Theo Hãng tin Reuters, giới quan sát đánh giá quyết định ân xá này chỉ mang tính biểu tượng, bởi ông Lee vốn đã được tạm tha sau 18 tháng ngồi tù vì các cáo buộc liên quan tới vụ việc hối lộ chấn động Hàn Quốc và cựu tổng thống Park Geun Hye hồi năm 2017.

Với cơ hội ân xá, phó chủ tịch Lee có thể tham gia lại vào hội đồng quản trị của Samsung và tham gia các cuộc đàm phán của công ty tại nước ngoài. Việc ân xá cũng sẽ mở đường để ông Lee về giữ chức chủ tịch của tập đoàn công nghệ này. Vị trí đã bị bỏ trống từ khi cha của ông - chủ tịch Lee Kun Hee qua đời năm 2020.

Phó chủ tịch Lee Jae Yong được Forbes xếp hạng người giàu thứ 278 trên thế giới với tài sản ròng 7,9 tỷ USD. “Thái tử” Lee Jae Yong của nhà sản xuất điện thoại thông minh và chip số một thế giới đã liên tục ra tù rồi lại vào tù trong vài năm qua.

Ông Lee đã có thời gian ngồi tù vì tội hối lộ từ năm 2017, nhưng được trả tự do vào năm 2018 sau khi tòa phúc thẩm giảm thời hạn xuống còn 2 năm rưỡi án treo. Song tòa tối cao Hàn Quốc cho rằng tòa phúc thẩm đã đánh giá thấp số tiền hối lộ và yêu cầu xử lại vụ này.

Đến tháng 1-2021, trong phiên xét xử lại vụ án hối lộ liên quan cựu tổng thống Park Geun Hye, ​ông Lee bị Tòa án cấp cao Seoul tuyên 30 tháng tù vì tội hối lộ để giành sự ủng hộ trong việc kế vị, cũng như đảm bảo quyền kiểm soát tập đoàn.

Tháng 8 cùng năm, ông Lee được phóng thích trước thời hạn sau 18 tháng ngồi tù trong vụ bê bối tham nhũng chấn động Hàn Quốc.


Theo Hãng tin AFP, Hàn Quốc lâu nay thường ân xá cho các lãnh đạo doanh nghiệp bị buộc tội tham nhũng vì lý do kinh tế.

Lần này, Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Han Dong Hoon cho biết ông Lee sẽ được "phục chức" để có cơ hội "góp phần khắc phục khủng hoảng kinh tế Hàn Quốc".

"Với nhu cầu cấp bách vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế quốc gia, chúng tôi đã lựa chọn cẩn thận các nhà lãnh đạo kinh tế dẫn đầu động lực tăng trưởng của đất nước, thông qua đầu tư công nghệ tích cực và tạo việc làm, để ân xá", vị bộ trưởng cho hay.

Trước đó, Samsung đã đưa ra thông báo rằng tập đoàn này cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi các căng thẳng chính trị, tình hình lạm phát và nhu cầu suy yếu của người tiêu dùng. Tập đoàn cũng khẳng định rằng mục tiêu tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 là rất thách thức.

Ông Park Ju Gun, Giám đốc bộ phận nghiên cứu doanh nghiệp tại Leaders Index, cho rằng Samsung đang rơi vào khủng hoảng vì “đã đánh mất hai thế mạnh là dẫn đầu công nghệ và quản trị tập đoàn”.

"Không có người lãnh đạo để đưa ra các quyết định phù hợp khiến Samsung mất đi vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp chất bán dẫn", ông Park nói thêm.

Chính vì vậy, lần trở lại này của ông Lee được hi vọng là sẽ thúc đẩy các quyết định chiến lược cho tập đoàn, không chỉ bao gồm các thương vụ làm ăn mà còn cả cải cách bộ máy quản trị.

Ngoài "thái tử" Samsung Lee Jae Yong, danh sách ân xá còn có những cái tên gây chú ý khác như chủ tịch Lotte Shin Dong Bin và cựu thống đốc tỉnh Nam Gyeongsang Kim Kyoung Soo. Cựu tổng thống Hàn Lee Myung Bak ban đầu được cho là sẽ được hưởng ân xá, song không xuất hiện trong danh sách.