Ngày
12/10, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức lễ kỷ niệm
Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022;
Tại buổi lễ,
60 doanh nhân được tôn vinh, trao tặng danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu
biểu" năm 2022, trong đó có 10 người được vinh danh là doanh nhân Việt Nam
tiêu biểu.
Theo đó,
10 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu gồm: Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn
Dầu khí Việt Nam; ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn
Trường Hải; Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng - Tư lệnh Binh đoàn 11, Chủ tịch HĐTV
kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Thành An, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 789; Ông
Vũ Văn Tiền - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn GELEXIMCO.
Bà Thái
Hương - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Công ty Cổ phần thực phẩm Sữa TH; bà Nguyễn
Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG - BRG GROUP; ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch
HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái Holdings; ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch
HĐQT Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời; ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT, Chủ
tịch Điều hành Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC; ông Lý Ngọc Minh - Chủ tịch
HĐTV Công ty TNHH Minh Long 1.
Tổng hợp
doanh nghiệp của 60 doanh nhân này năm 2021 có doanh thu trên 1,2 triệu tỷ đồng,
vốn chủ sở hữu trên 700.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 150.000 tỷ đồng,
lợi nhuận sau thuế trên 70.000 tỷ đồng và số lao động trên 250.000 người.
Đây là các
doanh nhân đang lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp thuộc đủ các thành phần kinh
tế, có quy mô từ rất lớn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ. Người lớn tuổi nhất đã 82
tuổi và người trẻ nhất mới 34 tuổi, có 15 doanh nhân nữ, chiếm tỷ lệ 25%.
Trong số
10 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, có nhiều doanh nhân đã thành danh như tỷ phú
ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải, ông Lê Mạnh Hùng - Tổng
Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ông Lý Ngọc Minh - Chủ tịch Công ty sứ Minh
Long…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam
Chủ tịch
VCCI Phạm Tấn Công cho biết, quyết sách kịp thời, đúng đắn của Đảng, Nhà nước,
đặc biệt là sự quyết liệt, táo bạo, đồng thời cầu thị, lắng nghe của Chính phủ,
đứng đầu là Thủ tướng đã bắt trúng thời điểm, chuyển từ chiến lược zero COVID
sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19, đưa đất nước vượt
qua đại dịch, giải vây cho các doanh nghiệp. Từ đó, bảo toàn được năng lực sản
xuất kinh doanh và giúp doanh nghiệp cũng như nền kinh tế có thể phục hồi
nhanh, tăng trưởng mạnh.
“Chúng ta vui mừng vì sự phục hồi và đóng góp
của doanh nghiệp trong 1 năm qua. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại nước
ta đã đạt trên 900.000 doanh nghiệp, cùng với đó còn có khoảng 15.000 HTX phi
nông nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, đồng thời số lượng doanh nhân tương ứng
đã lên đến hàng triệu người. Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 70% nguồn thu
thuế cho ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho khoảng 15 triệu lao động" -
ông Công nói.
Theo ông
Công, đội ngũ doanh nhân giữ vai trò là lực lượng chủ lực trong quản lý, tổ chức
hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng hoá, dịch vụ đáp ứng nhu cầu quốc
dân và xuất khẩu, tạo tiềm lực, vị thế mới cho đất nước.
"Chúng
ta đã có những ngành hàng, những sản phẩm chiếm lĩnh thị phần cao trên thị trường
toàn cầu. Từ một quốc gia lạc hậu, thuộc nhóm nghèo nhất thế giới, chúng ta tự
hào khi hôm nay kinh tế Việt Nam đứng trong Top 40 thế giới về GDP, Top 20 về
quy mô thương mại quốc tế”, ông Phạm Tấn Công cho biết.
TP