Một Founder (người sáng lập) trẻ có tên Trần Trung Tín, thuộc Thế hệ Millenials,
đã có những hướng đi quen mà lạ trong hình thức kinh doanh dịch vụ F&B và
Hospitality tại Trung tâm Thành phố Cần Thơ những năm gần đây.
Sau gần 3 năm hoạt động, hiện tại, Trần Trung Tín đã sở hữu cho mình hai cửa
hàng nằm trên đoạn đường sầm uất của Cần Thơ mang tên Chò Nâu Minimalism House
(CMT8) và Chò Nâu nostalgia (Nguyễn Trãi).
Có thể nói, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam đã chứng kiến sức tàn
phá nghiêm trọng nhất từ trước tới nay cho tất cả doanh nghiệp, cũng như cơ sở
kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ,... Trong đó, theo báo cáo của bộ Kế hoạch & Đầu
tư, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 22,14% so với cùng kỳ năm trước.
Để hiểu rõ hơn về ngành F&B ( dịch vụ thực phẩm) nói chung và Chò Nâu nói riêng, VnIndustry đã có một cuộc phỏng vấn ngắn cùng Trần Trung Tín (Founder của Chò Nâu) để nghe câu chuyện kinh doanh, cách triển khai vấn đề, nhạy bén đổi mới mọi hình thức đối với khách hàng tiềm năng và trung thành; đặc biệt là quá trình kinh doanh hậu Covid-19.
Vì sao quán có tên là Chò Nâu?
Ở Cần Thơ, có rất nhiều điều để nói đến, nhưng có một thứ mà tôi để ý; song
lại khiến mọi người hay quên đi, đó chính là hình ảnh trái chò. Song song, tôi
rất thích việc quá trình trái chò được sinh ra cho đến nhiệm vụ cuối cùng là cuốn
bay theo chiều gió để cho người ngắm nhìn cảm nhận là nó đẹp mỗi lần xoay trong
không trung. Tôi hay ví hình ảnh trái chò giống như cuộc sống, chỉ bắt trọn
đúng khoảnh khắc một lần để có thể tung tăng nhảy múa nhưng bên trong vẫn còn
giữ hạt mầm nhằm tiếp tục sinh sôi nảy nở về sau. Nếu phân tích về mặt giá trị
của cuộc sống thì cũng giống như vậy nên tôi đã chọn cái tên Chò Nâu để làm tên
cho mô hình kinh doanh trà – coffee, và homestay.
Dường như anh đang đưa hơi thở nghệ thuật nhiều hơn yếu tố kinh doanh khi
phát triển mô hình cho Chò Nâu?
Những gì liên quan đến nghệ thuật thì tôi rất hứng thú. Và kể từ lúc hoàn
thành xong chương trình IE-MBA kéo dài 2 năm, thì tôi chuyển tiếp ngay đến một
lĩnh vực học thuật mới mẻ khác là Di sản học. Văn hoá chính là gốc rễ của doanh
nghiệp. Điều tôi đang làm không phải là thuần nghệ thuật, thuần kinh doanh hay
thuần văn hoá, mà điều tôi đang làm chính là biến tất cả những yếu tố đó thành một lý thuyết về kiểu mẫu doanh nghiệp
có khả năng chống chịu cao và bền vững.
Không gian decor theo kiểu tối giản với sắc trắng và nâu làm chủ đạo đang
là xu hướng chung cho hầu hết các quán coffee ở đô thị lớn. Thế thì làm sao để
anh có thể cạnh tranh với những quán có kiểu thiết kế không gian tương tự?
Theo tôi nghĩ, đối với Chò Nâu, đó là tôi có thể truyền tải được linh hồn.
Ví dụ, bạn có thể bày một không gian tối giản, một khối tĩnh vật tối giản,
nhưng quan trọng hơn hết, sẽ rót linh hồn gì? Về mặt cá nhân, tôi sẽ rót từ suy nghĩ, tâm tư, tình
cảm; song, chẳng thể nào bắt số đông theo mọi ý của mình. Cho nên, lúc ấy phải
sử dụng biện pháp; và biện pháp của tôi đi từ 6 giác quan, bao gồm: mùi – màu –
chạm – nghe - nếm – cảm nhận.
Khách đến Chò Nâu là để tìm một không gian tĩnh lặng, nhẹ nhàng, hít thở dễ dàng, và lột bỏ đi vẻ ồn ào náo nhiệt của khu đô thị. Có khi là nắm bắt chính mình ở thì hiện tại hoặc là ngược dòng hoài niệm trở về quá khứ, trong chính phút giây tĩnh tại đó, các khách hàng của tôi họ đã có được "lợi" và "lạ".
