Ngày 4/7,
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính
phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các ý kiến tại phiên họp, giao các cơ quan tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện các báo cáo và dự thảo Nghị quyết phiên họp và dự thảo Nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Theo Thủ
tướng, những kết quả nổi bật trong tháng 6 đã góp phần quan trọng vào kết quả
chung của quý II và 6 tháng đầu năm 2023, đạt được mục tiêu tổng quát đã đề ra:
Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được
thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được
bảo đảm; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối
ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; giữ gìn được môi trường hoà bình, ổn định
cho phát triển đất nước, góp phần củng cố tăng cường niềm tin của nhân dân với
Đảng, Nhà nước. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục dự báo Việt Nam là một
trong những nước tăng trưởng cao của khu vực, thế giới; các tổ chức xếp hạng
tín nhiệm uy tín thế giới tiếp tục duy trì và nâng hạng tín nhiệm quốc gia của
Việt Nam.
Bên cạnh
những kết quả tích cực là cơ bản, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại,
hạn chế và khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng GDP thấp hơn so với kịch bản
đề ra. Tình hình thị trường quốc tế còn rất khó khăn. Dư nợ tín dụng tăng thấp.
Thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm. Ngành công nghiệp phục hồi chậm. Sản
xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; có 100 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị
trường, tăng 22,6%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 tăng lên 46,2 điểm
từ mức 45,3 điểm vào tháng 5, nhưng vẫn là tháng thứ 4 liên tiếp dưới 50 điểm.
Vốn FDI
đăng ký tăng thêm tiếp tục bị ảnh hưởng. Những bất cập, vướng mắc của các thị
trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm, bất động sản mới chỉ được xử lý bước
đầu. Thủ tục hành chính một số lĩnh vực, địa bàn còn nặng nề, chưa thông
thoáng, đặc biệt còn có tình trạng vướng mắc pháp lý của nhiều dự án đầu tư
nhưng chậm được các cấp, các ngành chủ động tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm
quyền.
Tình hình
lao động, việc làm khó khăn. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất
là vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo. Biến đổi khí hậu,
thiên tai, dịch bệnh dự báo diễn biến phức tạp, tiếp tục gây hậu quả nặng nề…
Tình hình an ninh trật tự ở một số địa bàn, lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ.
5 bài học
kinh nghiệm quan trọng
Thủ tướng
đề nghị nhấn mạnh 5 bài học kinh nghiệm: (1) Bám sát tình hình, phản ứng chính
sách kịp thời, tổ chức thực hiện hiệu quả; đẩy mạnh tính tự chủ, tự lực tự cường.
(2) Tăng cường hơn kỷ luật, kỷ cương theo tinh thần: đã nói làm làm, đã cam kết
là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có sản phẩm cân đong đo đếm được,
kiểm tra được; làm việc nào dứt việc đó. (3) Đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, uỷ quyền
gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát
quyền lực; (4) Giữ vững bản lĩnh chính trị, tự tin, không cầu toàn, không nóng
vội; không lạc quan khi thuận lợi; không bi quan khi khó khăn; (5) Bảo vệ và
phát huy tinh thần dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; loại
bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại; xử lý nghiêm việc đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.
Về bối cảnh
tình hình thời gian tới, Chính phủ và các địa phương thống nhất nhận định khó
khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Bối cảnh đó đòi hỏi chúng ta phải
tăng cường phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình để có phản ứng
chính sách phù hợp, kịp thời; đồng thời chuẩn bị kỹ các phương án, kịch bản, giải
pháp ứng phó, dứt khoát không để bị động, bất ngờ. Yêu cầu đặt ra là phải linh
hoạt có giải pháp đúng và tập trung thực hiện hiệu quả với tinh thần quyết tâm
cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt hơn nữa và kiên trì, bền bỉ thực hiện các
mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Chuyển
chính sách tiền tệ từ “chắc chắn” sang “linh hoạt, nới lỏng hơn”
Về mục tiêu, quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng yêu cầu kiên định, kiên trì tập trung thực hiện mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Thủ tướng
tiếp tục nhấn mạnh ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh,
đặc biệt là phải ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô (tăng
trưởng khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5%) và bảo đảm đời sống nhân dân. Với
dư địa chính sách còn khá lớn (lạm phát giảm dần còn 3,29%; nợ công 38%, nợ
Chính phủ 34,7% GDP, bội chi ngân sách nhà nước trong vòng kiểm soát), việc ưu
tiên hơn cho mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng là phù hợp, cần thiết lúc này. Đây
cũng là điểm mạnh của Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới còn ít hoặc khó
khăn cho dư địa chính sách.
Trong chỉ đạo điều hành, cần đặc biệt lưu ý việc bảo đảm cân bằng hài hoà, hợp lý giữa: (1) Lãi suất và tỉ giá; (2) Tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu; (3) Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; (4) Theo dõi sát và nắm chắc tình hình bên trong và bên ngoài.
Về định hướng
chính sách, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh
hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả hơn; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với
chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng,
dứt khoát; chú trọng nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp các chính sách.
Cho rằng
đây là cơ hội cần nắm bắt, Thủ tướng nêu rõ chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, mở
rộng hơn được thể hiện chủ yếu thông qua: Tăng cung tiền (M2), tăng tín dụng,
giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay. Theo Thủ tướng, về thực chất,
chủ trương này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhất
quán, có lộ trình, xuyên suốt từ tháng 10/2022 đến nay; NHNN đã làm nhưng cần
làm mạnh hơn nữa. Thủ tướng Chính phủ đưa ra chủ trương chuyển chính sách tiền
tệ từ "chặt chẽ" trước tháng 10/2022 sang "chắc chắn" từ
tháng 10/2022 và tiếp tục chuyển sang "linh hoạt, nới lỏng hơn" trong
điều kiện hiện nay là cần thiết. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết tháo gỡ
khó khăn về thanh khoản, tín dụng, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất, kinh
doanh và phù hợp với thực tiễn.
