Theo bản tin thị trường lao động quý I/2023, đã có 16.730 lượt doanh nghiệp đăng tuyển dụng 75.285 lao động, 72.458 lao động tìm việc. Trong đó, tuyển dụng trình độ từ đại học trở lên chiếm 49,4%; cao đẳng, trung cấp, sơ cấp chiếm 42,3%, không yêu cầu có chuyên môn kĩ thuật 8,3%. Quý II, sẽ có khoảng 51,25 triệu người có việc làm, tăng 150.000 người so với quý I.

Đây là tín hiệu khá khởi sắc tuy nhiên theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thị trường lao động vẫn còn nhiều thách thức. Dự báo ngành may mặc sẽ giảm 38.100 việc làm; sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 38.000 việc làm; in, sao chép bản ghi các loại giảm 37.800 việc làm…

Theo Tổng cục Thống kê, tình hình mất việc đang gia tăng. Cụ thể, quý IV/2022, cả nước có gần 118.000 động bị mất việc, sang quý I/2023, cả nước có gần 294.000 lao động phải nghỉ, giãn việc do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng.

Lao động mất việc chủ yếu tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai (gần 32.600 người); Bình Dương (gần 21.700 người); Bắc Ninh (14.000 người)... Trong các vùng kinh tế, Đông Nam Bộ trở thành vùng bị ảnh hưởng nặng nhất do tình trạng giảm sút đơn hàng. Hiện, tỉ lệ thiếu việc làm khu vực này tăng lên 1,75% so với 1,52% của quý trước.

Theo các chuyên gia, tình trạng khó khăn của thị trường lao động hiện nay do tác động của nhiều yếu tố và không thể giải quyết nhanh chóng. Để phục hồi thị trường, ngoài tập trung phát triển nguồn nhân lực, phải nắm rõ việc thừa - thiếu nhân lực cụ thể diễn ra ở ngành nghề, vùng miền nào; thiếu cụ thể bao nhiêu... Từ đó có phương án kết nối cung - cầu chính xác.

Ông Lê Quang Trung - nguyên Phó cục trưởng Cục Việc làm - Bộ Lao động, Thương  binh và Xã hội cho rằng, ngành lao động đang thực hiện kết nối việc làm truyền thống từ sàn giao dịch trực tiếp, online. Tuy nhiên, cũng cần tính toán lâu dài, định hướng nghề nghiệp ngay từ bậc THCS, THPT. Theo đó, phải định hướng việc làm theo phương châm 3 cùng: Cùng tuyển sinh, đào tạo, giải quyết việc làm sau đào tạo.

Đối với nhóm lao động bị giảm việc, mất việc, ông Trung đề nghị ngành lao động cùng tổ chức Công đoàn nắm chắc sự biến động của thị trường, phân loại số lao động này. “Lao động nào đáp ứng điều kiện cần cung ứng ngay cho doanh nghiệp thiếu; lao động thiếu kỹ năng, tay nghề, cần hỗ trợ họ tham gia đào tạo, bổ túc, nâng cao trình độ...

BLĐ