Kinh doanh và hình ảnh mang “chất nghệ” thường sẽ tồn tại ở hai cá thể khác
nhau. Nhưng anh lại có thể đảm đương 2 trong 1. Có quá khó để quản lý?
Tất cả chỉ là phép thử. Tôi suy nghĩ đơn giản thế này! Tôi cho phép bản
thân mình sai. Nhưng khi mình sai thì tôi biết đã sai nơi nào và sẽ đứng ngay
điểm mà tôi sai. Có nhiều chiến lược tôi từng thực hiện không chạm được vào
khách hàng. Thế là tôi phải suy nghĩ để đổi chiến lược khác.
Có thể nói, quá trình vận hành ngành F&B và Hospitality chẳng thể nào dễ dàng, tôi gặp rất nhiều khó
khăn. Tất cả như bạn nhìn thấy ở hiện tại chỉ là startup – mọi thứ chỉ mới bắt
đầu. Đồng thời, khi kinh doanh với vai trò là startup, bạn phải tự đặt câu hỏi
cho chính bản thân rằng: Tại sao bạn khởi nghiệp? Bạn khởi nghiệp như thế nào?
Sau cùng, bạn có thể làm và duy trì trong bao lâu? Nếu tự trả lời 3 câu hỏi đó
thì có lẽ sẽ không cần các shark tham gia cố vấn. Giá trị cốt lõi tôi đưa ra giống
như biểu đồ Fishbone; giúp nhận biết nguyên nhân thực tế hoặc tiềm ẩn mà có thể
tạo một kết quả.
Thường theo nguyên tắc, năm thứ nhất là năm đầu tư, năm thứ hai là năm lấy
lại vốn, năm thứ 3 là năm sinh lãi nhưng… đó là nguyên tắc dựa trên mặt bằng
chung. Còn đối với những điều mới mẻ, những điều mang giá trị bền vững thì điểm
hòa vốn ở Chò Nâu sẽ xác định từ 2 -2,5 năm sau khi đưa vào hoạt động.
Và hiện tại, Chò Nâu đang đạt đến giai đoạn thứ 2. Ở giai đoạn này, chúng
tôi sẽ công bố mô hình lý tưởng mà công ty đang theo đuổi. Hiện tại, toàn bộ hệ
thống của chúng tôi đang dốc hết sức mình để chuẩn bị tham chiếu đến khách
hàng.
Anh đánh giá thế nào về tình hình kinh doanh quán cà phê có không gian hiện
nay?
Nếu so sánh ngành dịch vụ F&B giống như bệnh nhân mắc SARS- CoV-2 trong
đại dịch Covid-19, thì chỉ số SpO2 của tình hình kinh doanh quán cà phê có
không gian chỉ còn ở ngưỡng 10 - 20%, chuẩn bị chạy ECMO. Đại đa số các mô hình
SMEs kinh doanh như thế này nội tại không có khả năng chống chịu tốt. Thậm chí
đi vào khủng hoảng và phải đóng cửa vĩnh viễn.
Covid-19 đã có những tác động nào đối
với thị trường thức uống nói chung tại khu vực Cần Thơ và 2 cơ sở của anh trong
suốt quý thứ 3 vừa qua?
Đại dịch Covid-19 cũng giống như Cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 làm
ngành Ngân Hàng Việt Nam, thế giới chao đảo. Lật lại, có một lý thuyết như sau:
Từ đầu những năm 1990, Quân đội Hoa Kỳ công bố một khái niệm để mô
tả về thế giới “đa phương” sau Chiến tranh Lạnh, lý thuyết về bối
cảnh tên gọi VUCA xuất hiện. Thuyết VUCA được xác lập khi thỏa 4 điều
kiện: Biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp
(Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity).
Và đa phần Doanh Nghiệp kinh doanh Dịch Vụ truyền thống khả năng chống chịu
không cao. Đặc biệt là các mô hình mới, được điều hành bởi người trẻ, vòng lặp
tài chính chưa đủ dày và dồi dào, nên rất nhiều những doanh nghiệp chưa biết
làm gì sau dịch, hoặc sẽ mở bán lại như bình thường. Điều này sẽ rất khốc liệt
nếu Covid-19 làm chúng ta phải giãn cách thêm một lần nữa.
Hai cơ sở phục vụ thức uống, Chò Nâu, phản ứng thế nào với tình huống đại dịch
năm vừa qua?
Chò Nâu với quy mô hai chi nhánh được đông đảo các bạn trẻ ở Cần Thơ biết đến
với một cơ địa linh hoạt và mô hình có khả năng chống chịu cao. Theo chu trình
phát triển của Doanh nghiệp, những tháng cuối năm 2021 vừa qua, Chò Nâu đã giới
thiệu thêm một lĩnh vực khác cũng nằm trong hệ sinh thái Chò Nâu, điều này sẽ
làm cho Doanh nghiệp có được Hệ sinh thái bền vững.
