Tập đoàn Hòa Phát dưới sự chèo lái của doanh nhân Trần Đình Long đã thành danh từ nhiều năm nay, trở thành thương hiệu tự hào của Việt Nam và vẫn đang tiếp tục chinh phục những cột mốc mới.

Có thể thấy, lũy kế 8 tháng năm 2022, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 5,5 triệu tấn thép thô, tăng 2% so với cùng kỳ 2021. Sản lượng bán hàng phôi thép, thép xây dựng và HRC đạt 5,14 triệu tấn, tăng 5% sp với 8 tháng đầu năm 2021. Thép xây dựng đóng góp 3,1 triệu tấn, tăng 27%, trong đó xuất khẩu chiếm 32% với 990.000 tấn, tăng 82% so với 8 tháng 2021.

Qua 8 tháng, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường 1,8 triệu tấn HRC, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm hạ nguồn như ống thép, tôn mạ của Tập đoàn đạt lần lượt 491.000 và 226.000 tấn, tăng khoảng 5-7% so với cùng kỳ.

Năng lực sản xuất thép thô của Tập đoàn Hòa Phát hiện đạt 8,5 triệu tấn/năm. Thép xây dựng và ống thép của Hòa Phát giữ thị phần số 1 Việt Nam, lần lượt là 36,4% và 29%. Bên cạnh phục vụ thị trường trong nước, Tập đoàn còn xuất khẩu các sản phẩm thép tới hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới nhằm đa dạng hóa thị trường tiêu thụ.

Mặc dù trên thương trường, Hòa Phát là ‘ông trùm’ ngành thép Việt Nam, và ông chủ Hòa Phát được xem là một 'lão tướng' trong ngành sắt thép có sức ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế trong nước. Nhưng trái ngược với các doanh nhân thành đạt khác, đời sống của Chủ tịch Trần Đình Long lại nhẹ nhàng, thong thả: “Tôi không phải tuýp doanh nhân bận rộn, hai tai hai điện thoại. Tôi luôn bắt đầu ngày mới bằng việc ăn sáng đầy đủ, trưa và chiều thì uống cà phê, tối ở nhà xem phim, nghe nhạc (trừ những lúc đi công tác). Tôi đặc biệt không tiếp khách buổi tối, không biết uống rượu, không thích nhậu. Món tủ của tôi là đậu rán”.

Và để hiểu rõ hơn, VnIndustry đã có một cuộc tìm hiểu sơ lược về đời sống cũng như tầm nhìn của ông chủ Hòa Phát trong ngắn hạn và dài hạn.


Nhiều người cho rằng, là một doanh nhân thì cuộc sống rất bận rộn, áp lực và thậm chí phải đánh đổi, trả giá bằng nhiều thứ. Còn ông?

Vấn đề tôi cho rằng vẫn là do cách suy nghĩ của từng người và doanh nhân đó mong muốn cuộc sống như thế nào.

Tôi không muốn cuộc sống cứ phải đầu tắt mặt tối, hai tay hai điện thoại hay không có đủ thời gian để ăn sáng, ăn trưa hay tối cùng gia đình. Tôi vẫn có thời gian thực hiện đầy đủ những sở thích của mình như uống cà phê bụi, chơi thể thao… Nơi chúng tôi uống cà phê, tán dóc cùng bạn bè cũng không phải nơi nào sang trọng mà 20 năm nay vẫn là một địa điểm đó thôi.

Có người bận rộn không còn thời gian đi du lịch nhưng như tôi thì mỗi năm phải đi ít nhất 4 lần và lúc nào cũng đi với cả gia đình. Tối về nhà là tôi không tiếp khách trừ những trường hợp rất đặc biệt. Và tôi cũng rất tự hào là người ăn đủ 30 bữa cơm nhà trong một tháng, thậm chí còn đủ cả 365 ngày trong năm.

Có khá nhiều quan điểm trái chiều về người giàu. Cá nhân ông có suy nghĩ như thế nào về điều này?

Quan điểm của tôi là trước bất cứ vấn đề gì cũng có rất nhiều góc nhìn, khía cạnh. Không thể có vấn đề gì là tất cả chỉ chăm chăm nhìn theo một hướng.

Góc nhìn về người giàu cũng như vậy! Với tôi, dù muốn hay không thì nhiều người vẫn gọi mình là đại gia, điều đó không tránh khỏi. Tuy nhiên, tôi hy vọng là sớm muộn theo thời gian và với thế giới thông tin ngày càng minh bạch, tỷ lệ cách nhìn tiêu cực về người giàu sẽ giảm đi.

