Đây
là kết quả của đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất một số sản phẩm lên men từ
củ gừng Việt Nam” do PGS. TS Nguyễn Thị Việt Anh cùng các cộng sự của Viện Công
nghiệp thực phẩm thực hiện. Đề tài nằm trong khuôn khổ Đề án Phát triển và ứng
dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ
Công Thương chủ trì.
Triển khai thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã xây dựng và hoàn thiện được công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất bia gừng với quy mô 2000 lít/mẻ với các thông số tối ưu. Dựa trên quy trình công nghệ xây dựng được, nhóm tiến hành sản xuất thử nghiệm hơn 10.000 lít bia tại Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Phú Thọ.
Về
mặt cảm quan, sản phẩm bia gừng có màu vàng sáng và có hương vị đặc trưng của gừng.
Đáng chú ý, sản phẩm có chỉ tiêu hóa lý phù hợp với bia thông thường, thành phần
nhựa dầu gừng đảm bảo hương vị đặc trưng cho bia, các chỉ tiêu vi sinh trong giới
hạn cho phép, phù hợp quy định hiện hành.
Đặc
biệt, theo PGS. TS Nguyễn Thị Việt Anh, sau khi tính toán các chi phí, dự kiến
giá thành bia gừng ước tính là 15.000đ/lít (dạng bia tươi), rẻ chỉ bằng một nửa
so với giá bia gừng thủ công nhập công nghệ nước ngoài là 30.000 đồng/lít.
“Mức
giá này hoàn toàn phù hợp với thị trường bia Việt Nam. Do đó, sản phẩm bia gừng
được cho là sẽ có thị trường tiềm năng tốt, đặc biệt là vào mùa đông khi bia
truyền thống không được ưa chuộng” – PGS.TS Nguyễn Thị Việt Anh khẳng định.
Cũng
theo PGS.TS Nguyễn Thị Việt Anh, trong quá trình sản xuất, nhóm nhận thấy công
nghệ sản xuất bia gừng khi triển khai lên quy mô lớn khá ổn định. Về cơ bản,
công nghệ do nhóm nghiên cứu hoàn toàn có thể áp dụng trong sản xuất đại trà mà
gần như không cần hiệu chỉnh các thông số công nghệ.
Ngoài
sản phẩm bia gừng, trong khuôn khổ thực hiện đề tài, nhóm còn sản xuất thành
công 1.000 kg gừng tươi muối chua theo phương pháp lên men lactic. Sản phẩm gừng
muối chua thái lát ăn giòn, không nhũn, vàng sáng không sẫm màu, có mùi thơm đặc
trưng, vị chua dịu, hài hòa. Dự kiến, giá thành sản phẩm gừng muối chua lên men
do đề tài sản xuất vào khoảng 90.000đ/kg, rẻ hơn so với gừng muối chua nhập khẩu
là 150.000đ/kg.
Có
thể nói, việc nghiên cứu thành công công nghệ chế biến gừng thành những sản phẩm
như bia gừng, hay gừng muối chua sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm chế biến cho củ gừng
Việt Nam. Bên cạnh đó, kết quả của đề tài còn giúp giải quyết đầu ra cho người
nông dân, nâng cao giá trị cây gừng Việt Nam, nâng cao thu nhập cho người trồng,
giảm việc nhập khẩu các sản phẩm từ gừng vào Việt Nam.
*
Ở Việt Nam, hiện nay, công nghệ chế biến gừng chủ yếu là sản xuất dầu gừng,
tinh dầu gừng ở quy mô nhỏ. Thực tế, nước ta phải xuất khẩu gừng thô nguyên liệu
và tốn hàng chục triệu đô nhập khẩu dầu gừng cho các ngành sản xuất thực phẩm
và dược phẩm. Việc chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm từ gừng tươi hiện còn
chưa xứng tầm với nguồn nguyên liệu dồi dào và thị trường tiêu thụ của Việt
Nam, đặc biệt đối với các sản phẩm đồ uống và lên men.
Theo
CTTĐTBCT