Trở lại, riêng Chò Nâu, tôi có một số kinh nghiệm đúc kết dành cho các SMEs
ở Thành phố Cần Thơ, chúng ta nên bắt đầu từ việc:
• Xác định lại định hướng chiến lược.
• Mở rộng tầm nhìn.
• Ngừng duy trì các chiến lược của quá khứ.
• Ngưng sao chép các chiến lược chiến lược này được thiết kế cho
các công ty lớn, các công ty quy mô toàn cầu.
• Chiến lược của công ty bạn là con đường duy nhất để bạn giữ
được vị thế.
• Chiến lược xoay quanh “rủi ro” được xây dựng bao gồm các quá
trình: theo dõi, diễn giải, đo lường, đánh giá và quản lý rủi ro một
cách chính xác. Đánh giá mức độ gặp phải rủi ro sụt giá.
• Tăng cường khả năng chống chịu.
• Tăng cường sức mạnh.
Nhiều cơ sở kinh doanh bán lẻ đã không trụ vững vì giá thuê mặt bằng, bằng
cách nào để Chò Nâu xoay sở trong lúc khó khăn?
Chò Nâu có quỹ tài chính dự phòng rủi ro được duy trì để bảo toàn mô hình và
quy mô. Song song đó, chúng tôi vẫn sử dụng các biện pháp thương lượng về mức
giá thuê mặt bằng kinh doanh, và chuyển sang một khung giá linh hoạt theo tình
hình dịch bệnh.
Lạm phát đang tăng cao, trong trung hạn, liệu triển vọng doanh thu của Chò
Nâu có tích cực?
Chúng ta đang chuyển dần hướng từ “Zero Covid Strategy” sang “Living with Covid Strategy”. Chò Nâu quan niệm, rằng năm 2022 là mốc thời gian dành cho “sự phát triển nhảy vọt” - nghĩa là chúng ta cần quyết liệt hơn trong cách chúng ta “bày trận” để sẵn sàng đương đầu với Covid-19 hoặc là một thứ tương tự trong bối cảnh V-U-C-A theo chu kỳ.
Kế hoạch tiếp theo của Chò Nâu sẽ là?
Hiện tại, Chò Nâu đang công bố mở bán sản phẩm Chò Nâu Nostalgia với mức
giá 4.262.000.000. Mục đích tạo điều kiện cho các chủ đầu tư tiềm năng có mong
muốn đầu tư trong lĩnh vực này có sự chuẩn bị hoàn thiện đến từ Chò Nâu. Hình
thức đầu tư này mang đến cái nhìn thực tế ngay tại mô hình kinh doanh chúng tôi
đã sở hữu, từ đó sẽ giảm thiểu được rủi ro với bước đầu tư phát triển ngành nghề
F&B tại đây.
Bên cạnh đó Chò Nâu cũng giới thiệu và công bố thêm các sản phẩm tương tự
như Eatery (quán ăn) với Concept “Pastoral Foods”, hoặc Coffee (quán cà phê có
phục vụ đồ ăn nhẹ) với thiết kế độc bản từ biểu tượng của vùng Tây Bắc và hơi
thở của thị dân hiện đại,…đó là câu chuyện dành riêng cho các chủ đầu tư đến từ
thị trường TP.HCM.
Việc chúng tôi cũng đưa các yếu tố liên quan đến “ăn-mặc-ở” để thể hiện cho
một lối sống ở một vùng địa lý có văn hoá đặc thù đang đại diện cho một mô hình
kinh doanh đặc biệt. Và cách mà chúng tôi tiếp cận khách hàng trực tiếp trải
nghiệm cũng xuất phát từ các giác quan cũng như thông qua các sản phẩm, dịch vụ
kèm theo trong mô hình kinh doanh. Có thể kể đến sản phẩm địa phương, mỹ thuật,
và triển khai các hoạt động triển lãm nghệ thuật cộng đồng.
Cơ sở 1: Chò Nâu Minimalism House & Tee, Coffee
Địa chỉ: 150-152, đường Cách Mạng tháng Tám, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều,
Tp.Cần Thơ
Điện thoại:+84 949864242
Email:chonauhouse@gmail.com
Cơ sở 2: Chò Nâu Nostalgia
Địa chỉ: 38, đường Nguyễn Trãi, phường Tân An, quận Ninh Kiều, Tp. Cần Thơ
Điện thoại:+84 949864242
Email:chonauhouse@gmail.com
Ban biên tập VnIndustry