Cùng với
NHNN và ngành ngân hàng, Thủ tướng kêu gọi và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp phải
nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tăng cường tiết kiệm chi phí, đổi mới quản trị doanh
nghiệp, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ứng dụng công nghệ
cao, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển sản phẩm có chất lượng theo hướng sản
xuất xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện môi trường, đáp ứng
yêu cầu mở rộng thị trường trong nước, quốc tế.
Đồng thời,
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng
NHNN và cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất
là rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành
chính, tiếp giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Về công cụ,
giải pháp chính sách, Thủ tướng yêu cầu rà soát các cơ chế, chính sách, có giải pháp cụ thể,
phù hợp để tập trung hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả về phía cầu
và phía cung. Theo đó, tiếp tục rà soát, có các giải pháp mạnh hơn, hiệu quả
hơn để kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước (các giải pháp
về miễn giảm thuế, phí, lệ phí, các hình thức hỗ trợ mua hàng, khuyến mãi, giảm
giá, giảm các loại phí, lệ phí, thúc đẩy mạnh mẽ tín dụng tiêu dùng…).
Đẩy mạnh
hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công (với tổng số vốn đầu tư công năm 2023 khoảng
817 nghìn tỷ đồng; trong khi 1 đồng vốn đầu tư công có thể thu hút được 1,62 đồng
đầu tư ngoài nhà nước); đồng thời tạo mọi thuận lợi thu hút đầu tư tư nhân, đầu
tư nước ngoài, đặc biệt là các dự án PPP; tập trung xoá bỏ rào cản, khơi thông
mọi nguồn lực từ bên trong và bên ngoài.
Về xuất khẩu,
tăng cường xúc tiến thương mại, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống
hiện có và mở rộng các thị trường mới, có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm
xuất khẩu, nhất là xuất khẩu xanh (lưu ý các khu vực Trung Đông, châu Phi, Mỹ
La-tinh, Khối Bắc Mỹ); sớm ký Hiệp định FTA với Israel, UAE….
Tập trung
nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế. Quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục
hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; tăng cường ứng dụng khoa học công
nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh
chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… nhằm tạo
chuyển biến rõ nét về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền
kinh tế.
Đồng thời,
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chủ động, tích cực giải quyết các khó khăn, vướng
mắc của các địa phương tổng hợp từ báo cáo của 26 tổ công tác của Chính phủ;
các tổ công tác này tiếp tục hoạt động hằng tháng nhằm thực hiện "mục tiêu
kép": vừa kiểm điểm, đánh giá việc xử lý các kiến nghị trước đó; vừa kịp
thời giải quyết những vấn đề mới phát sinh.
10 nhóm
nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Thủ tướng
nêu rõ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung với các bộ, ngành, địa phương.
Thứ nhất,
nắm chắc tình hình, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để chủ động ứng
phó, giải quyết kịp thời, hiệu quả; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo, đề xuất
ngay với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai,
siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi
cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt lưu ý không được đùn đẩy, né tránh trách
nhiệm, nhũng nhiễu, tiêu cực và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).
Thứ ba,
thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Trong đó
lưu ý cần đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các công
trình hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia đi qua các địa phương; Chủ tịch
UBND cấp tỉnh chủ động, tích cực giải quyết cung cấp vật liệu xây dựng thông
thường cho các dự án đường cao tốc.
Thứ tư, tập
trung tháo gỡ khó khăn, khắc phục ngay tình trạng sản xuất kinh doanh trì trệ,
khôi phục và tìm kiếm thị trường, đơn hàng mới (phấn đấu chỉ số PMI sớm tăng
lên trên 50 điểm); yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương phải chủ động rà soát, có
biện pháp, hành động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư một cách kịp thời,
thiết thực, hiệu quả, không hứa suông. Không nói không, không nói khó, không
nói có mà không làm.
Thứ năm,
giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng (khoảng
4,5% và khoảng 6,5% theo Nghị quyết của Quốc hội) bảo đảm các cân đối lớn của nền
kinh tế.
Thứ sáu,
chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, việc làm và đời sống nhân dân (lưu ý vấn đề
tăng lương và kiểm soát giá).
Thứ bảy,
thúc đẩy các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công
nghệ, bảo vệ môi trường, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần
hoàn.
Thứ tám,
tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực; giữ vững ổn định chính trị - xã hội;
củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Thứ chín,
tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề quan trọng, cấp bách hoặc
mới phát sinh. Trong đó, đẩy mạnh và hoàn thành dứt điểm công tác quy hoạch
ngành, quy hoạch địa phương, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp
xã. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả giải ngân 3 chương trình mục
tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội. Triển khai
thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII; xây dựng hệ thống truyền tải điện;
trong đó có chuỗi dự án điện khí Ô Môn, đường dây 500 KV từ miền Trung ra miền
Bắc. Bảo đảm đủ điện, xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và
tiêu dùng của nhân dân. Xử lý tình trạng mất cân đối cung cầu lao động tại một
số địa phương; chủ động phương án hỗ trợ người lao động. Tổ chức tốt tuyển sinh
đại học, cao đẳng; đấu thầu in sách giáo khoa theo cơ chế thị trường; xử lý dứt
điểm vấn đề thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại một số cơ sở y tế công
lập...
Thứ mười,
chuẩn bị kỹ, phục vụ tốt các cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhất là Hội
nghị Trung ương, kỳ họp Quốc hội vào cuối năm.
Theo BCP