Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vừa ký quyết định về việc giao chỉ tiêu kinh doanh năm 2023 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).

Năm 2023, Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kỳ vọng đạt tổng doanh thu 6.505 tỷ đồng, trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư năm 2023 là 3.850 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ mục tiêu đạt 3 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) >0 và không có nợ phải trả quá hạn; hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1.

Năm 2022, Công ty mẹ - Đường sắt Việt Nam đạt doanh thu 5.368 tỷ đồng, lỗ sau thuế 200 tỷ đồng. Công ty mẹ không xuất hiện các khoản nợ quá hạn.

Theo lãnh đạo tổng công ty, khoản lỗ 200 tỷ đồng nói trên bao gồm chênh lệch thu chi từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính là âm 174 tỷ đồng; chênh lệch thu chi từ hoạt động tài chính và hoạt động khác là âm 26 tỷ đồng (trong đó các khoản chi không tạo ra doanh thu gồm trích lập dự phòng tổn thất các khoản thu tài chính gồm lỗ từ các công ty cổ phần vận tải đường sắt 12 tỷ đồng, lãi vay dự án 13,8 tỷ đồng, tiền phạt chậm nộp thuế đất tại 551 Nguyễn Văn Cừ là 35,6 tỷ đồng).

Hồi tháng 3/2023, CMSC đã vừa có văn bản gửi các Bộ, ngành xin ý kiến về Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Trong đó, bên cạnh phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu do cấp có thẩm quyền giao, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước; đảm bảo đủ việc làm, nâng cao đời sống người lao động, Tổng công ty Đường sắt phải nỗ lực thoát khỏi tình trạng thua lỗ và từng bước có lãi bù đắp khoản lỗ lũy kế của các năm trước.

Tổng công ty và các công ty con xác định tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, không dàn trải và dứt khoát xử lý các đơn vị, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả.

Đề án đề xuất không tiến hành cổ phần hóa đơn vị nào trong giai đoạn này nhưng tiến hành thoái vốn, cơ cấu lại các công ty cổ phần, công ty liên kết có vốn góp của tổng công ty.

Tổng công ty sẽ thoái toàn bộ vốn nhà nước tại 13 công ty cổ phần theo Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015. Đồng thời chưa thực hiện thoái vốn đối với các công ty liên kết là Công ty TNHH Hai thành viên Khách sạn thương mại Sài Gòn và CTCP Mặt trời - Đường sắt Việt Nam.

Tổng công ty cũng sẽ giữ nguyên mô hình tổ chức của 12 chi nhánh khai thác đường sắt như hiện nay. Bên cạnh đó, thành lập mới Trung tâm Khoa học công nghệ và Dịch vụ.

VNB