thời, hoàn thiện và triển khai
đồng bộ giải pháp quản lý chất lượng nhiên liệu, hệ thống tiêu chuẩn khí thải;
hạ tầng giao thông vận tải theo hướng tăng khả năng kết nối và đa phương thức.
Mặt khác, doanh nghiệp cần tối ưu hóa hoạt động vận tải
và kho bãi, giảm lưu thông vô ích; đẩy mạnh chính quyền số trong giao thông vận
tải, xây dựng cơ sở dữ liệu logistics. Cùng đó, phát triển đồng bộ hệ thống thu
phí điện tử không dừng; lắp đặt hệ thống điều hành giao thông thông minh… để
ngành logistics phát triển bền vững.
Đối với doanh nghiệp, việc xây dựng chiến lược
logistics xanh phù hợp với quy mô và điều kiện của doanh nghiệp là điều đầu
tiên các doanh nghiệp cần chú ý. Ngoài ra, doanh nghiệp cần triển khai những giải
pháp công nghệ như AI, IoT và Big Data để giúp tối ưu hóa việc vận hành và giảm
thiểu chi phí đầu tư đồng thời, chú trọng vào việc đào tạo nhân sự nội bộ phục
vụ mục tiêu phát triển logistics bền vững.
Với các khách hàng và đối tác, doanh nghiệp nên hợp
tác với các nhà cung cấp dịch vụ logistics xanh uy tín, sử dụng phương tiện
thân thiện môi trường cũng như cần nâng cao nhận thức khách hàng để tuyên truyền
về lợi ích của logistics xanh và khuyến khích khách hàng lựa chọn các phương án
giao hàng bền vững.
Theo TTXVN