Còn dưới góc độ doanh nhân hay bất kỳ ai, tôi nghĩ, quan trọng nhất vẫn là hằng ngày phải làm tốt công việc của mình. Khi chúng ta đã làm tốt rồi thì sớm muộn cách nhìn cũng thay đổi theo hướng tích cực. Bởi làm tốt bao nhiêu thì tất nhiên đóng góp đối với nhà nước, xã hội sẽ tăng lên bấy nhiêu, ví dụ như nghĩa vụ thuế, trách nhiệm xã hội, tạo ra công ăn việc làm,… chẳng hạn.

Ông nghĩ gì về con số tài sản hàng tỷ USD của mình mà Forbes từng công bố?

Thực ra hàng ngày, khi làm việc tôi có nghĩ đến tiền đâu nên còn chẳng biết là mình có bao nhiêu tiền. Chắc chẳng phải riêng tôi, mà nhiều người cũng thế. Khi mình làm đến mức độ nào đó thì không phải để tìm ra con số cụ thể hằng ngày về tiền nữa. Đó là điều chắc chắn chứ không phải tôi khiêm tốn hoặc lảng tránh gì.

Kinh doanh đa ngành là xu hướng của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là bất động sản thì luôn hấp dẫn nhưng dường như ông vẫn tập trung mạnh vào ngành “thép”. Duyên nợ của ông và Hoà Phát với bất động sản như thế nào?

Có thể là do tôi yêu thích lĩnh vực sản xuất và kiên định đi theo con đường này. Tôi xin nhấn mạnh là phải rất kiên định vì nhiều giai đoạn, ở góc độ lợi nhuận, làm thép không ăn thua gì so với đầu tư bất động sản.

Ví dụ vào những năm 1996-2000, nhiều đơn vị nhảy vào bất động sản và thậm chí có người mua tuần trước, đến tuần sau bán được lãi gấp đôi. Những năm đó, mấy cổ đông trong công ty cũng bàn bạc việc chi khoảng 9 tỷ đồng để mua văn phòng.

Tuy nhiên, tôi cũng đưa ra ý kiến, nếu mua bất động sản đó thì không còn tiền làm nhà máy thép nữa, tùy mọi người lựa chọn và cuối cùng chúng tôi chọn thép. Khi đó Hòa Phát là một trong những doanh nghiệp hơi lạ vì những người có tiền đều đi đầu tư bất động sản.

Giả sử, nếu lúc đó Hòa Phát chọn không làm thép mà làm bất động sản thì có lẽ giờ con đường đi đã khác rồi; mặc dù cũng không thể biết quy mô lớn hơn hay nhỏ hơn hiện nay. Song, trên một chặng đường dài thì chưa bao giờ Hòa Phát muốn đầu tư tất cả tiềm lực vào lĩnh vực bất động sản mà thép vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất.


Tầm nhìn của Hòa Phát trong 10 năm tới là gì, thưa ông?

Ở từng thời điểm thì chúng tôi luôn xác định phải tập trung vào đâu. Trong ngắn hạn, với tiềm lực hiện có thì Hoà Phát đang muốn tập trung cao độ vào dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất bởi đây là khoản đầu tư rất lớn, kỳ vọng là cú đấm thép của tập đoàn.

Bên cạnh đó, theo dự kiến, trong năm 2023, lợi nhuận của Hòa Phát có thể sẽ tăng 11% lên 24.000 tỷ đồng do sản lượng từ dòng sản phẩm thép chủ chốt tăng 9% và tỷ suất lợi nhuận gộp ổn định. Công ty sẽ duy trì mức tăng trưởng sản lượng tích cực ngay cả khi thị trường suy giảm nhờ khả năng gia tăng thị phần.

Dài hạn hơn, đến 2025, mục tiêu của Hòa Phát vẫn là tập trung vào ngành thép và các sản phẩm liên quan đến thép. Tôi nhấn mạnh thêm, rằng Hòa Phát không gạt bỏ những lĩnh vực khác, chỉ là chưa chú trọng và cũng không có việc gì phải tiếc bởi khi đã làm việc này thì thôi không làm việc khác. Còn nếu đặt mục tiêu tiến ngang nhau trong tất cả các lĩnh vực thì sẽ rất khó.

 

Hòa Phát; Ban biên tập VnIndustry