Giá nhôm liên tiếp tăng trong nhiều
tháng qua, Hiện giá nhôm trên sàn giao dịch Thượng Hải (Trung Quốc) đạt kỷ lục
cao nhất trong vòng 13 năm qua và có dấu hiệu chưa có điểm dừng.
Giá nhôm kỳ hạn giao tháng 9 trên
sàn Thượng Hải (hợp đồng giao dịch nhiều nhất) ngày 17.08.2021 đạt 20.575 nhân
dân tệ (3.175,74 USD)/tấn, tăng 1,6% so với phiên liền trước và đạt mức cao nhất
kể từ tháng 8 năm 2008. Được biết, từ ngày cuối tháng 7 cho đến nay, giá nhôm
trên sàn Thượng Hải luôn ở mức trên 19.000 nhân dân tệ (2.934 USD)/tấn.
Tại thị trường Mỹ và Châu Âu giá
nhôm cũng tăng cao kỷ lục, cụ thể trên tại sàn London giá nhôm kỳ hạn giao sau
3 tháng (hợp đồng tham chiếu) kết thúc phiên 16.08.2021 duy trì quanh mức cao
nhất trong vòng nhiều năm, là 2.635 USD/tấn, sau khi tăng hơn 30% trong năm
nay. Mới đây, giá nhôm có thời điểm đạt 2.642 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng
4/2018.
Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến
tình trạng tăng giá nhôm theo các chuyên gia được lý giải là do:
1. Sự gián đoạn sản xuất tại
thị trường Trung Quốc – thị trường sản xuất nhôm hàng đầu thế giới dẫn đến
gia tăng lo ngại về nguồn cung. Chuyên gia phân tích Colin Hamilton của BMO
Capital Markets cho biết thị trường nhôm năm nay có thể vượt qua năm 2010 để trở
thành “mức tăng nhu cầu hàng năm lớn nhất trong lịch sử”.
Hạn hán ở tỉnh Vân Nam của Trung
Quốc đã khiến sản lượng thủy điện của khu vực này bị sụt giảm, gây ra tình trạng
thiếu hụt điện và buộc chính quyền địa phương phải yêu cầu các nhà máy luyện
nhôm giảm lượng điện sử dụng.
Nhà phân tích Dinsmore của CRU
cho biết Vân Nam chiếm 50% mức tăng trưởng sản lượng nhôm toàn thế giới giai đoạn
2020 đến năm 2023, vì vậy bất kỳ sự thiếu hụt nào ở đó đều có tác động tới toàn
cầu. Theo ông Dinsmore: “Điều này rất quan trọng đối với thị trường – đó là nơi
diễn ra sự tăng trưởng nguồn cung”.
2. Nhu cầu thế giới phục hồi
trong bối cảnh chi phí vận chuyển tăng cao và chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn
Nhôm là nguồn nguyên liệu được sử
dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, từ đồ hộp đến bao bì, xây dựng và hàng
không vũ trụ – những ngành đang tăng trưởng mạnh mẽ cùng với đà hồi phục kinh tế
thế giới. Ngoài ra, nhôm cũng được sử dụng trong ô tô điện, cả trong bộ pin và
thân của một số mẫu xe cao cấp. Nhà phân tích Eoin Dinsmore của CRU cho biết:
“Do nền kinh tế toàn cầu hồi phục trên diện rộng, nên nhôm đang được hưởng lợi ở
hầu hết các lĩnh vực. Hơn 74% tổng số bia bán ở Mỹ được đóng gói trong lon và
chai nhôm. BMO dự báo tiêu thụ nhôm toàn cầu sẽ tăng 8,5% trong năm nay lên
68,2 triệu tấn.
3. Ảnh hưởng từ các chính sách
áp thuế và khả năng khai thác từ các chính phủ
Nga đã áp thuế 15%, tương đương tối
thiểu 254 USD/tấn đối với xuất khẩu nhôm từ tháng 8 đến tháng 12 năm nay. Rusal
là hãng sản xuất nhôm duy nhất của Nga, chiếm 6% nguồn cung toàn cầu ước – tính
khoảng 65 triệu tấn trong năm 2020. Nga áp thuế xuất khẩu nhôm, cũng như một số
mặt hàng khác, để ngăn chặn lạm phát giá trong nước đang tăng cao. Có thông tin
Nga có thể sẽ áp thuế vĩnh viễn đối với xuất khẩu nhôm sau khi Tổng thống
Vladimir Putin và Bộ trưởng Kinh tế nước này phê chuẩn, mặc dù kỳ vọng mức thuế
suất đó có thể thấp hơn đáng kể so với mức hiện đang áp dụng.
Bên cạnh đó, các nhà hoạch định
chính sách Trung Quốc đã dừng việc xem xét phê duyệt những đề xuất về các dự án
mới tiêu thụ nhiều năng lượng không có sự hỗ trợ của Chính phủ ở các tỉnh Vân
Nam, Quảng Tây và Tân Cương – đều là những khu vực sản xuất nhôm lớn của nước
này, sau khi mức tiêu thụ năng lượng gia tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay.
Theo phân tích và dự báo thị trường
của các chuyên gia, giá nhôm thế giới sẽ có sự phân hóa lớn trong thời gian sắp
tới. Giá nhôm ở Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng, ít nhất là trong vài tháng tới, Còn
thị trường Mỹ và Châu sẽ chuyển sang sử dụng nhôm dự trữ. Khi các thời hạn áp
thuế suất đối với mặt hàng khẩu nhôm kết thúc, dự báo mức cộng giá nhôm của Mỹ
sẽ giảm dần, có thể xuống 570 USD/tấn vào cuối năm 2022.
LiShiHe T/h